Chuyện quản lý, công tác cán bộ và… bệnh thích phong bì

(Dân trí) - Liên quan tới vụ TMV Cát Tường, ý kiến của bạn đọc Dân trí tiếp tục tập trung vào chủ đề trách nhiệm sau khi hay tin UBND quận Hai Bà Trưng Hà Nội đang xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân cán bộ để có hình thức xử lý.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Càng “siết” càng phình

 

Theo chúng tôi được biết, ở nước ngoài các ngành chức năng quản lý rất sát sao việc cấp phép cho mở các cơ sở dịch vụ hoặc kinh doanh…trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu của từng khu vực, xem trong vòng bán kính bao nhiêu thì chỉ được mở bao nhiêu là vừa.

 

Còn ở VN ta bao lần hô siết chặt về quản lý, cấp phép… Vậy mà chỉ riêng trên địa bàn một Hai Bà Trưng thôi đã có tới trên 500 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, khiến lực lượng có chức năng quản lý “quá tải” nhưng... phép thì vẫn cấp (cụ thể là TMV Cát Tường vừa đi vào hoạt động 6 tháng qua)?

 

“Tôi là người đang bên trong sự việc này. Tôi thấy rất đau lòng, rất buồn khi trong XH xã hội vẫn đang xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như vụ việc của gia đình tôi. Tôi thấy những người có trách nhiệm quản lý, kiểm tra theo phân công lao động của XH thì vẫn luôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Rất đáng để thất vọng! Tôi mong sao XH VN sẽ không còn những sự việc đáng tiếc như đã và đang diễn ra với gia đình tôi nữa. Tôi rất cảm ơn tất cả các chia sẻ của cộng đồng” -  Nguyen Tung (Anh của nạn nhân vụ thẩm mỹ viện): ductungnguyen1972@gmail.com

 

“Tôi thấy cách trả lời của Chủ tịch quận HBT là chưa thỏa đáng và chẳng đặng đừng. Góc độ chính quyền thì vai trò quản lý là chính, nếu cảm thấy quá tải thì phải có ý kiến cho cấp trên xử lý và ngừng cấp phép mở phòng khám chứ, không thể để quá đông để tận thu mà bỏ lơi quản lý là thiếu trách nhiệm. Và khi hậu quả xảy ra thì phải gánh trách nhiệm chứ không thể yêu cầu dân chia sẻ được” - Nguyễn Hùng:  antonhung13@gmail.com

 

“Theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương các cấp, mà cụ thể là chính quyền phường xã, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp. Bất cứ việc gì vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn do anh quản lý, anh là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Chỉ có như vậy thì phép nước mới nghiêm. Không thể nói một việc vi phạm pháp luật kéo dài cả mấy tháng trên địa bàn quản lý của chính quyền mà chính quyền không hay biết. Vậy chính quyền đang làm gì, hay là do… đã có gì đó rồi làm ngơ?” - Xuân Thủy:  xuanthuyvna@yahoo.com.vn

 

“Trên 500 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Xin hỏi cán bộ chuyên môn lĩnh vực này rất ít là bao nhiêu? Việc kiểm tra giấy phép hành nghề của 1 đơn vị tiêu tốn bao nhiêu thời gian? Cứ cho thời gian tối đa là 1giờ/1 đơn vị thì 1 ngày 8 tiếng ít nhất cũng kiểm tra được 6 đơn vị. Một tuần 5 ngày, 1 tháng 20 ngày = 120 đơn vị. Như vậy chỉ trong khoảng 4 tháng là có thể kiểm tra được hết các cơ sở trong khu vực rồi. Tôi thấy nói thế vẫn chỉ là ngụy biện thôi” - Kim Chi:  kimchidr@gmail.com

 

“... Tôi thấy buồn cười quá vì chỉ cần kiểm tra có giấy phép hay không thôi, cần gì chuyên môn cao? Nhưng mà cũng giống như xây nhà phải có giấy phép, song không có thì… bôi trơn là xong...” -  Suong Rong: bien@yahoo.com

 

“Xin hỏi ông Chủ tịch quận là 500 cơ sở này có phải một ngày hay một tháng các ông kiểm tra đâu. Như chuyện "so bó đũa" ấy, lực lương kiểm tra ít thì chia ra mỗi ngày 2 cơ sở. Trong tay mình có bao nhiêu quân, còn thiếu thì có thể huy động phường khác sang hỗ trợ. Xin nói thật là do "làm thật ăn cháo, láo nháo ăn cơm" nên các ông cứ viện cớ cái lọ cái chai… Vẫn chỉ thiệt dân thôi!” -   Phạm Văn Tường:  phamtuong1503@gmail.com

 
(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp) 
 

Quản kiểu… thả gà ra đuổi

 

Cũng về chuyện quản lý, đa số người dân nhận thấy thật ra các cán bộ chức năng của ta rất năng nổ, không thể có chuyện để lọt lưới được đâu. Nhưng tiếc rằng họ tung lưới chỉ để mắc lại những con cá nhỏ, còn cá to vẫn thoát dễ dàng. Nói cách khác là ở ta quản lý kiểu “thả gà ra đuổi” cũng đã là chuyện bình thường:

 

“Có thể nói quản lý hành nghề Y Dược tư nhân được ví như: Sở… nuôi gà, thả ra và bắt. Phòng… đếm tổng số gà, khi gà bị dịch phải bắt, tiêu hủy. Có ông trời ở Phòng mới  biết Sở nuôi bao nhiêu gà và đã thả ra ngoài bao nhiêu con. Tất cả chỉ là quyền lợi cá nhân, quyền lợi nhóm chứ không thể gọi là phục vụ nhân dân. Lỗ hổng về mô hình quản lý y tế địa phương là rất lớn (có cả vi phạm Luật), sao không có ai chịu đứng ra sửa cho người dân họ nhờ? Thật buồn! Tôi - một bác sỹ còn tương đối trẻ, nguyên Trưởng Phòng Y tế huyện” - Đặng Văn Điểm:  bsdangdiem@gmail.com

 

“Đúng là chuyện con Voi chui lọt qua lỗ kim, nhưng con Kiến thì kẹt lại. Cuối cùng thì cũng là đồng tiền điều khiển thôi... Giấy phép không có thì… giấy khác thay vào túi thôi cũng được mà” - Binh Ngo: dinhngonavn@gmail.com

 

“Xin nói thẳng luôn, chẳng bao giờ có chuyện một phòng khám hay một cửa hàng gì đó to đùng xuất hiện như vậy mà các các vị ấy không biết đâu. Đến như tôi khởi công xây cái nhà bé xíu trong con ngõ con, mà 2 ngày sau các vị ấy đã mò vào rồi. Một thực tế là ai cũng biết là các vị ấy chẳng bao giờ bỏ sót cả, chẳng qua là… phong bì đã nói hộ cho chủ nhân, mặc dù giấy tờ còn chưa đầy đủ” – Phi Hung: phihung0377@yahoo.com

 

“Thật không thể tin nổi ngay tại trung tâm của thủ đô thế mà một cái TMV to tướng thế lại bảo không hay. Nhà tôi ở tít mãi dưới quê, nuôi có vài trăm con baba mà từ xã đến huyện đến kiểm tra, xử phạt tới 15tr . Cần phải điều tra thật kỹ vụ này coi có sự bao che không… Đúng là tiền của dân đóng thuế sử dụng không hiệu quả” - Trung:  trungvlg85@gmail.com

 

Vẫn như thường lệ, chuyện phức tạp với các cấp chức năng thì với dân nhiều khi có thể giải quyết rất đơn giản:

 

“Cần đưa mô hình Chính quyền Đô thị vào hoạt động càng sớm càng tốt. Mọi việc xảy ra trên địa bàn nào thì người đứng đầu chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm. Ở đâu không văn minh, nhiều tệ nạn, trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu ở đó chứ không phải ai khác. Một điều quá đơn giản như vậy mà…" - Phạm Ngọc Nam:  phamngoc58@gmail.com

 

Nói về lĩnh vực quản lý ở VN ta, trở đi trở lại vẫn phải đề cập tới công tác cán bộ. Tít mù nó lại vòng quanh một hồi rồi chốt lại ở “bệnh” thích phong bì!

 

Kiều Anh