Chuyên nghiệp hóa giấy CMND: Chuyện nhỏ mà không nhỏ

(Dân trí) - Sau quy định “xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ 2 năm trở lên” phải rút lại hồi tháng trước, thông tin về việc Thủ tướng đồng ý bỏ quy định bắt buộc có phần họ tên cha mẹ trên CMND lại rất được dư luận hưởng ứng.

Chờ làm chứng minh thư mới (ảnh: Tiến Nguyên)
Chờ làm chứng minh thư mới (ảnh: Tiến Nguyên)
 

Đi tìm tính chuyên nghiệp

 

Đúng như trước đó đã có rất nhiều ý kiến của cả giới chuyên môn và người dân đặt biệt danh cho những qui định được làm theo kiểu “trên mây” này là “lú lẫn”, với hậu quả đã có thể thấy rất rõ, nhất là thông qua những biểu hiện “nhờn luật” của cư dân.

 

Với tấm giấy chứng minh nhân dân (CMND) vốn chỉ là một vật dụng rất nhỏ, vậy mà lâu nay những động thái muốn thay mới (nói cách khác là chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa) từ phía ngành chức năng vẫn khiến nhiều người dân phải xôn xao luận bàn. Quyền tự do cá nhân cùng sự bảo mật thông tin được nhấn mạnh nhiều nhất, bởi vậy việc Thủ tướng đồng ý bỏ quy định bắt buộc ghi tên cha mẹ trên CMND đúng theo mong muốn của đông đảo người dân, thêm một lần nữa rất được dư luận hưởng ứng, hoan nghênh.

 

 “1- Thật sự phấn khởi khi thấy được Thủ tướng tiếp thu ý kiến của người dân, của các chuyên gia có Tài - Tâm - Tầm sau gần 1 năm, tuy chậm còn hơn không.

 

2- Hiện nay việc soản thạo văn bản pháp luật  nhiều khi còn chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Chưa phù hợp, chưa đồng bộ  với chủ trương chính sách của Đảng, Hiến pháp và nguyện vọng của người dân. Nhiều người soạn thảo (kể cả người đứng đầu ban ngành) chưa chuyên nghiệp, thiếu tư duy tích cực và tầm nhìn thấu đáo. Người dân cảm thấy việc soạn thảo theo kế hoạch dự án để xài tiền ngân sách, ODA, chỉ muốn ép người dân theo ý nghĩ của họ, hơn là đóng góp xây dựng một Nhà nước pháp quyền vì dân.

 

Để nâng cao tư duy và trách nhiệm tích cực đối với ý tưởng trong soạn thảo các quy phạm pháp luật, cần lựa chọn người có Tâm và có Tài vào làm công tác quan trọng này. Đồng thời cũng rất cần có hình thức kỷ luật thích hợp (phê bình, chuyển công tác, thôi việc, thôi chức vụ) đối với những cá nhân chủ chốt trực tiếp hoặc chỉ đạo soạn thảo nội dung quy phạm pháp luật không phù hợp; những ai vẫn bảo thủ, báo cáo sai sự thật, bưng bít thông tin…”  - Dang Nguyen

 

 “Thói quen ban hành văn bản pháp luật theo kiểu bàn trà salon, lại thể hiện tính gia trưởng, chỉ thích áp đặt như kiểu của "ông Bộ” này chắc sẽ còn hứng chịu nhiều phản đối của nhân dân nữa. Nếu coi dân là gốc thì trước khi "hành chính" dân, mong các ông hãy nghĩ đến dân, đến sự bình an của dân trước đã, rồi hãy nghĩ đến những cái lợi cho mình” - Nguyễn Duy Hy

 

“Cần xem xét lại trình độ của các cán bộ làm tham mưu mà lại cho ra những văn bản thế này. Đáng lẽ ra phải có quy trình đưa ra Nghị định một cách chặt chẽ. Nên chăng, trước khi ra Quy định, Nghị định thì Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cần xem xét kỹ trước rồi mới trình Thủ tướng ký ban hành. Như vậy sẽ tránh được việc ký rồi lại sửa sai, làm mất uy tín của cơ quan tư pháp” - Nguyễn Sơn

 

“Theo tôi, phải xử phạt thật nặng với những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm về việc đưa ra những quy định sai trái bắt dân phải thực hiện. Để rồi lại phải sửa đổi, gây lãng phí lớn cả về thời gian, tiền của người dân và của nhà nước. Không thể chấp nhận được kiểu làm việc chỉ gây hại như thế!” - Anh Thanh

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Tiêu chí thuận tiện và hợp lý

 

Thêm nhiều đóng góp của cư dân về cả hình thức và nội dung của CMND mới, sao cho vừa phù hợp với thực tế của VN, vừa bắt kịp với xu hướng hiện đại hóa chung của thế giới:

 

“Tôi nghĩ, việc Thủ tướng quyết định bỏ tên cha mẹ trên CMND mới chứng tỏ Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên những bất cập của việc cấp số CMND mới (12 số) thay cho số CMND cũ (9 số) hiện nay đã có thể thấy rõ, báo chí cũng đã đưa tin...Vậy theo tôi, khi thực hiện cấp số CMND mới CẦN BỔ SUNG thêm mục SỐ CMND CŨ để thuận tiện cho người dân khi thực hiện các giao dịch” - BP

 

“Bỏ ghi tên cha mẹ trên CMND là hoàn toàn hợp lý. Tôi nghĩ 9 số dùng cho CMND là quá đủ (đủ dùng quản lý 1 tỷ công dân), vậy vì sao phải đổi thành 12 số? Quá phiền phức và tốn kém tiền của dân. Mã số định danh cá nhân dùng ngay số CMND hiện tại (9 số) là được rồi (dân số VN mới chưa đến 100 triệu, tức là chưa dùng đến 1/10 kho số đang dùng)” - Nguyễn Tiến Long

 

“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, bổ sung vào CMND mục Nhóm máu của chủ CMND. Nếu được như vậy thì sẽ rất thuận tiện cho cả người sử dụng CMND và cơ quan chức năng. Ví dụ khi cấp cứu những người bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông...” – Phong

 

Ngẫm về chuyện ra văn bản thời gian qua, dư luận vẫn không thể nguôi ngoai được nỗi buồn… dai dẳng. Biết đến bao giờ mới hết cảnh dân luôn thấp thỏm âu lo, còn cán bộ cứ ung dung “sai đâu sửa đó…”?

 

“Buồn cho cả bao nhiêu con người hưởng lương từ tiền thuế của dân mà chẳng mấy khi thấy làm những việc được dân hưởng ứng. Hiến pháp VN đã khẳng định quyền công dân cho mỗi người, cớ sao cứ phải gắn tên người nọ với người kia? Việc làm CMND mà cũng phải để Thủ tướng can thiệp, thật không biết nói thế nào nữa!” – Châu

 

“Trách nhiệm thuộc về ai khi gây tốn kém tiền của và công sức của dân? Vấn đề hệ trọng liên quan đến  thủ tục luật pháp phải chính xác tuyệt đối, đừng để tái diễn cảnh: Sai đâu sửa đó - Sửa đó sai đâu - Sửa đâu sai đó - Sai đó sửa đâu… nữa!!!” – Loc Quang Le 

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm