Bạn đọc viết
Công tác bổ nhiệm cán bộ rõ ràng đang có vấn đề
Do đó, công tác Nội vụ cần phải quyết tâm đổi mới, tiên phong vì mục tiêu một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính.
“Rà soát, sửa đổi ngay các quy trình, thủ tục bất hợp lý, sớm xóa bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. Không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình những người không xứng đáng”, Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác cán bộ năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Nội vụ chiều 26/12.
Tiếp đến là phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng ngày 28/12, Thủ tướng điểm mặt 9 tồn tại trong năm 2016. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại vụ Trịnh Xuân Thanh như một điểm nóng về sai phạm trong công tác cán bộ.
Chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng trong thời gian ngắn, đã tạo dựng “niềm tin” trong dân về công tác cán bộ, Dù biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng người viết xin được làm một phép so sánh nhỏ, vì đôi khi nó làm chúng ta tốt hơn khi nhận thức đúng bản chất của vấn đề.
Các nước phát triển dùng công thức: M+P
Nếu như xã hội phương Tây hay các nước phát triển thăng hoa được dựa nhiều vào những giá trị do đội ngũ trí thức sáng tạo ra. Đặc biệt, chúng ta thấy có hai nguyên tắc căn bản trong chế độ sử dụng con người là bổ nhiệm theo thực tài (meritocracy-M) và sự chuyên nghiệp hóa trong mọi hoạt động nghề nghiệp (professionalism - P). Tức là M+P.
Meritocracy được hiểu là xã hội nói chung và người sử dụng lao động bỏ qua thành phần xuất thân, giới tính, quan hệ họ hàng... mà sử dụng và bổ nhiệm người vào vị trí theo năng lực đóng góp. Lương hay đãi ngộ, tất nhiên, phải tương xứng. Tuy nhiên, người được bổ nhiệm bao giờ cũng phải làm được ra giá trị cao hơn cho người chủ sử dụng thì họ mới cất nhắc.
Professionalism được hiểu là tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực hoạt động của họ. Phương Tây không trả lương chỉ theo nhãn mác; họ trả lương theo vị trí công việc với tính chất “nghề” của nó. Vị trí được hiểu là anh phải có tính chuyên nghiệp với các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp để làm tốt. Người chuyên nghiệp được trả lương khác hẳn với lao động thường, đơn giản vì họ, cùng với những người chuyên nghiệp khác sẽ làm ra giá trị cao hơn hẳn những “tay mơ” hay những nhóm làm việc “ông chẳng bà chuộc” khác.
Còn Việt Nam thì…?
Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ, một trong những yếu kém của công tác xây dựng Đảng là: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”.
Giờ chẳng cần liệt kê ra vụ này vụ kia nữa, bởi thực tế cho thấy rõ, câu chuyện bổ nhiệm tràn lan lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, bổ nhiệm “thần tốc”, luân chuyển “siêu tốc” là có thật, thậm chí có người gọi là “phổ biến” ở nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương trải dài hết dải đất hình chữ S này. Rõ ràng, trước những sự bất thường đó dân mất dần niềm tin.
Nhiều chuyên gia có tâm huyết đến giới tri thức, kế đến lớp người bình dân đã cùng chung một câu hỏi hoài nghi là: “Bấy lâu nay, đâu phải chúng ta đang bổ nhiệm cán bộ vơi tiêu chí hội tụ các phẩm chất như năng lực, trình độ, đạo đức…?”.
Nhân tài đất Việt không thiếu. Vấn đề ở chỗ, chúng ta chưa quan tâm đấy đủ đến việc sử dụng nhân tài. Để rồi, rất nhiều nhân tài phần thì không nằm trong diện 5C (con cháu các cụ cả) và 4Ệ (nhất quan hệ, nhì hậu duệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ) không có đường tiến thân. Phần thì bất mãn với công việc, chế độ của một công chức dẫn đến việc chảy máu chất xám ra nước ngoài, hoặc nếu không ra nước ngoài thì số đó cũng bị “hút” bởi các tổ chức phi chính phủ, các lĩnh vực ngoài quốc doanh..v.v. Và một phần đáng buồn hơn là có nhiều người có năng lực thực sự lại “không có đất dụng võ” thì đi bán rau, nhặt ve chai, làm công nhân… kiếm sống. Nghiệm câu quá đúng cho thân phận một con người: “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét là đa”.
Một người là công chức từng phân trần rằng: “Tôi kể cho các cho bạn nghe về quy trình bổ nhiệm cán bộ ở cơ quan tôi. Khi chuẩn bổ nhiệm một chức danh nào đó thì người ta đã nhắm trước định bổ nhiệm ai rồi để ra vẻ khách quan thì người ta vẽ ra hình mẫu cho chức danh đó và rất phù hợp với người mà người ta đã nhắm trước. Sau đó họp và lấy biểu quyết, tất nhiên người đó đã “đi đêm” với thành viên của cuộc biểu quyết đó từ trước thế là “đúng quy trình” không ai bắt bẻ vào đâu được. Sự đời là như thế đó!”
Công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ rõ ràng đang có vấn đề. Đúng là, năm 2016 không phải là cái kết “viên mãn” của ngành Nội vụ. Dù vậy, sau hàng loạt sự vụ được phanh phui, đó sẽ là bài học quý giá cho chúng ta về công tác Nội vụ. Cái kết chỉ có tính chất “mở” khi chúng ta nhận thức nghiêm túc được vấn đề.
Do đó, công tác Nội vụ cần phải quyết tâm đổi mới, tiên phong vì mục tiêu một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính. Chỉ trong thời gian 2 ngày cuối năm, quyết tâm của Thủ tướng và thông điệp của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình được phát đi một cách mạnh mẽ, nên chúng ta có cơ sở để tin vào một năm mới, nhiệm kỳ mới sẽ chắc chắn khởi sắc hơn.
Lầu Thanh