Ý kiến bạn đọc

Chuyện kì lạ ở Bình Phước: Xà xẻo đất rừng ban phát cho quan chức

(Dân trí) - Qua hai ba đời chủ tịch, rừng tự nhiên của Bình Phước từ chỗ có tới 127.800ha đã tụt xuống còn 58.600ha hiện nay.

Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Tham nhũng đất đai không còn là chuyện lạ nhưng tham nhũng đất đai kiểu Bình Phước thì quả đúng là lạ, đáng được ghi vào kỉ lục Guiness.

Số là, năm bảy năm về trước, lãnh đạo ở địa phương này đã từng có nghị quyết hẳn hoi về việc ban phát đất rừng cho các quan chức cấp tỉnh, trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp.

Trả lời phóng viên về việc này, vị lãnh đạo tỉnh đương nhiệm cho biết: ông chưa hạ bút ký cho ai một mét đất nào, nhưng khi phóng viên hỏi đến những quyết định do ông vừa ký trong tháng 10-2014 về việc thu hồi đất rừng để chia cho một số cán bộ cấp tỉnh thì ông lấp lửng: “Cái này để coi lại chứ tôi chưa thò bút ký, để phải coi lại cụ thể...”

Khi phóng viên đưa ra các quyết định bằng giấy trắng mực đen do ông kí, ông biện minh: “À, cái này trước khi ký tôi có hỏi hết... Có cơ sở của nó hồi trước. Lúc ký tôi có hỏi cơ quan tham mưu bên dưới tại sao họ giải thích cái này có từ lâu rồi, có một cọc văn bản pháp lý phía sau thì tôi mới ký, nếu không tôi không ký”.

Và ông quả quyết, tự tin: “ Tôi chưa ký cho ai một mét đất nào, chưa ký cho doanh nghiệp nào, cũng chưa ký cho một miếng cây miếng củi nào qua biên giới. Tôi rất bình thản về việc này.”

Theo vị lãnh đạo này thì chủ trương cấp đất cho một số cán bộ thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh có từ 5,7 năm trước. Việc ông kí là để “hợp thức hóa” cái chủ trương nói trên.

Tuy là chủ trương của tỉnh nhưng không hề có văn bản pháp qui nào quy định đối tượng, tiêu chí được nhận đất. Chỉ có một số ít cán bộ biết điều này và làm đơn để lãnh đạo tỉnh duyệt. Và việc “xin cho” diễn ra một cách thầm lặng nhưng “quyết liệt” - nói theo ngôn từ được sính dùng nhất hiện nay - thực chất đó là một sự chia chác, xẻ đất rừng cho cá nhân sử dụng, mà ở đây là rừng phòng hộ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh) có vị trí đắc địa về mặt giao thông, nằm ven trục quốc lộ 13, cách thị xã Bình Long không xa.

Những ai được ưu ái đặc biệt như vậy? Xin thưa, họ là những cán bộ cao cấp của tỉnh như viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trưởng phòng tổ chức - hành chính Văn phòng UBND tỉnh, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, phó chánh Thanh tra tỉnh; là các cán bộ thuộc Tổ chức Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh…

Họ không phải là đối tượng cần đất để mưu sinh như 8000 hộ dân nghèo của tỉnh đang khát đất như khát nước.

Kì lạ hơn, trong danh sách cấp phát còn có cả vợ con của lãnh đạo: vợ quyền chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vợ giám đốc Sở TN&MT, vợ giám đốc, phó giám đốc Sở NN&PTNT, con nguyên chủ tịch UBND tỉnh…

Thì ra, “căn cứ pháp lý hai năm rõ mười” và “hợp hiến hợp pháp” mà vị lãnh đạo tỉnh nói là thế này đây. Chả trách, trong vòng 10 năm, qua hai ba đời chủ tịch, rừng tự nhiên của Bình Phước từ chỗ có tới 127.800ha đã tụt xuống còn 58.600ha hiện nay.

Hơn một nửa diện tích rừng đã biến mất. Liệu cái nửa non còn lại còn tồn tại được bao lâu khi mà các vị lãnh đạo địa phương tiếp tục vin vào những “căn cứ pháp lý hai năm rõ mười” và tính “hợp hiến hợp pháp” kì lạ theo kiểu “phép vua thua lệ làng” để xà xẻo?

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

-

-