Bạn đọc viết:
Có lẽ không hội đồng thi nào, cán bộ quản lý nào "dám" làm việc nghiêm túc…
(Dân trí) - Sau mỗi kỳ thi, người lớn và các cơ quan quản lý, các cấp ngành và cả các ĐBQH đều đặt ra câu hỏi: Tỷ lệ thi tốt nghiệp không thực chất, gian dối đã thành vấn nạn thì thi cử để làm gì, nên bỏ đi chăng?
Thế nhưng, chất lượng giáo dục, đào tạo cũng đang bị "thả nổi" và không thể kiểm soát từ các bậc phổ thông. Rồi tình trạng "ngồi nhầm lớp" là khá phổ biến và hầu như năm nào GV chủ nhiệm, nhà trường cũng "châm chước" cho lên lớp tất cả các học sinh dù yếu, kém. Chỉ trừ các trường hợp bỏ quá nhiều không theo nổi, hay vi phạm kỷ luật nặng mà chắc là "không thể bao che".
Kết cục chất lượng học sinh không thực chất! Đó là lý do tại sao phải có kỳ thí tốt nghiệp.
Những tưởng các "cải cách" của Bộ GD-ĐT sẽ "sàng lọc" được đầu ra để không lọt lưới số học sinh "ngồi nhầm lớp". Thế nhưng một lần nữa, chính ngành giáo dục lại "bật đèn xanh" hay "thông đồng" để tăng tỷ lệ tốt nghiệp. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi nghĩ, chủ yếu là do:
1 - Bệnh thành tích và giả dối trong giáo dục đã thành vấn nạn, mà ngành GD-ĐT không thể tự "cầm dao tay trái để chặt vào tay phải". Căn bệnh quá nặng nề đến mức các cấp chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật (công an làm nhiệm vụ tại các kỳ thi) nhiều khi cũng chỉ là lực lượng tồn tại kiểu "hữu danh vô thực”…
2 - Một bộ phận giáo viên, ban giám hiệu, hội đồng coi thi "thao túng" kỳ thi để "trục lợi" kết quả nhằm có thành tích cao làm "quà" và "báo công" với lãnh đạo Sở GD-ĐT, UBND các cấp và cả Bộ GD-ĐT. Dường như đó là những "viên đá lót đường" mà ngành giáo dục luôn "khuyến khích" và khen tặng, vậy dại gì không làm.
3 - Có lẽ không hội đồng thi nào, cán bộ quản lý nào "dám" làm việc nghiêm túc và đúng quy định. Do đó giám thị thừa hiểu họ phải làm gì để học sinh "đỗ" tốt nghiệp, làm sao cấm?
Một khi đã "giả dối" từ chất lượng đào tạo từ các cấp, vấn nạn “bệnh thành tích” đến như vậy thì chỉ còn cách: Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và tập trung thi chung, tuyển chọn chung cho kỳ thi Đại học thật nghiêm túc. Quy định bao nhiêu điểm, mỗi môn tối thiểu là bao nhiêu thì được công nhận Tốt nghiệp THPT. Đạt bao nhiêu điểm, điểm tối thiểu môn học đăng ký thi đại học là bao nhiêu để được xét tiếp vào ĐH, CĐ.
Việc gộp 2 kỳ thi, theo tôi, sẽ giảm lãng phí cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng. Mà lại thực chất hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp thi chung, quản lý, kiểm soát bằng camera. Chấm thi cũng phải chung cho khách quan (như bầu cử minh bạch ở các nước), khi đó may ra mới thực chất và có chất lượng.
Thành Công
email: Thanhcong1963@gmail.com