Chuyện thuyền viên XKLĐ bị ngược đãi: “Có ở trong chăn mới biết…”

(Dân trí) - Là những phóng viên từng theo sát hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN trong nhiều năm qua, cũng đã nhiều lần lòng chúng tôi quặn thắt, tim nhói đau khi chứng kiến hoặc đọc những thông tin đau xót về số phận bi đát của không ít LĐVN nơi xứ người.

Anh Đình Anh
\
Anh Đình Anh (trái) ngồi bên cha, kể lại những tháng ngày cùng cực trên tàu cá Đài Loan (ảnh: Nguyễn Dũng)

 

Phần nhỏ lộ sáng

 

Gian nan, khổ ải nhất đúng là anh em thuyền viên. Ở trong nước đã  khổ hơn nhiều ngành nghề khác rồi, ra nước ngoài càng phải chịu vô vàn nỗi đắng cay, cực nhọc. May gặp được chủ tàu tốt thì số phận đỡ bi đát, còn phần lớn phải cắn răng chịu đựng bởi nhiều nỗi trái ngang lắm lắm.

 

 có may mắn thoát được cảnh địa ngục trần gian đó, về được đến quê nhà thì cũng chưa phải đã hết khổ. Người cảm thông, chia sẻ cũng có nhưng người vẫn còn nghi kỵ, ngờ vực cũng chẳng thiếu. Chờ kết quả điều tra ư? Đâu đơn giản vì nếu không giữ được bằng chứng xác thực thì những “ông chủ” có tiền, có quyền đó đời nào chịu nhận lỗi. Thay vào đó dễ nhất là đổ cho người LĐ thấp cổ bé họng đủ thứ tội, mà khó kiểm chứng nhất là “ăn cắp”, “lười biếng”, “muốn trốn sang nước khác”…

 

Tất nhiên cũng có thể có vài trường hợp như vậy, nhưng phải chịu đủ mọi thiệt thòi và oan ức vẫn chỉ là người LĐ. Và có lẽ phải những ai từng cùng chung số phận hoặc ít nhiều có những mối liên hệ với các LĐXK của VN mới phần nào hiểu cho cảnh ngộ của những con người mà bạn đọc Nguyễn Tú Anh (cũng là một thuyền viên) gọi là “thủy thủ đánh thuê” này:

 

“Thông tin trong bài viết này chỉ là một phần nhỏ về số phận của những ngư nhân làm thuê cho ngư trường nước ngoài thôi. Còn rất nhiều thủy thủ làm thuê như thế đang phải đối mặt với cảnh bị áp bức, bóc lột và bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ thậm chí còn không biết số mạng  mình sẽ như thế nào. Còn các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì tôi thấy vẫn không quản lý được các tổ chức, công ty XKLĐ để buộc họ phải đảm bảo môi trường làm việc cho LĐVN được an toàn cũng như bảo đảm mọi quyền lợi cho họ. Mong báo Dân trí có thêm nhiều bài viết phản ánh các tiêu cực trong lĩnh vực sử dụng LĐXK của VN ở nước ngoài, để các ngành chức năng VN sớm có biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ quyền lợi cho các LĐVN phải xa quê hương kiếm sống nơi xứ người” - A Chung: chungtptsonha@gmail.com

 

“Mình cũng đi đánh cá cho tàu ĐL từ năm 2000, cũng phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày như các bạn. Giờ nghĩ lại còn cảm thấy kinh hoàng. Khi trở về mọi người thân trong gia đình nhận không ra mình nữa. Nhưng các bạn 10 người Việt trên tàu mà  đoàn kết lại thì 3 người ĐL đó sao làm gì được mình?” – Hoàng Phuong:  Phuonghoang0478@gmail.com

 

“Xin chia sẻ cùng em! Cách đây 10 năm anh cũng đi như em và chứng kiến những cảnh khổ ải như em nói. Cũng may anh nằm trong số ít người VN không bị ngược đãi, nhưng anh thấy nhiều đồng hương của mình bị như vậy rồi. Thời gian sau anh em VN có kinh nghiệm hơn nên rất đoàn kết nên không bị thế nữa. Dù sao tôi cũng khuyên mọi người: Nếu ai đó còn muốn đi XKLĐ thì đừng nên chọn nghề đánh cá nha!” - Tu:  tiengxua101@yahoo.com

 

“Tôi cũng có khá nhiều bạn XKLĐ đi đánh bắt cá xa bờ ở Đài Loan, họ kể rằng bị chủ và những người ĐL, Trung Quốc hành hạ rất khổ nhục. Nếu cãi lại hoặc bị đánh mà không nghe theo mệnh lệnh, chúng có thể sẽ đánh chết rồi vứt xuống biển. Vậy nên bọn họ nói gì cũng phải nghe theo. Môi giới chỉ là người thông đồng mà thôi. Những ai từng đi và quan tâm tới những người LĐ xa nhà mới hiểu được nỗi khổ của họ” - Trần Văn Lương: noibuonxaque2012@yahoo.com

 

“Mình ở bên này nên biết. Chủ Đài Loan cũng có người tốt, người xấu. Tốt thì tốt lắm, tệ thì cũng vô cùng tệ. Câu chuyện của bạn mình tin là sự thật, nhưng thấy cách xử lý của các bạn có phần dại dột. Đằng nào mục đích của các bạn cũng là thoát khỏi nơi đó thì cùng nhau đình công, không làm nữa. Nếu bị chủ đánh thì tất cả hợp nhau lại cho hắn một trận. Lập tức hắn phải gọi môi giới đến để giải quyết và kết quả là sẽ cho các bạn về nước ngay mà không phải liều mạng sống như thế” -  Bich Thuy:  cogaivohinh_15@yahoo.com

 

 “Có như thế đấy, các bạn à. Mình cũng đi ĐL đây nè, tuy bị đánh ít hơn nhưng biết có tàu của bạn mình thì cai đánh cho lên bờ xuống ruộng luôn. Khổ lắm, nói ra có khi không ai tin cả, nhưng đó là sự thật đấy. Các bạn chưa đi chưa biết đó thôi, khổ lắm!!!” - Tran Dinh Nam:  zz_cauhai_zz@yahoo.com

 
Anh Đình Anh
 
Thuyền viên Trần Văn Dũng kể lại những ngày tháng kinh hoàng khi phải làm việc liên tục 18 tiếng mỗi ngày (ảnh: Phong Tình)
 

Không điểm tựa

 

Cũng chính từ trong số rất nhiều phản hồi của bạn đọc đã có ngay những câu trả lời cho nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ: Vì sao thủy thủ đoàn đông hơn rất nhiều mà phải chịu tình cảnh bị đánh đập, hành hạ dã man như vậy?

 

“Vì miếng ăn thì phải cố mà nhịn chứ sao, các bác nói ngon thế thì các bác thử nghĩ sếp các bác chửi bới xem có dám bật lại không trong XH này không? Huống hồ đây là nơi đất khách quê người, lại lênh đênh trên biển, biết gì về luật lao dộng ở đó, biết ai bảo vệ mình ở đó mà kêu???” - Nguyễn Linh: mianhe.sarangheio@gmail.com

 

“Anh Dũng và 3 anh nhảy tàu làm rất đúng, tôi nghĩ với môi trường làm việc kiểu nô lệ thì không chỉ các anh ức chế mà các thuyền viên còn lại ít nhiều cũng thế. Nhưng chỉ cần 1 hành động không kiềm chế như giọt nước tràn ly, có thể kích hoạt một trận "trút giận" lên chủ tàu gây hậu quả mà chính các anh sẽ phải trả giá trước pháp luật. Trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn thể hiện được ý thức cao của người lao động, hành động của các anh rất đáng hoan nghênh. Bên cạnh đó cần xem lại trách nhiệm của đơn vị XKLD cùng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ người lao động làm việc xa nhà” -  Nguyen Sinh:  hlnguyensinh@gmail.com

 

“Trên tàu mà chống lại lệnh thuyền trưởng,  tấn công thuyền trưởng nữa thì sai pháp luật nặng lắm -  ngang tội cướp biển, có thể bị giết bất kỳ lúc nào, mà lên bờ là bị bắt ngay dù đang ở đâu. Còn trốn vì bị hành hạ thì sẽ được xét sau. Trường hợp lao động trên tàu nước ngoài bị ngược đãi hành hạ rất nhiều, vì vậy nên tránh xung đột thì hay hơn” - Dung:  chiadeung@yahoo.com

 

“Các bạn hãy  hiểu là khi đi XKLĐ ai cũng phải vay tiền để đi. Nếu đánh lại chủ tàu bị đuổi về thì tiền đó cũng mất, nên ai cũng phải nhịn nhục. Chứ tôi cũng đi, tôi biết rồi. Các bạn bảo dạy cho chúng bài học nhưng không được đâu, còn gia đình, còn khoản nợ ở nhà…” - Cuong:  caocuong.nguyen3@gmail.com

 

“Ở ngoài biển thì bọn họ  chỉ có 2, 3 người, lúc đó thì các lao động có thể đoàn kết để chống lại. Nhưng nếu giết chúng thì phải đi tù, mà vào tù ở đây người nước ngoài chắc sẽ bị đánh đến chết. Mà đánh lại chúng thì đến lúc tàu vào bờ rồi mà xem, chúng chỉ cần gọi 1 cuộc điện thoại thôi là 1 lúc sau sẽ có người đến giải quyết (nhưng thường không phải cảnh sát đâu, mà là dân xã hội đen đó). Thử hỏi lúc đó mấy người lao động này sẽ thê thảm như thế nào? Mọi chuyện không đơn giản như mọi người nghĩ đâu!” - Nguyễn Phú Hoàng:  chuluncodon_timnangbachtuyet_hp@yahoo.com

 

Nhưng cũng có lẽ phải chính khi người thân của mình rơi vào tình cảnh đó, ta mới hiểu được. Chẳng thế mà phụ nữ vùng ven biển xưa nay vẫn truyền tai nhau rằng: “Lấy chồng nghề ruộng em theo/Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm!” 

Kiều Anh