CPI vừa giảm, điệp khúc tăng giá lại vang lên

(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6 vừa lần đầu tiên được thông báo giảm (âm 0,26%) sau 40 tháng tăng liên tục. Đa số người dân chắc còn đang trong tư thế nghe ngóng thị trường, lại bị bồi thêm 2 cú choáng váng: giá nước, giá điện thi nhau tăng…

Tưởng mừng hóa lo

 

Tưởng mừng hóa lo

 

Chưa hết đâu, xăng dầu vừa giảm giá chút chút giờ lại bắt đầu có dấu hiệu “đe” cũng tham gia cuộc đua mà như nhiều bạn đọc đã dự đoán là: Lùi 1 bước để tiến dăm bảy bước, thông qua cái gọi là được “trao quyền tự quyết giá cho doanh nghiệp xăng dầu” đó.

 

Bình về cái sự được người tiêu dùng cho là tiếp tục “thả lỏng dây cương với những chú ngựa bất kham” như các “doanh nghiệp ông lớn” này, người tiêu dùng chẳng biết nói gì hơn ngoài “chiêu” thở than rồi cảnh báo viễn cảnh xem ra chẳng mấy hứa hẹn sáng sủa.

 

“Tôi nghĩ, nhà nước thả cho doanh nghiệp định đoạt giá bán hơi sớm vì tiền lệ ở ta là hầu như chỉ có lên mà không có (hoặc rất ít) xuống, cho dù giá thế giới có xuống nhiều. Lúc đó nhà nước can thiệp bằng cách nào đây, hay lại dùng công cụ thuế thì lại càng… ‘chết’ người dân” - Hoàng Triều Dương:  caugaylata@yahoo.com.vn

 

“Lần này thì mong rằng dân vẫn ổn trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này, nhưng không biết nhà nước đã tính kỹ chưa khi đưa ra quyết định như vậy? Mọi chuyện mong  mong mong mong mong mong mong mong… rằng vẫn ổn nhất. Nhưng mà… Trời ơi...!!!” – Hiếu: anhieu.tun91@gmail.com

 

Và có lẽ muốn tránh cho người dân khỏi bị sốc, bị đau tim… nên màn mở đầu cho cuộc chạy đua tăng giá mới được các ngành chức năng loan tin có dãn ra đôi chút. Song có lẽ do dân ta đã kinh nghiệm đầy mình trước những khúc dạo đầu như thế này rồi, nên vừa hay tin “Ông Nước” tăng giá, nhiều người đã dự đoán đoạn tiếp theo:

 

“Sáng ra vào Dân trí thấy tin giá nước tăng, tiếp tục lại có tin giá điện tăng, mai có lẽ là lại nghe tin giá xăng tăng nữa... Thôi, từ mai có khi khoan cái giếng, sắm cái đèn cầy, mua than tổ ong mà dùng… Đã tưởng bớt khổ được một chút, ai ngờ… Nhưng mà những lời kêu ‘thất thanh’ như vậy của dân có được cơ quan nhà nước nào nghe thấu không nhỉ?” - Quân: duyquanhoang@gmail.com

 

“Tình hình kinh tế khó khăn, những người nghèo như chúng tôi cố gắng học hành để sau này hy vọng thay đổi được cuộc đời một chút. Thế mà bây giờ nào tiền học phí tăng, tiền nhà trọ, rau cỏ ...lại còn thêm điện nước tăng giá nữa thì quá là khổ! Khổ nhất là những nười nghèo phải ra thành thị học hành, lập nghiệp như chúng tôi. Vậy mà toàn nghe nói nào là cải thiện đời sống người dân, chăm lo giáo dục…???” – bạn đọc có email:  tranphuongvt90@gmail.com 

“Ông Nước” lập kỷ lục
 

“Ông Nước” lập kỷ lục

 

Mức choáng váng cao nhất của người dân có lẽ tỉ lệ thuận với mức tăng giá Nước xứng đáng được coi như 1“kỷ lục Guiness VN” mới? Hàng loạt câu hỏi cật vấn lập tức được gửi tới Bộ Tài chính và “Ông Nước”:

 

“Quá vô lý, cơ sở đâu mà tăng giá mức tối đa tới tận 50%? Bộ Tài chính và các ban ngành chức năng nên xem xét lại việc ra quyết định tăng giá này. Không quản lý được thì dân ngày càng khổ => khó khăn => tệ nạn… Tăng giá 10-15% còn chịu được. Muôn đời câu chuyện lương tối thiểu tăng 1 thì giá cả mọi thứ đều tăng 2-3 lần là cớ làm sao???? Các vị không phải sống khổ như dân thì cũng nên quan tâm đến dân, đừng bàng quan thế chứ!” - Văn Hóa: vanhoa@yahoo.com

 

“Bộ Tài chính làm việc thật… buồn cười. Khi giá xăng giảm sao không điều chỉnh giá các mặt hàng giảm, mà lại còn điều chỉnh tăng lên?... Người lao động như tôi đi thuê nhà, giá nước hiện tại 4 ngàn đ/m3, chủ nhà thu 20 ngànđ/m3. Vậy tăng lên 18 ngàn thì chắc chủ nhà sẽ thu 90 ngàn/ khối. 1 tháng tiết kiệm dùng 10 số cũng đến 1 triệu đ tiền nước, thử hỏi với mức thu nhập lương cơ bản có sống được không? Trong khi lương đâu có được điều chỉnh tăng tới 50% như giá nước...” - Lan:  dolphin_no11@yahoo.com

 

“Ngày càng thấy bất bình với cách làm việc của cái Bộ Tài chính! Lúc nào cũng chỉ thấy cho tăng giá. Xăng thì lo nhập khẩu rùi sợ công ty xăng dầu lỗ, thế là giá xăng dầu thế giới giảm một vài tháng thì trong nước mới thấy Bộ Tài chính nói ‘xem xét giảm giá xăng’. Nhưng tăng thì đùng một cái lại tăng giá xăng ngay ‘không thì doanh nghiệp kêu lỗ’. Hay thật đấy? Nước thì không có lý do gì thỏa đáng, chỉ thấy đùng một cái bảo 11/7 nước tăng cao nhất là 18.000 vnđ. Bộ Tài chính định làm cho dân… đau tim hết cả ư?...” -  Đinh Công Đức: dinhcongduc1990@gmail.com

 

“Sao không tăng cường quản lý thất thoát nước mà lại chăm chăm tăng giá nước vậy. Nếu giảm được tỉ lệ thất thoát xuống 20% thì liệu có còn kêu lỗ nữa hay không. Đời sống người dân bây giờ chật vật lắm rồi, thật là khổ quá!” - Khang: khangluu76@yahoo.com

 

“Nói đến Cty Cấp nước tại các TP lớn như HN và TPHCM là nói đến những công ty còn mang nặng hình thức bao cấp ngày trước để lại... Mặc dù thất thoát nước tại các thành phố này rất cao 43-47% sản lượng nước sản xuất, nhưng theo tôi biết thì trách nhiệm không thuộc về quyền và trách nhiệm của người lãnh đạo công ty cấp nước… Cứ viện lý do sản xuất nước lỗ thì tôi thấy là chưa đúng, mà phải nói đầu tư vào sản xuất và cung cấp nước không đúng. Để có quá nhiều sai phạm trong công tác quản lý, thao túng công trình, đầu tư sai mục đích, lắp đặt mạng đường ống và xây dựng nhà máy không đạt tiêu chuẩn… Dẫn đến những công trình kém chất lượng như nhà máy nước Tân Hiệp Tp.HCM, Trạm xử lý nước Hóc Môn, Trạm Gò Vấp -Tp HCM vừa xây xong đã bỏ hoang đó” - Trần Đình Phú:  holiday2312@yahoc.om.vn

 

“Giá tăng thì tăng, người dân chúng tôi vẫn phải dùng nước. Chỉ có điều chúng tôi trả tiền cho nước sạch nhưng lại được hưởng nước… chẳng lấy gì làm sạch cho lắm. Tôi ở khu tập thể 8/3 nước được bơm theo giờ, vì vậy nhà nào không có bể chứa thì coi như thiếu nước triền miên. Vậy mà chất lượng nước thì… kinh khủng luôn: đục cặn, có mùi tanh và đặc biệt còn có cả... nhiều giun đỏ nữa. Mà tình trạng này xảy ra triền miên. Vậy xin hỏi Bộ Tài chính: với chất lượng nước như thế, chúng tôi sẽ phải trả tiền theo mức giá nào?” - Phạm Hùng: kshung75@gmail.com

 

“Ông Điện” chẳng chịu thua

 

Trên vũ đài cuộc sống, nhiều người có lẽ còn đang choáng trước cú “ra đòn” khá nặng ký của “Ông Nước”, nhưng vẫn không quên cảnh giác trước những dấu hiệu đáng ngại từ những hướng khác…

 

“Hôm trước thấy có bài viết rằng CPI đạt mức âm là tôi đã nghĩ ngay rồi kiểu gì cũng có một cái gì đó sẽ tăng giá. Hôm nay thì chuẩn rồi. Điệp khúc 1 năm 2 lần tăng giá có lẽ sẽ không bao giờ dừng?” – bạn đọc có email:  golosy132@gmail.com

 

“Cứ bảo kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho người dân đỡ khó khăn, nhưng lại toàn tăng giá? Hết tăng giá chi phí nhân công, lại tăng giá xăng dầu, giờ lại tăng giá than, giá nước, sắp tới lại tăng giá điện. Hỏi sao người dân không khổ????” – Hung Manh:  Hungmanh@yahoo.com

 

Và liền đó, “Ông Điện” đã lập tức thượng đài bồi thêm vài cú sở trường: than lỗ, tăng giá với cách tính hộ cho dân là "ảnh hưởng không đáng kể tới sản xuất và đời sống"? Ngược lại, cách tính thực của người tiêu dùng thì sao? Trong số hàng trăm phản hồi của bạn đọc gửi tới Diễn đàn ngay sau khi hay tin tăng tiếp giá điện, cũng có được 1 ý kiến ủng hộ:

 

“Theo tôi, tăng giá điện là rất hợp lý khi tỷ giá và giá nhiên liệu tăng mạnh như hiện nay. 5% vẫn chưa thể bù đắp đủ chi phí cho EVN, nhưng phần nào cũng tăng doanh thu để giảm các khoản lỗ và đầu tư vào thủy điện” - Phan Minh: thanhminh30486@gmail.com

 

Còn lại tất cả đều phản ứng, dựa trên những con số tính toán rõ ràng là bám sát thực tế cuộc sống hơn. Đồng thời người dân cũng thêm một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu minh bạch cách tính toán lỗ - lãi. Sự cần thiết bỏ thế độc quyền để ngành điện cũng có được sự cạnh tranh lành mạnh, thì người tiêu dùng mới có quyền lựa chọn để hưởng lợi. Một ví dụ rất dễ nhận thấy để so sánh, đó là ngành viễn thông.

 

“Theo tính toán của EVN, việc tăng giá điện sẽ khiến người dân phải chi thêm một khoản tiền chỉ vài chục nghìn đồng. Theo tôi, không nên nói việc tăng này là không đáng kể. Bởi giá điện không chỉ khiến chi phí gia đình trả cho ngành điện tăng thêm, khi mua thêm giá hàng hóa hay dịch vụ nào đó người dân cũng phải chi trả tăng thêm do tăng giá điện, cộng dồn lại khó thể nói là không đáng kể với nhiều người. Trong điều kiện tăng giá, tôi đề nghị EVN cần công khai hơn nữa cơ cấu giá thành của EVN, xem EVN đã tiết kiệm thế nào, tiền lương ra sao. Đó là những điều xã hội muốn biết mỗi khi EVN tăng giá” - Chung Nguyễn:  ntcvhc@gmail.com  

 

“Sáng 20/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý với dự thảo về phí điều tiết điện lực - khoản chi phí cần thiết để bù đắp cho cơ quan điều tiết điện lực thực hiện các dịch vụ điều tiết hoạt động điện lực (ngoài các chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao).
 
Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định: sự độc quyền của ngành điện đang tạo ra những bất công mà ở đó khách hàng luôn là người chịu thiệt – (nguồn: VOV ngày 20/6). 
“Bộ Công Thương nói: nếu dùng trên 400kWh thì tăng thêm 39.000đ, nhưng đấy là tính trên một hộ dân. Thế chúng tôi là người đi thuê trọ, chả bao giờ dùng đến số lượng đó mà vẫn phải trả những số lũy tiến cuối cùng thì sao? Tóm lại, chỉ chết người dân nghèo, quy định mới sinh ra không bao giờ có lợi cho đại bộ phận dân nghèo cả” - Minh:  vstbook@gmail.com
 
Độc quyền và Minh bạch

 

Độc quyền và Minh bạch 

 

Hai điểm mấu chốt Độc quyền và sự Minh bạch vẫn luôn chiếm vị trí nổi bật trong mọi lý lẽ bàn cãi xung quanh kiểu làm ăn, kinh doanh luôn lỗ của các doanh nghiệp “Ông Lớn” ở nước ta. Mọi phân tích, mổ xẻ được người dân xoáy vào nghịch lý lớn nhất trong  điệp  khúc: kêu lỗ - đòi tăng giá này:

 

“Đến khi nào ngành điện hết độc quyền, có sự cạnh tranh lành mạnh thì lúc đó ngành điện mới hết kêu lỗ, giá diện mới giảm được. Chúng tôi thấy ở ngay vùng quê của mình mà khi ngành điện quản lý thì việc để được lắp đặt 1 chiếc đồng hồ đo điện cũng còn phải chờ mỏi mắt. Từ khâu khảo sát đến lắp đặt phải chờ cả tháng nếu không có “khoản abc”... Sao không nhìn sang VNPT hay VIETTEL mà xem, từ khi các ông lớn này cạnh tranh thì trời ơi, dịch vụ quá nhanh và hậu mãi thật tốt, giá cả luôn theo chiều hướng đi xuống” – Dao Quang: daovanquang@gmail.com

 

“Sự mập mờ, không minh bạch chính là cha đẻ của gian dối, hối lộ… Mỗi hành động tăng giá, thêm phí trong thời điểm người thất nghiệp gia tăng đều ảnh hưởng mạnh đến XH. Cụm từ  "ảnh hưởng không lớn" có lẽ chỉ được nhìn trên phương diện số học đơn giản, còn thực tế nó sẽ ảnh hưởng " không nhỏ" ( theo cách nói của các vị ) đến XH !!! Nếu minh bạch mọi con số về giá thành, thì ảnh hưởng của tăng giá đều được đưa ra dưới những con số cụ thể. Còn không thì tôi e rằng các ngài phát biểu thế, nhưng có lẽ bản thân các ngài cũng chưa biết nó là bao nhiêu đâu???  Nếu biết tôi xin hỏi số thu không lớn thì các vị cố thu làm gì khi người dân đang khốn khó ???” - Minh433:  minh433@yahoo.com.vn

 

“Lần nào cũng nói: đã tính toán tăng giá nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân? Và như em thấy thì giá xăng dầu từ lúc 10 nghìn đồng 1 lít tăng đến bây giờ 22.000đ cũng ghi rất rõ câu này. Thực tế thì sao? Bốn cái lần "không ảnh hưởng" ấy là đủ khiến người tiêu dùng... ngắc ngoải rồi. Theo em, thà bộ chủ quản cứ nói thẳng ra là: giá thành đầu vào, chi phí sản xuất điện tăng cao nên nhất thiết phải tăng giá. Nghe thế dù sao còn lọt tai hơn. Vẫn chỉ khổ nhất là người dân ở nhiều vùng nông thôn, vẫn phải chịu cảnh điện cắt triền miên... Mà sản xuất thì vẫn cứ ì ạch... Người nghèo càng khó khăn thêm...” - Đào Văn Tâm:  dvtam025@gmail.com

 

“Kính thưa Bộ Công Thương! Bộ Công Thương cần xem lại, nếu nói là để cho dân sử dụng điện được ổn định thì 50 kwh/tháng: 4người/tháng = 12,5 kwh/s tháng, như vậy liệu có đủ để xem tin thời sự trên TV không? Đấy là chưa nói đến bao chi phí khác như: xăng, phí đường bộ... thì giá điện lên lại đẩy vật giá leo thang, không biết người dân sẽ phải lo sao để duy trì được cuộc sống cho tạm ổn đây? Thôi, có lẽ đến nồi cơm điện cũng không dám nữa, quay về đun rơm rạ (nông dân đốt bỏ mỗi mùa vụ, nên mua chắc sẽ rất rẻ) hoặc than tổ ong thôi...” - Hiếu:  hieu.tt07@gmail.com

 

“Lại tăng giá điện, không biết tăng đến bao nhiêu mới vừa đây? Mà lương thưởng của ngành điện chắc vẫn còn thấp, nên vẫn phải tăng tiếp giá điện lên chăng? Có thể mỗi tháng mỗi gia đình chỉ đóng thêm vài nghìn đến vài chục nghìn thôi, nhưng đâu phải chỉ có điện tăng giá không thôi đâu. Điện tăng các thứ khác cũng tăng theo chứ. Mong Nhà nước hãy để phát điện cạnh tranh, chứ độc quyền thế này chỉ ngày càng khổ thêm cho người dân thôi. Nhất là người dân nghèo lại càng nghèo hơn, càng mất dần các cơ hội được hưởng những dịch vụ sinh hoạt tốt hơn” - Mai Trang: maitrang123@gmail.com

 

“Không biết đến khi nào ngành điện có mới có sự cạnh tranh lành mạnh để tránh độc quyền như hiện nay? Theo tôi nghĩ, nếu có cạnh tranh chắc chắn dân sẽ được nhờ. Hãy nhìn vào VNPT trước đây và bây giờ, thì thấy dân mình bây giờ xài điện thoại thỏa mái như thế nào. Lúc nào tăng giá cũng nói câu "không ảnh hưởng gì", "không tác động đến sản xuất, kinh doanh của người dân"...nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Và tôi cũng nghĩ: Nếu ngành điện quản lý chặt chẽ không gây thất thoát lớn thì người dân sẽ có lòng tin, và khi tăng giá người dân hoàn toàn ủng hộ hoặc ít ra cũng không kêu ca. Còn cứ mập mờ như thế này, dân không ca thán sao được???” - Văn Sơn:  dvdientuson@gmail.com

 

“Tăng giá điện nhưng lại ép các nhà máy sản xuất điện năng bán cho mình một mức giá thấp, vậy như thế là EVN lỗ hay lời. Bài toán này người dân chắc ai cũng biết tính. Các nhà máy bắt đầu tham gia thi trường điện, nhưng giá bán cho EVN lại thấp vì không thì sẽ không được huy động lên để bán. Nếu tăng giá điện chỉ khổ cho những người dân thôi!!!” - Meo den:  ngaymoiquenanh27042011@gmail.com

 

“Bao nhiêu khó khăn rồi lại đổ vào đầu người dân thôi...Do đầu tư tràn lan không phải lĩnh vực chuyên môn của mình rồi bị thua lỗ, quản lý kém làm thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân. Ông con cưng Điện này lại khóc với CP và Bộ Công thương để tăng giá điện... Cứ được nuông chiều mãi vậy mà không biết ông Điện có nghĩ đến sự khó khăn của mọi người dân không, khi ai cũng còn phải chật vật còng lưng làm việc để lo cho cuộc sống hàng ngày với bao nhiều thứ phải chi tiêu và giá cả leo cao. Theo ước tính bình quân của tôi: cả nước có khoảng 20 nghìn hộ gia đình dùng điện với phạm vi 200-300kwh/tháng (theo Bộ CT sẽ tăng khoảng 20.000đ/tháng/1 hộ gia đình), thì Ông Điện sẽ thu về 400tỷ đ/tháng. Liệu với số tiền thu về lớn như thế thì Ông Điện có phục vụ lại tốt hơn cho người dân không? Văn hóa trong phong cách phục vụ của các ông có thay đổi như khi yêu cầu người dân chung tay khó khăn với các ông không?...” - Nguyễn Xuân Phúc:  phucnx@yahoo.com

 

"… Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay không thể không cho EVN tăng giá vì họ nói tình hình tài chính khó khăn lắm rồi. Tuy nhiên cùng với tăng giá điện, EVN cần nỗ lực hơn nữa để giảm tổn thất điện năng, bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vừa trả lời trên website Chính phủ rằng: tổn thất điện năng các nước khu vực chỉ khoảng 5%, trong khi của chúng ta vẫn ở khoảng 10%" - (nguồn: Ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng, Hiệp hội Năng lượng VN trả lời Tuổi Trẻ ngày 30/6).
“Ông điện lực nhà ta nghĩ sao mà đơn giản thế. Bảo chỉ có tăng tới 39.000/ tháng với hộ sử dụng 400 KWh, vậy nhân ra toàn dân thì con số đó là bao nhiêu ? Nhà đèn không hề nghĩ cho các doanh nghiệp của chúng ta gì cả, họ đang phải oằn mình chống chịu suy giảm kinh tế. Cũng vì suy giảm kinh tế mà đời sống người dân thêm khó khăn, họ đâu chỉ phải lo khoản tiền tăng thêm của điện mà còn nước, giá thực phẩm, các khoản phí sinh hoạt khác.Theo số liệu công bố GDP sáu tháng tăng chưa đầy 5%, mà nhà đèn đòi tăng lên tới 5% thì thật hết lời mà nói. Tôi thấy ngành điện nên nghĩ cho người dân, cho các doanh nghiệp mà cùng nhau tháo gỡ khó khăn chung, chứ đừng chỉ nghĩ cho riêng mình như thế!” - Anh Khoa:  mauhongcuocsong86@gmail.com

 

 “Thời điểm lạm phát thế này mà các vị điều chỉnh giá điện thì dân càng khổ. Các vị thấy lỗ thì đừng độc quyền nữa, cho các doanh nghiệp trong nước và cả nước ngoài nếu có thể vào tham gia cạnh tranh lành mạnh. Như thế tôi tin là giá điện sẽ thấp hơn và cũng không có ai kêu lỗ nữa cả. Các vị cứ nhìn qua cước viễn thông trước và sau độc quyền thì sẽ rõ thôi: năm 2008 cước gọi trong nước là 3.800đ/phút, vậy mà bây giờ chỉ có mấy trăm đồng /phút” - Phạm Ngọc Minh:  minhka@gmail.com

 
Điện, nước, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu nên dù giá cả thế nào người dân vẫn phải dùng. Nhưng cách tính giá dựa trên những cơ sở mà qua cách lý giải người dân ai cũng thấy xa cách một trời - một vực với thực tế, thì quả là thật khó chấp nhận được. Ngược lại, chỉ càng khiến dư luận thêm nghi ngờ vẫn lẩn quất đâu đó sự nghiêng về quyền lợi của nhóm lợi ích hơn là nghĩ cho dân.
 

Thanh Nguyễn