Bạn đọc viết:

Covid-19: Diễn biến và đôi điều từ vụ việc Bệnh viện E Trung ương

Hoàng Định

(Dân trí) - Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, tính đến 6h sáng ngày 21/8, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã vượt hơn 1.000 người.

Tính đến 6h ngày 21/8: Việt Nam có tổng cộng 1.007 ca mắc Covid-19, trong đó 666 ca mắc do lây nhiễm trong nước.

Kể từ ca Covid-19 trong cộng đồng được công bố tại Đà Nẵng hôm 25/7 đến nay (sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc trong nước), số ca mắc mới được ghi nhận là 525 ca, xảy ra tại 14 tỉnh thành ngoài Đà Nẵng.

Điều đáng chú ý ở đây là, dịch bệnh bùng phát lần này tiến triển nhanh, diễn biến phức tạp, số địa phương có ca mắc nhiều, rải rác khắp các vùng, miền, xuôi, ngược, Bắc - Trung -Nam. Đặc biệt, nếu như dịch bệnh lần trước, nước ta không có trường hợp nào tử vong, thì dịch bệnh bùng phát trở lại đến nay, đã ghi nhận 25 ca tử vong (đều là những bệnh nhân mắc bệnh nền, hiểm nghèo).

Covid-19: Diễn biến và đôi điều từ vụ việc Bệnh viện E Trung ương - 1

Cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ, khoa học, hệ thống... Vì vậy, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Điển hình nhất, là điểm dịch Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tập trung những chuyên gia, thầy thuốc, bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm ở các bệnh viện trong cả nước, để chữa trị bệnh nhân, phòng chống và dập dịch. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã phân công những thầy thuốc tốt nhất đến hỗ trợ các bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nhân Covid 19.

Gần đây nhất, khi vừa phát hiện Bệnh viện E Trung ương có bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, vào chiều 19/8, thì đồng thời buổi tối cùng ngày, Bộ Y tế đã chỉ đạo tập trung và triển khai hàng loạt biện pháp cách ly, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Việc chỉ đạo cách ly tại Bệnh viện E,  có sự rút kinh nghiệm và bổ sung ngay những biện pháp cần thiết, qua chỉ đạo điểm dịch ở các bệnh viện tại Đà Nẵng.

 Rất may, sau một ngày, lúc 18h ngày 20/8, Bệnh viện E Trung ương đã được dỡ bỏ cách ly, phong toả; khi bệnh nhân 994 qua nhiều lần, nhiều cách xét nghiệm khác nhau, đều âm tính với SARS-CoV-2.

Dẫu có khó khăn, phiền toái và ảnh hưởng tâm lí nhất định, đối với cán bộ, thầy thuốc, nhân viên và bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện E, cũng như người dân trên địa bàn và khu vực, nhưng đây là việc làm cần thiết và cho thấy tính hiệu quả trong cách chỉ đạo và triển khai tức thì giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh Covid 19, tại một bệnh viện, nhằm ngăn chặn những thảm hoạ khôn lường có thể xảy ra.

Hơn nữa, chủng virus cũng luôn tìm cách biến đổi để có thể thích nghi nhằm tồn tại, phát triển. Ấy là quy luật đấu tranh sinh tồn trên trái đất, kể cả những loài vô tri, vô giác, đến những loài mắt thường không thể nhìn thấy được, chuyên gây hại, đe doạ sự sống, tính mạng con người, SARS -CoV-2, hiện nay là một ví dụ điển hình. Qua đó, chúng ta có thể thấy được phần nào những khó khăn, thách thức mà khoa học nói chung, y học nói riêng, đã và đang phải đối mặt.

Không có ý biện minh, nhưng “sự rủi ro” trong kết quả xét nghiệm như “bệnh nhân 994” (điều trị tại Bệnh viện E Trung ương), rất khó có thể tránh khỏi. Và rất có thể, đây chưa phải là “sự sơ suất” duy nhất, với một trường hợp xét nghiệm Covid 19; kể cả với nhiều nước trên thế giới...

Qua đây, chúng ta có thể coi như “một lần tập dượt đặc biệt”, đối với Bệnh viện E Trung ương và hệ thống các bệnh viện trong cả nước. Theo đó, Ban chỉ đạo Quốc gia và các ban chỉ đạo phòng, chống Covid 19 các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện phòng, chống trước đại dịch thảm khốc, như Covid 19, mà nhân loại đã và đang đối mặt.