Ý kiến chuyên gia

Có nên bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật có hai phương án đặt ra:Một là, quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND), hai là,quận, phường vẫn tổ chức HĐND. Việc đề ra phương hai phương án nêu trên nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý


Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Dự thảo Luật Chính quyền địa phương hiện nay đang lấy ý kiến tham gia để hoàn chỉnh trước khi trình Quốc Hội thông qua, một trong những vấn đề quan tâm hiện nay của Dự thảo Luật đó là về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo dự thảo Luật có hai phương án đặt ra:Một là, quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND), hai là,quận, phường vẫn tổ chức HĐND. Việc đề ra phương hai phương án nêu trên nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý, trong đó có nhiều ý kiến đều đồng tình với phương án giữ nguyên mô hình HĐND và UBND như hiện nay, kể cả quận, phường vẫn tổ chức HĐND. Bởi việc giữ nguyên mô hình HĐND và UBND là hoàn toàn phù hợp với Hiếp pháp năm 2013, cụ thể tại Điều 111 quy định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định rõ ở mỗi cấp hành chính đều phải có chính quyền địa phương;chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND. Đồng thời, việc giữ nguyên HĐND và UBND tránh xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương.

Vai trò của Hội đồng nhân dân rất quan trọng, là cơ quan quyền lực Nhà nước và cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương, HĐND thay mặt cho nhân dân địa phương, cho cử tri đã bầu ra mình để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc thi hành những quyết định đó. Đây chính là quyền lực mà nhân dân địa phương trao cho cơ quan đại diện của mình theo một trình tự, thủ tục được pháp luật quy định để chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân địa phương; đồng thời, bảo đảm cho mọi hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện đúng, đầy đủ những quy định của Hiến pháp và pháp luật, Nghị quyết của HĐND. Tuy nhiên, trên thực tế việc một số HĐND chưa phát huy được vai trò của mình là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, dẫn đến một số HĐND hoạt động không có hiệu quả, gây lãng phí cho Nhà nước. Việc HĐND ở một số địa phương không phát huy hiệu quả chính là là do cấp ủy, chính quyền địa phương ở nơi đó chưa đề cao vị trí, vai trò của HĐND, các chức vụ chủ chốt của HĐND thường kiêm nhiệm nên dẫn đến hoạt động chưa được hiệu quả thiết thực, con mang tính hình thức, cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, hiệu lực thi hành các quyết sách của HĐND không cao…

Bên cạnh đó, Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằngdân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông quacác cơ quan khác của Nhà nước”, vì vậy, đối với những nơi không tổ chức HĐND thì nhân dân sẽ thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua ai? Lúc này sẽ xảy ra tình trạng là những nơi không tổ chức HĐND thì nhân dân sẽ thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dẫn đến áp lực, không sát với thực tế và không phát huy hiệu quả. Mặt khác, ở những nơi không có HĐND thì việc quản lý hành chính, chỉ đạo điều hành của UBND sẽ có thể dẫn đến tùy tiện, lạm quyền, không thể hiện được nguyện vọng chính đáng của cử tri như không thể tham gia giám sát UBND, các kiến nghị của cư tri sẽ không được xử lý kịp thời thông qua cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương…Bởi vì HĐND là tổ chức chính quyền gần dân nhất, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của dân, hiểu rõ được những thuận lợi, khó khăn của địa phương, để đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự của địa phương.

Chính vì vậy, việc không tổ chức HĐND ở quận, phường theo Dự thảo Luật là không phù hợp, mất đi vai trò kiểm soát lẫn nhau trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân…Vì vậy, mong rằng được cân nhắc một cách thận trọng trước khi có quyết định chọn phương án bỏ hay không bỏ HĐND ở quận, phường để tránh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Chính quyền địa phương trên thực tế. Đồng thời, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND cấp huyện, xã thì nên xây dựng cơ chế hữu hiệu để HĐND hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò giám sát, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đưa ra những quyết sách hữu hiệu liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Muốn vậy, đề nghị trao thêm cho HĐND một số thực quyền nhất định, hạn chế thấp nhất tình trạng hoạt động hình thức, thiếu hiệu quả ở một số địa phương hiện nay.

Nguyễn Văn Bảy

(Giám đốc Sở Tư pháp  tỉnh Kon Tum)