Con muốn noi theo tấm gương của Mẹ!
(Dân trí) - Tôi là một cô gái dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở một vùng quê của tỉnh Lạng Sơn. Đọc bài viết về Mẹ trên Diễn đàn Dân trí tôi rất đồng cảm với nỗi lòng và tình cảm của tác giả, mặc dù hoàn cảnh tôi khác tác giả.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Từ nhỏ, tôi đã luôn cảm thấy hạnh phúc và sung sướng được sống trong một gia đình đầm ấm như vậy. Bố Mẹ luôn thương yêu và dành những gì tốt đẹp nhất cho hai chị em tôi. Mọi thành viên trong gia đình sống rất tình cảm và rất tự nhiên khi thể hiện tình cảm với nhau, tôi thật sự hạnh phúc vì điều đó.
Gia đình tôi vẫn thường tổ chức những bữa ăn “tươi” nhờ sự đảm đang và khéo chi tiêu của mẹ mặc dù với đồng lương giáo viên ở nông thôn thì đời sống đâu có thuộc loại khá giả. Những bữa “ăn tươi” thường được tổ chức vào ngày lễ nào đó, hoặc nhân ngày sinh nhật của một thành viên trong gia đình, hoặc đơn giản hơn chỉ là do Mẹ mới học được một cách nấu món ăn mới nào đó và muốn dành cho bố con tôi một bữa ăn lạ miệng. Đấy cũng là cách chăm sóc riêng của bà đối với chồng con. Những bữa ăn đó tôi cảm nhận rõ tấm lòng của Mẹ không chỉ vì được ăn ngon, mà thật sự cảm động được nhìn thấy ánh mắt tràn đầy yêu thương của Mẹ nhìn bố con tôi ăn ngấu nghiến món ăn mẹ vừa nấu; còn mẹ vẫn ăn chậm rãi như mọi khi. Có lần tôi bảo: “Món ăn mẹ mới nấu, ăn rất ngon, sao mẹ không ăn hay định bụng nhường cho bố con con hở mẹ?” . Mẹ lại cười đôn hậu, ngắm nhìn chồng con ăn: “Cứ nhìn bố và các con ăn ngon miệng là mẹ đã đủ thấy ngon và vui lắm rồi!”
Mẹ và con (ảnh minh họa – nguồn Internet)
Thường vào ngày sinh nhật của tôi (ngày 5-4) hoặccủa em trai tôi (ngày 30-6), Mẹ thường đi chợ từ rất sớm để mua được hàng tươi và rẻ, chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết. Chiều về, tôi và em trai cùng vào bếp chuẩn bị và nấu nướng cùng mẹ. Dù Mẹ vẫn là “Đầu bếp” nhưng có các con giúp thêm, Mẹ rất vui và làm xong bữa cỗ liên hoan sớm hơn bữa tối mọi khi. Mẹ còn chuẩn bị thêm đồ uống, cả Pepsi và bia, thế là cả nhà cụng ly làm cho bữa liên hoan thêm rôm rả. Vào những dịp đó,Bố Mẹ thường chúc các con chăm học, biết năng động và sáng tạo trong học tập cũng như trong cuộc sống, phấn đấu hết sức mình để đạt được kết quả tốt nhất; chúng tôi còn được Bố Mẹ tặng quà nữa chứ; dù không phải là những thứ đắt tiền nhưng đó là những kỷ niệm ngọt ngào sẽ đi theo chúng tôi mãi mãi...
Vào những Ngày Sinh nhật của Mẹ (29-8), của Bố (21-10) hay những Ngày lễ như Ngày quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đây là ngày thật đặc biệt vì Bố Mẹ tôi đều là giáo viên, và hai chị em tôi cũng theo học ngành sư phạm, rồi sẽ trở thành người “đồng nghiệp trẻ tuổi” của Bố Mẹ.
Bữa liên hoan vào những ngày kỷ niệm đó vẫn do mẹ lo toan kiêm cả “chủ chi” lẫn “chủ trì” và cả “đầu bếp nữa”, còn hai chị em chỉ là phụ bếp và chuẩn bị từ trước món quà để tặng Bố Mẹ.
Khi chúng tôi đi học xa nhà, gia đình tôi vẫn giữ nguyên nếp sống đó. Nếu vào ngày nghỉ thì chị em tôi cố gắng về, Bố Mẹ vui lắm. Còn không về được thì chúng tôi nhắn tin ("Nhân ngày sinh nhật của Bố/Mẹ, Con chúc Bố/Mẹ luôn mạnh khỏe, công tác tốt và hạnh phúc. Con yêu Bố/Mẹ nhiều lắm"; "Nhân ngày 20/11, kính chúc Bố Mẹ ... nhận được nhiều bông hoa đẹp nói lên tình cảm chân thành và lòng biết ơn của các học sinh "...) hoặc gọi điện thoại chúc mừng và hỏi thăm Bố Mẹ xem nhà trường tổ chức kỷ niệm lần này có vui không, có điều gì mới so các năm trước khi chúng con còn học ở nhà.
Bố Mẹ cũng nhắn tin hoặc gọi điện thoại hỏi thăm và chúc mừng chúng tôi.
Dù có thông tin qua lại thường xuyên với Bố Mẹ, nhưng trong những ngày phải đi học xa nhà, tôi vẫn thấy nhớ và khao khát vô cùng những bữa cơm ấm cúng của gia đình, mong được nhìn thấy ánh mắt đầy yêu thương và nụ cười dịu hiền của Mẹ, muốn được nghe những câu chuyện vui có pha chút khôi hài của Bố…
Đọc bài viết về Mẹ trên Diễn đàn Dân trí, tự nhiên tôi thấy trong lòng dâng trào nỗi nhớ Mẹ, nhớ Bố, nhớ bữa cơm ấm cúng trong gia đình mình. Đặc biệt tôi rất nhớ từ ánh mắt, nụ cười, dáng dấp hiền hậu, đảm đang, chu tất trong mọi công việc của Mẹ. Quả thật Mẹ là tấm gương đầy sức cảm hóa và thuyết phục đối với tôi và xin thầm hứa: Con luôn noi theo tấm gương của Mẹ.
Vi Ngọc Lập
Pò Đồn – Tân Tri – Bắc Sơn – Lạng Sơn
LTS Dân trí - Lại thêm một bài viết chân thành và cảm động về Người Mẹ của mình. Quả thật tình cảm đối với Mẹ như một dòng sông lớn còn chảy
mãi trong tâm linh sâu thẳm của mỗi chúng ta và nhân một cơ hội nào đó sẽ trào dâng và thăng hoa thành những bài thơ, những bản nhạc và những tác phẩm văn học bất hủ về Người Mẹ!
Chỉ hai câu ca dao quen thuộc của dân tộc Việt Nam ta cũng nói lên đầy đủ tình cảm đặc biệt của mọi người con đối với Cha Mẹ của mình: “Công Cha như núi Thái Sơn / Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra!”
Núi Thái Sơn đã to đã lớn biết nhường nào, nhưng dù to lớn đến đâu, thì đó vẫn là “cái hữu hạn”.
Còn “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!” thì đó là “cái vô hạn”, vì nước chảy từ trong nguồn ra có bao giờ cạn được! Phải chăng đấy là cảm nhận đích thực của những người con các Bà-Mẹ-Việt-Nam chân chất mà giầu lòng yêu thương và đức tính hy sinh!