Cười ra nước mắt về chuyện đặt tên cho con

(Dân trí) - Không biết chữ, đi làm khai sinh, đọc cho cán bộ ghi giúp :" Nguyễn Thị Minh". Cán bộ mải nói chuyện với người bên cạnh không chú ý nghe nên hỏi lại : Nguyễn Thị Minh gì"? Người cha "Dạ, Nguyễn Thị Minh thôi ".Thế là tên con thành : Nguyễn Thị Minh Thôi .”

Đáng lẽ cái tên phải là
Thúy Hằng nhưng cán bộ tư pháp lại ghi trên giấy khai sinh là Tý Hèn
Đáng lẽ cái tên phải là Thúy Hằng nhưng cán bộ tư pháp lại ghi trên giấy khai sinh là Tý Hèn

Con người khi sinh ra được đặt tên. Người Việt theo phong tục xưa thì không đặt tên ngay khi đứa trẻ mới chào đời mà chỉ gọi nôm na như thằng cu, cái đĩ,... hoặc một cái tên gì đó xấu xí trong vòng 100 ngày để ma qủy khỏi bắt nó đi. Ở Huế, đúng 100 ngày, sau lễ tạ ơn "mười hai bà mụ" bấy giờ mới đặt tên húy.. Tên húy là tên chính thức của mỗi người, thường do cha mẹ đặt. Tên chính còn được gọi là tên húy, tên thật, hay tên khai sinh. Từ khi có tên, người đó mới coi như chính thức bước vào cộng đồng xã hội với sổ bộ ghi chép, với giấy khai sinh  với bao hoài bão ước mơ chứa đựng trong cái tên đó. Nói chung, cái tên thường mang nội dung cao đẹp về đạo đức, tài năng, phú quý, hạnh phúc. Tên nữ thường là tên loài hoa, tên loại vải quý, từ ngữ chỉ đức tính hay từ ngữ có âm thanh nhẹ nhàng, có ý nghĩa hoa mỹ, Tên nam thường được chọn trong các tiếng biểu lộ được sự mạnh mẽ về thể xác lẫn tinh thần, tiếng chỉ trí tuệ, tiếng chỉ trí tuệ, hay tiếng chỉ tiền tài danh vọng hay chỉ địa vật. Cái tên sẽ theo suốt cuộc đời của người mang nó như luôn soi rọi mọi hành vi mà người đó mang theo, đúng hay không đúng với cái tên mình đã mang. Do đó, những người cẩn trọng thường tránh một số từ ngữ có ý nghĩa không phù hợp với các nội dung trên

Nhưng đáng tiếc rằng trong cuộc sống lại có nhiều chuyện  cười ra nước mắt về chuyện đặt tên cho con.

Nguyên nhân trước hết là tại gia đình. Có khi tùy tiện hoặc theo thói quen làng quê:

“Nhà vợ của bác mình anh chị em tên là: Đãi, Vo, Gạo, Mắm, Muối. vợ của bác mình là bác Muổi đấy. còn ở nhà mình bác ruột mình là bác Nảy và bác Mầm, 1 chị con bác là Nở. Ngoài ở quê còn có nhà có tên các con là Thân, Rễ, Cành, Lá, Hoa. Nói chung ở quê thì rất nhiều nhà tên rất lạ, chủ yếu là đông con nên đặt tên con theo vần nên mới có nhũng cái tên lạ thế.” Hoàng Văn Thông hoangvanthong48@gmail.com

Cũng có trường hợp tai quái, lấy việc đặt tên để trút nỗi hận trong lòng:

“Ở quê mình cũng có mối tình không chấp nhận, nên đứa con mang họ mẹ, trong khi bố đẻ đứa bé tên Thành, ông nội đứa bé tên Đại, cố nội đứa bé tên Hưng, chị này đặt luôn con tên là Nguyễn Thành Đại Hưng.” Minh Hằng leminhhang_sg1990@yahoo.com
 
Nhưng nhiều trường hợp có những người mang cái tên oái ăm là do trình độ và sự vô trách nhiệm của cán bộ tư pháp:

“Bố mẹ thì cũng có người học vấn ít, không trách được họ, cán bộ tư pháp thì không được đào tạo cơ bản, làm ăn cẩu thả, chữ viết thì xấu. Con tôi tên là Quân, nhưng họ viết " ngoáy " , sang phường khác khi chuyển khẩu , người ta không thừa nhận là Quân mà bảo như thế này là " Luân " chứ không phải là Quân. Chúng tôi làm sao được phép đặt bút vào tẩy sửa trong sổ hộ tịch? đã thế lại còn bị nơi mới hạch sách hoạnh họe!”. Karel IV tranduclongcz@yahoo.com
 
“Tôi thì có ông chú tên là Nguyễn Văn 13 ẩm .. là do cán bộ tư pháp viết cẩu thả chữ B liền nét nhau thành 2 nét rởi nhau đâm thành số 13 ..!! Đúng ra là  Bẩm ..” Tuyết Tuyet79ms@gmail.com
 
“Tôi lại có người bạn, cha không biết chữ, đi làm khai sinh cho con, đọc cho cán bộ ghi giúp :" Nguyễn Thị Minh". Cán bộ mải nói chuyện với người bên cạnh không chú ý nghe nên hỏi lại : Nguyễn Thị Minh gì"? Người cha "Dạ, Nguyễn Thị Minh thôi ".Thế là tên con thành : Nguyễn Thị Minh Thôi .” Dung Châu dungchau1984@gmail.com
 
Một số  cán bộ tư pháp thiếu hiểu biết về văn hóa, thổ ngữ địa phương lại mắc bệnh vô cảm. Ở Miền Trung thì chữ TÝ HÈN rất có thể là THÚY HIỀN chẳng hạn, chữ này hợp với con gái nhưng vì ông bố đọc ra mà cán bộ không đủ tâm và tầm nên cứ mặc kệ: Công bộc dốt nên trót ghi sai, dân bảo sửa thì không nghe. Và như cô Hằng thì giọng bản địa là "Hèng" viết đúng âm là "Hèn". Trung- Đà Nẵng quoctrung2007@gmail.com

“Tôi qua người quen còn biết có những người mang tên cũng kì lắm: * Nguyễn Thị Kiêm (Kim) Hoa, cái này chắc chắn do cán bộ tư pháp nghe không chuẩn.” Nguyễn Nam david.nguyen.rmitvn@gmail.com

“Ồ, vậy ra cũng rất nhiều người giống trường hợp của mình. Tên mình là Nguyễn Quốc Lật, đúng là cả Việt Nam chỉ có một.” Nguyễn Quốc Lật luatks86@gmail.com
 
Có những tên tiếng Việt không đọc được hoặc rất khó đọc, nhưng cán bộ tư pháp vẫn ghi vào giấy khai sinh mà không hỏi lại bố mẹ cháu bé:

“Bố tôi tên là NGUYỄN VĂN CÔÔNG …” Nguyễn Văn Hà hacoiday@gmail.com.vn

“Cũng chưa bằng trường hợp này, cha mẹ đăt tên là Hồ Đức Phước, Cán bộ tai điếc tai sáng ghi là Hồ Đức Phớc…” Thai Viet Anh thâivietnh.net@gmail.com

“Lỗi sai này phần lớn cán bộ hộ tịch trình độ kém nên ghi không đúng. Quá quắt hơn nữa là vợ tôi bị sai tháng đến mức trong giấy CMND cán bộ hộ tịch ghi là sinh tháng 22 . (Một năm chỉ có 12 tháng, làm gì có tháng 22). Khi đi làm lại, vợ tôi bị cán bộ làm chứng minh thư cho rằng do vợ tôi lúc trước khai là sinh tháng 22 nên mới ghi vào CMND như vậy, họ không có lỗi gì cả ? . Bó tay !” phuchuu phuchuuhnn@gmail.com

“Nhiều bố mẹ không biết chữ, chỉ biết giao phó cho cán bộ Tư pháp, nên những ông bố bà mẹ này không kiểm tra được.” nghia nguyentrandinghia1405@gmail.com
 
Âu cũng là tại bố mẹ đứa trẻ hoặc tại cán bộ tư pháp, “anh tại ả tại cả đôi bên” nên nhiều người khổ vì cái tên của mình:

“ Tôi cũng bị mặc cảm với tên của mình là Phạm Thị Bích Vơn, không giống ai. Khi đi học phổ thông bị bạn bè trêu chọc tôi khổ sở vô cùng. Khi đi khám bệnh bác sĩ đọc tên tôi toàn bị nhầm, sau đó thì bác sĩ cằn nhằn là khó đọc khiến những người có mặt ở đó đều nhìn tôi như người ở hành tinh khác đến, đã vậy tên đệm lại đẹp đối lập hẳn với tên chính nữa chứ. May mà giờ tôi cũng đã có chồng…” Phạm Thị Bích Vơn phamvon@Gmail.com

“Đến bây giờ, đã gần 20 năm đứng trên bục giảng, tôi không thể quên được tên một học sinh nữ Nguyễn Quang Tạ.” HongVan vannguyen74@gmail.com

“Tôi cũng đi dạy và có một số học sinh tên: Lê Thị Nở, Trần Thị Hoa Liễu, Nguyễn Thị Rơi... Thật khổ cho các em.” Nam ducnghiahic@yahoo.com

“Đúng là khổ nhất mấy ông bà làm nghề giáo. Mỗi lần điểm danh lớp, có xướng tên mấy em này hay là không, cũng áy náy…” Nguyễn Hữu Kiên kiennguyenhuu@gmail.com

“Tôi rất đồng ý với tác giả bài viết về trình độ của các cán bộ hộ tịch. Bản thân tôi là giáo viên nên gặp rất rất nhiều các tên khai sinh không giống ai, thậm chí không có trong từ điển: “Da bảo, Minh Vủ, Minh Chuyễn...” khổ thay khi làm các Văn bằng thì đều viết đúng chinh tả, nhưng phải chấp nhận cấp lại bằng khác vì ko giống với khai sinh???? Thật khổ đến suốt đời chỉ vì cán bộ hộ tịch.” Nguyễn Hiển Suongngocp4@yahoo.com.vn
 
Những cái tên gây nhầm lẫn, phiền toái, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống tinh thần,... làm cho người mang tên khó hòa nhập với cuộc sống, có thể xin đổi lại (theo điều 27 của bộ Luật Dân sự năm 2005, dù việc này có thể gặp rắc rối khi thay đổi cho đồng bộ các giấy tờ liên quan như sổ hộ khẩu, học bạ, chứng minh nhân dân, giấy tờ nhà đất, xe cộ,... Nhưng thật ngạc nhiên và thú vị khi thấy có bạn đọc lại rất tự hào có một cái tên bố mẹ đặt cho, chính do không đẹp gì nên trở thành độc đáo, chẳng  “đụng hàng” với ai:

“Cảm thấy rất hạnh phúc vì đã từng có cái tên "không giống ai "này.” Nguyễn Thị Bẹp vungbien_quetoi201182@yahoo.com.vn

Thế mới biết mỗi người một tính, một suy nghĩ, cuộc sống thật sinh động, muôn màu muôn sắc.

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)