Cúng dường online đã đủ thành tâm?

Chưa có ngôi chùa nào nằm trong danh sách được đưa vào thử nghiệm cúng dường online đợt này thuộc diện "chùa nghèo". Việc cúng dường online, nếu không chặt chẽ và minh bạch, rất dễ bị hiểu lầm.

Dịch Covid-19 đang lan tràn trong xã hội cản trở việc đến chùa hành trì Phật pháp của các tín đồ đạo Phật là một thực tế không thể chối bỏ. Để phòng ngừa sự lây lan trong cộng đồng, một số chùa lớn chủ động tổ chức các khóa lễ cầu an online đầu năm là một sáng kiến rất đáng ghi nhận, đi đúng theo tinh thần của đạo Phật: "Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật".

Thế nhưng, việc một số chùa mở, tạo tài khoản ví điện tử Momo để các Phật tử chủ động công đức và đưa ra lý giải nhằm "tránh tập trung đông người trong dịch Covid-19, minh bạch tiền công đức và có thể đi đến xóa bỏ đặt tiền lẻ trên tay tượng", như cách lý giải của Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà báo chí đã dẫn, tôi e là chưa thuyết phục.

Theo tôi thấy thì chưa có bất kỳ một ngôi chùa nào nằm trong danh sách chùa được đưa vào thí nghiệm đợt này thuộc diện "chùa nghèo", thiếu thốn tứ sự, tức bốn món vật dụng cần dùng cúng dường chư tăng là: Đồ ăn uống, quần áo, thuốc men, vật trải tọa thiền (luôn cả mùng mền) để chư tăng có đủ phương tiện tu tập thực hành đạo giải thoát.

Hơn nữa, đây là sáng kiến, gợi ý khởi thủy của phía nhà chùa, chứ không phải xuất phát từ ý nguyện của dân. Việc giảm tải lượng người đến chùa mùa Covid là đúng, việc thuyết giảng online cũng có thể là tốt, là tiện cho Phật tử, nhưng nếu hiểu đến chùa chiền là để tâm được an yên, thành kính, thì dịch giã đi qua, chùa mở cửa trở lại, người dân sẽ đi lễ chùa, họ cúng dường lúc đó là lòng thành thực sự, sao phải lúc này mở ví điện tử nhận cúng dường. Tôi e rằng, việc mở ví điện tử Momo dễ bị hiểu lầm là nhà chùa trục lợi lòng tin của các Phật tử.

Nếu nói việc mở ví điện tử Momo chỉ nhằm hạn chế, dần dần "đi đến xóa bỏ đặt tiền lẻ trên tay tượng" là một sự đánh tráo khái niệm khá vi tế, vì xét về bản chất, "số tiền lẻ đút tay tượng" hay tiền công đức qua ví điện tử cuối cùng cũng nằm gọn trong "két sắt" của nhà chùa.

Giờ đây việc số hóa làm cuộc sống, xã hội thuận lợi hơn nhiều. Thuyết pháp, cúng dường online không phủ nhận là có thể đáp ứng một số nhu cầu tâm linh nhất định, nhưng cái ranh giới để bị lợi dụng rất dễ vượt qua, hay nguy cơ để tâm hồn, cảm xúc của những người đi lễ trở nên xơ cứng, lại càng hiện rõ.

Cúng dường online đã đủ thành tâm? - 1
Năm nay, do dịch Covid-19, chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tổ chức lễ cầu an online tối 25/2, tránh tình trạng biển người chen chúc như mọi năm. Ảnh: Danviet.vn.

Năm 2017 tôi có dịp được hành hương về nơi xứ Phật - đất nước Ấn Độ và Nepal cổ kính, viếng thăm "tứ thánh địa", nơi Đức Phật đản sinh, thành đạo, thuyết pháp, nhập Niết bàn và có nhiều trải nghiệm tâm linh đáng nhớ. Trong chuyến đi 10 ngày ấy, tôi đều thu xếp thời gian vào thăm 2 ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự tại Ấn Độ và Nepal, nơi sư thầy Thích Huyền Diệu trụ trì, và tôi đặc biệt ấn tượng bởi trong khuôn viên chùa Việt Nam tại Nepal có đàn chim hồng hạc, như thầy nói, đó là loài linh điểu. Kỳ lạ lắm! Loài chim quý hiếm này chỉ làm tổ và lưu trú trong ngôi chùa Việt Nam.

Trong lúc thầy trò đang ngồi thưởng trà, đàm đạo chuyện văn chương, chữ nghĩa thì thấy một đoàn Phật tử Việt Nam ghé thăm. Vừa gặp thầy, họ quỳ mọp xuống sát đất bày tỏ sự tôn kính. Qua vài câu hỏi thăm xã giao, họ để một tập phong bì vào chiếc đĩa, cung kính đảnh lễ rồi quỳ xuống dâng lên cho thầy Huyền Diệu.

Tôi thấy khuôn mặt thầy vẫn bình thản, nói lời cảm ơn vì các con đã lặn lội bao nghìn cây số sang tận nước Nepal thăm thầy và lại còn cúng dường phong bì cẩn thận. Nhưng lập tức thầy nhã nhặn từ chối bởi hạnh nguyện ban đầu của thầy làm sao quyên góp được một số tiền đủ để xây được ngôi chùa cho mọi Phật tử và du khách viếng thăm, trong đó có người Việt Nam.

Giờ mọi thứ đã xong xuôi rồi thầy chẳng cần tiền làm gì. Trước sân chùa thì có ruộng trồng lúa, có mấy luống rau để ăn, vườn hoa để ngắm, lũy tre xanh để luôn nhớ về quê hương Việt Nam.

Thầy nói, các con cứ giữ lấy để làm lộ phí đi đường. Giờ đến chùa rồi thì vô chùa đảnh lễ Phật đi. Rảnh thì ngồi lại đây, thầy sẽ kể cho các con nghe về cuộc đời Đức Phật và hành trạng tu tập của thầy. Lúc nhàn tản, thầy có viết được vài cuốn sách: "Khi hồng hạc bay về", "Tình thương và lòng độ lượng", "Lòng tri ân sức mạnh và mầu nhiệm", "Khi mặt trời lên", "Vũ khí T.T"…

Tôi nghe mà nuốt lấy từng lời bởi đạo hạnh của thầy. Bậc chân tu luôn lấy phụng sự chúng sinh làm món quà kính dâng lên chư Phật ở mười phương. Khi đoàn Phật tử vào trong chánh điện, thầy chỉ tôi: Con có duyên lành được xem chim hồng hạc múa đấy. Thầy trò cùng dõi mắt nhìn theo vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng, thiêng liêng.

Khi tìm hiểu về văn hóa đạo Phật thời Lý - Trần, tôi cũng có nhiều dịp được đi thăm các ngôi chùa cổ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, tiêu biểu là chùa Phật Tích, chùa Bổ Đà, chùa Dạm, chùa Cổ Pháp, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tiêu Sơn… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất lại chính là ngôi chùa Thiên Tâm, tục gọi là chùa Tiêu, xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh bởi vì trong chùa không có hòm công đức.

Ngôi chùa này cho 2 điểm đặc biệt: Đây là nơi tu hành của vị Pháp sư Lý Vạn Hạnh, thầy dạy dỗ người đệ tử Lý Công Uẩn từ lúc 6 tuổi, sau này trở thành vị vua anh minh khai sáng ra vương triều Lý và là nơi lưu giữ nhục thể của thiền sư Như Trí - một vị sư tu hành đắc đạo.

Nhiều Phật tử mới lần đầu ghé thăm chùa, theo thói quen thường rút tiền lẻ ra, gọi là tiền giọt dầu công đức cho nhà chùa nhưng tìm mãi chẳng thấy hòm công đức đâu. Họ định để lên các đĩa hoa quả nhưng sợ bất tịnh lại thôi đem bỏ vào ví.

Vì tò mò họ ra gặp sư Cụ bà ngoài sân, nay đã ngoài 90 tuổi (ni sư Đàm Chính) trụ trì để hỏi xem muốn công đức vào chùa bằng cách nào thì được sư Cụ cho biết: "Hiện tại nhà chùa chưa phải sửa chữa, nâng cấp hạng mục gì. Sắp tới, nhà chùa định trùng tu lại bức tượng vị thiền sư Lý Vạn Hạnh vì trước đây xây bằng gạch. Lúc đó nhà chùa sẽ thông báo rộng rãi đến các quý Phật tử xa gần. Ai hữu duyên cúng dường ít nhiều là do tùy hỉ công đức. Khi nào hoàn thành công trình thì nhà chùa không nhận tiền đóng góp của đàn na thí chủ nữa, chờ đến dịp khác. Số tiền nếu còn thừa nhà chùa sẽ gieo duyên lành giúp đỡ những người khuyết tật, người nghèo trong thôn, xã, tỉnh". Vừa bổ cau, mời trầu, sư Cụ vừa mỉm cười thật tươi.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều tấm gương sáng tôi được biết, được gặp và được nghe những lời chia sẻ rất thật từ phía các bậc chân tu.

Sư Lý Vạn Hạnh trước khi viên tịch có để lại bài kệ:

Thị đệ tử

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch nghĩa

Người đời như bóng chớp, có rồi lại không,

Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo.

Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi,

Vì sự thịnh suy (cũng mong manh) như giọt sương đầu ngọn cỏ.

(Văn thơ Lý - Trần).

Vạn pháp đều là vô thường, vô ngã. Hãy lấy Pháp làm thầy, hãy là hải đảo tự thân của chính mình, hãy thắp đuốc lên mà đi, tự tu cho đến ngày đạt đến quả vị giải thoát. Đó chính là lời Phật dạy!

Đừng để những nhiêu khê đẩy tâm ta vào vùng mạt pháp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm