Có lời xin lỗi nhẹ tựa lông hồng, có lời nặng tựa ngàn cân...
(Dân trí) - Hôm qua (3/4), trên mạng xã hội Facebook Việt Nam có không ít lời bàn luận, thán phục về hình ảnh Giám đốc Công ty sản xuất kem Akagi của Nhật Bản cùng gần 100 nhân viên cúi gập người để xin lỗi người tiêu dùng vì buộc phải tăng giá kem thêm 10 yên Nhật trong một video clip được đăng tải trên clip.
Giám đốc Công ty Akagi Nhật Bản cùng các nhân viên xin lỗi người tiêu dùng vì đã tăng giá kem thêm 2.000 đồng tiền Việt sau khi giữ giá trong suốt... 25 năm. (Ảnh cắt từ clip)
Lời giải thích được đưa ra là công ty không hề muốn nhưng buộc lòng phải tăng giá món kem Garigari Kun rất được ưa chuộng tại đất nước mặt trời mọc từ 60 Yên (Nhật) lên 70 Yên nếu không muốn đối mặt với nguy cơ phá sản bởi nền kinh tế khó khăn. Cũng có nhiều người đánh giá việc này giống như một cách thức truyền thông, nhưng hầu hết người xem đều đánh giá việc làm này là khôn ngoan và mẫu mực.
Và cũng như khi nghe, xem nhiều việc hay khác ở các nước, người dân Việt Nam sẽ luôn nhìn lại những tình huống tương tự ở trong nước. Và thực sự là những cảm giác thất vọng.
Bởi lẽ, ở Việt Nam, có quá nhiều câu chuyện cần phải có một lời xin lỗi nhưng lời xin lỗi từ các bộ, ngành, hay một doanh nghiệp... khi có những việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dường như quá nặng nề nên hiếm khi được đưa ra.
Gần nhất là việc xử lý sai trong các chính sách thuế xăng dầu, theo các Hiệp định Thương mại tự do với ASEAN với Hàn Quốc mà Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa nhận: "Chúng tôi đã nhận là sai, sai thì sửa chứ không đổ trách nhiệm". Điều ông nói là tích cực, nhưng cho đến thời điểm này, người tiêu dùng cũng chưa nhận được một lời xin lỗi công khai của Bộ Tài chính.
Trước đó nữa, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, biểu giá điện hiện hành là bất hợp lý và đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ này phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, điều chỉnh lại biểu giá điện để cuối năm 2015 trình lãnh đạo Bộ này và trình Chính phủ để thay đổi. Tuy nhiên, đã đến đầu tháng 4/2016, kế hoạch này vẫn đứng im tại chỗ.
Sự bất hợp lý của biểu giá điện chưa được khắc phục thì hiển nhiên, nó sẽ lại gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhất là ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, khi mùa hè đang đến rất gần. Nếu biểu giá điện bất hợp lý, sao không có một lời xin lỗi? Hay sợ rằng xin lỗi thì phải nhận trách nhiệm và phải sửa chữa khuyết điểm? Nếu nhận lỗi mà không làm được điều ấy, có thể, người ta lo rằng, "lỗi" càng nặng hơn?
Đáng chú ý, hôm qua (3/4) trong buổi làm việc với báo Lao Động, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi tới người dân vì việc diễn đạt không chuẩn xác về thực phẩm an toàn trên diễn đàn Quốc hội, khiến người dân và bạn đọc hiểu lầm và bức xúc. Trước đó, ông Phát đã nói rằng: "Đa số thực phẩm ở Việt Nam là an toàn nhưng người dân không biết".
Bộ trưởng Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi nhân dân và cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thức bảo vệ thực phẩm qua biên giới.... (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, gia đình ông cũng có người bị ung thư bị mất nên ông cũng rất thấm thía nỗi lo của người dân có liên quan tới giống nòi. Ông cho biết sẽ lựa chọn một số công việc trọng tâm để khắc phục một số vấn đề về mất an toàn thực phẩm như ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, buôn lậu thực phẩm qua biên giới...
Có người sẽ nói: Lời xin lỗi đưa ra là kịp thời. Có người bình: Lời xin lỗi hơi muộn, chưa thực tâm... Nhưng bình tĩnh mà xét, không chỉ xin lỗi, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã có những cam kết, lộ trình cụ thể để khắc phục những vấn đề gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà người dân bức xúc.
Không phải Bộ trưởng nào, lãnh đạo ngành nào, doanh nghiệp nào ở ta đã làm trọn vẹn được điều đó. Ở một số khoá, nhiều kỳ Quốc hội vừa qua cũng có không ít lời xin lỗi, lời cam kết nhưng cũng có không ít lời xin lỗi xong thì... để đó.
Cho nên, hầu hết những câu chuyện như quá tải bệnh viện, cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, điều hành giá cả loạn nhịp... bao nhiêu năm qua, cơ bản vẫn thế và có nhiều vấn nạn còn tệ hơn trước. Cho nên, lời xin lỗi là cần thiết nhưng làm gì sau xin lỗi lại là cả vấn đề.
Lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng rất hay, nghe thấy vẻ chân thành, nhưng hãy đợi một thời gian, liệu Bộ trưởng có dành thời gian để thực hiện điều mình đã hứa?
Mạnh Quân