Chuyển gam màu sáng cho bức tranh giáo dục VN

(Dân trí) - 20/11 năm nay như dài hơn với những ngày nghỉ cuối tuần sát ngay trước đó, tạo điều kiện cho học sinh và cha mẹ các em có thêm thời gian tới thăm và chúc mừng các thầy cô. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời trên TV càng thu hút sự quan tâm …

Hoa trong nụ cười và ánh mắt thầy - trò (ảnh minh  họa)
Hoa trong nụ cười và ánh mắt thầy - trò (ảnh minh  họa)

 

Từ khẩu hiệu tới thực tiễn

 

Trước rất nhiều phản ứng gay gắt của dư luận (trong đó có khá nhiều độc giả là người làm trong ngành giáo dục, là chính các thầy cô giáo), nhiều bạn đọc có lẽ dù cũng không hy vọng nhiều ở phản hồi của vị “Tư lệnh” ngành Giáo dục, nhưng chí ít cũng chờ mong ông đưa ra được một lời hứa cụ thể hoặc nhấn trọng tâm vào sách lược vực dậy uy tín của ngành (như Van Hau Duong duongvanhaukcb@gmail.com đã nêu).

 

Vậy nhưng xem ra đường dẫn đưa tiếng nói của dư luận tới những địa chỉ cần tới vẫn còn quá xa vời. Tương tự như khoảng cách giữa lời nói với việc làm của nhiều giới chức nước ta vẫn bị dân kêu là: mãi vẫn như hai đường thẳng song song không có điểm gặp nhau.  

 

“Tối hôm trước, tôi xem VTV1 phát sóng chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời". MC hỏi (cơ bản): "Có rất nhiều câu hỏi, ý kiến về lương giáo viên và đãi ngộ cho nhà giáo chưa được giải quyết xứng đáng. Điều này dẫn đến một số giáo viên dạy thêm. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?” Và rồi đúng thiệt là... THẤT VỌNG tràn trề khi nghe Bộ trưởng trả lời... ngoài lề rất đẹp, không đi vào vấn đề chính "Lương và đãi ngộ", mà lại xoáy vào "dạy thêm"... Ôi! Bộ trưởng ơi, thất vọng quá!” - Xuân Phan:  xuanphan213@gmail.com

 

“Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả Dương Văn Hậu, chúng ta không thể cứ hô hào "khẩu hiệu" suông mãi được. Ngành giáo dục đang còn nhiều yếu kém, mà các vị quản lý vẫn chưa đám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục. Đời sống của đa số giáo viên còn quá khó khăn, Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện phụ cấp thâm niên từ tháng 5/2011, nhưng đã hơn một năm mà giáo viên vẫn chưa được hưởng. Thật là quá quan liêu...” - Nguyen Van Phuong:  phuong_hvct@yahoo.com.vn

 

Hiến kế từ cấp dưới như thường lệ, đi vào những khía cạnh cụ thể và “sát sườn” hơn cách nói đa phần vẫn chung chung của các cấp cao hơn:

 

“Muốn thu nhập của giáo viên được cải thiện, theo tôi không thể trông chờ mãi vào ngân sách quốc gia hay dạy thêm ‘ngoài luồng’ được. Cần phải thay đổi căn bản trong quy hoạch giáo dục bằng cách phân loại chi tiết đối tượng giáo dục cũng như giáo viên, để có hướng đầu tư hợp lý. Vùng khó khăn hoặc đối tượng giáo dục phổ cập thì hưởng lương ngân sách, giáo viên nào không theo được với sự cạnh tranh năng lực thì phải chấp nhận ở khu vực này với thu nhập thấp. Với những vùng kinh tế phát triển cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực xã hội với nguyên tắc cạnh tranh về danh hiệu giữa các trường, để giáo viên cạnh tranh cọ xát. Đi đôi với danh hiệu sẽ là cơ chế đóng góp tương xứng và đãi ngộ giáo viên thỏa đáng. Nếu không sớm phân loại và cạnh tranh danh hiệu thì khó có thể cải thiện được đời sống giáo viên, cũng có nghĩa là bức tranh giáo dục Việt Nam vẫn mãi một màu xám ảm đạm...” - Nguyễn Đức Vinh:  vinhnd09@gmail.com

 
Niềm vui của các cô giáo là mỗi ngày được nhìn thấy sự tiến bộ của học sinh (ảnh minh họa)
Niềm vui của các cô giáo là mỗi ngày được nhìn thấy sự tiến bộ của học sinh (ảnh minh họa) 
 

Danh hiệu trong lòng dân

 

Quả là tông màu xám vẫn đang bao trùm bức tranh chung của ngành giáo dục VN, khiến phản hồi của dư luận bạn đọc với những thực trạng nhức nhối trong ngành luôn chiếm tỉ lệ cao nhất mỗi ngày. Đáp lại, chúng tôi thường chỉ nhận được bình luận từ các giáo viên ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và lại nảy sinh thêm một nghịch lý.

 

Đó là các thầy cô từ những vùng khó khăn hình như không nhận thấy rằng dư luận chỉ phản ứng với tệ lạm thu, phong bì, bệnh thành tích... đang hoành hành chủ yếu ở các trường tại các thành phố lớn. Còn lời khen vẫn chiếm phần lớn khi đề cập tới các thầy cô giáo cắm bản, thầy cô bám đồng ruộng, xóm làng…

 

Để rồi không ít lời trách cứ dội ngược trở lại, cho rằng dư luận “vơ đũa cả nắm”, ảnh hưởng xấu tới các thầy cô giáo chân chính. Hoặc thậm chí còn “vơ đũa” cả báo chí, rằng cứ xới xáo mãi vấn đề lên để bạn đọc có nhiều dịp tố khổ…

 

Dư luận bao gồm rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội, cũng khó tránh khỏi có người nghĩ thế nọ, người nghĩ thế kia. Song khi cân nhắc biên tập đưa các bình luận của bạn đọc lên diễn đàn, chúng tôi bao giờ cũng nghiêng cán cân về phía góp ý mang ý nghĩa xây dựng tích cực là chính.

 

Bởi thế, chúng tôi cũng như đại đa số người dân vẫn vẹn nguyên trong lòng niềm tin với các thế hệ thầy cô giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Tình cảm, lòng tin yêu, sự mến phục… vẫn nhiều, nhiều lắm qua những lời chúc dịp 20/11. Nhất là với những thầy cô giáo vẫn giữ vững lập trường nói không với phong bì, nói không với tệ nạn dù có vì thế mà bị coi là“lập dị”, là “khùng”…

 

“Tôi tin! Sẽ vẫn còn những người giáo viên như cô (cô giáo từ chối phong bì)! Nhưng có lẽ thời nay không còn nhiều thầy cô như thế nữa. Tôi tin vì mẹ tôi cũng là một nhà giáo và hơn 30 năm nay mẹ tôi vẫn làm như trường hợp của cô. Chúc cô luôn sống đẹp và đúng với tư cách người giáo viên!” – NCC:  baggio.cantona@yahoo.com.vn

 

“Lúc đầu mình rất ghét nghề giáo viên và nghề bác sỹ. Nhưng đọc xong bài viết này, mình lại có được lòng tin rằng vẫn còn có những người như cô. Học sinh nào học cô chắc sẽ rất hạnh phúc vì có một "người giáo viên nhân dân”như cô. Mình nghĩ muốn thể hiện tấm lòng không nhất thiết phải đưa phong bì, vì như vậy chỉ thêm cơ sở cho tệ nạn có chỗ đứng vững chắc hơn mà thui. Các thầy cô có lương tâm thì mình tin chắc chắn đều không nhận phong bì, vì là người dạy cho học sinh điều hay lẽ phải thì các thầy cô càng cần trở thành tấm gương tốt cho học trò chứ.  Nghề giáo viên càng đòi hỏi có  đạo đức và lối sống đẹp, còn không có thì  dạy học sinh sao được. Thực sự mình quá bức xúc về các tệ nạn trong ngành giáo dục hiện nay. Và đặc biệt tại các bệnh viện là nơi cứu chữa bệnh nhân mà các tệ nạn này còn tệ hơn nữa. Cô giáo trong bài viết này thật đáng kính trọng! Chúc cô mạnh khỏe và luôn cống hiến hết mình cho ngành giáo dục VN!” – Hoai Thu:  hoaithusn2@gmail.com

 

So sánh nào cũng có lẽ là khập khiễng. Song cũng không thể trách được nhiều người dân ta hiện nay luôn “trong người lại ngẫm đến ta” hoặc “hoài niệm” với mong muốn lấy những tấm gương sáng làm hình mẫu, dù biết rõ rằng thời gian không bao giờ có thể quay trở lại. Giữ được cái tâm sáng trong thời buổi lĩnh vực nào cũng có cạnh tranh khốc liệt này quả là khó, nhưng Bác Hồ kính yêu đã dạy “không có việc gì khó…”

 

“Nhân Ngày Nhà giáo VN, xin trân trọng gửi tới các Thầy, Cô giáo mấy vần thơ được đăng trên tờ báo tường của lớp vào những năm 90 của thế kỷ trước:

 

"Bạn biết đấy cuộc đời Nhà Giáo

Rất đơn sơ tập giáo án gối đầu

Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng

Mực chấm bài là máu chảy từ Tim" -  Hoài Châu:  nghoaichau@gmail.com

 

“Nhân ngày 20/1, tôi xin gửi tới tất cả các thầy, cô giáo lời chúc sức khỏe, thành đạt và sẽ mãi là những người thầy của toàn xã hội. Để giữ được danh dự, nhân phẩm của nghề giáo, chúng tôi hiểu không hề đơn giản trong cuộc sống kinh tế thị trường hiện nay. Đặc biệt về thu nhập đối với nhà giáo là vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Tuy nhiên không phải và không thể vì thế mà đánh mất mình, mất hình ảnh đẹp về nghề của mình. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, hãy đề cao lương tâm nghề nghiệp của mình bằng cách tự mình làm gương để đào tạo được thể hệ học trò giỏi, đạo đức tốt... Sau này sẽ là những nhà lãnh đạo, quản lý, nhà kinh tế... giỏi và họ sẽ quay  lại giúp nghề giáo mình bớt khó khăn hơn. Tôi tâm sự ở đây là thực sự từ đáy lòng mình và với tư cách là một người thầy, công tác trong lĩnh vực giáo dục. Đôi khi cũng có nhiều cám dỗ, cũng có sự đắn đo. Tuy nhiên hãy cứ sống theo lý trí và con tim của mình, rồi những nhà giáo sẽ được các thế hệ học trò nhớ đến như là một sự tri ân. Thân chúc…” - Thanh Tùng:  xindoiduan@yahoo.com

 

“… Với tôi, ngay cả những việc giúp người khác thôi cũng không màng đến ơn huệ ... thì "phong bì" có ý nghĩa gì đâu. Sống để mình không thẹn, để con cháu thấy mình làm gương…Tôi rất sợ phải tặng cô giáo phong bì mặt dù nó thật đơn giản đối với tôi, mà tôi sẽ dành thời gian cả ngày hoặc thêm cả buổi tối để tìm món quà thật ý nghĩa tặng cho thầy cô.Tôi luôn dành cho thầy cô sự trân trọng và quý mến, tôi cũng truyền tư tưởng đó cho con tôi. Mong rằng các phụ huynh dù thể hiện sự quý mến mến thầy cô bằng cách gì đi nữa, cũng nên gieo vào đầu con trẻ những gì tốt đẹp nhất. Hãy giữ sự ngây thơ trong sáng của các bé, đúng nghĩa vì sự nghiệp trồng người. Những giáo viên gương mẫu rất xứng đáng được tuyên dương” - VPT:  vuongthanhvip@yahoo.com.vn...

 

Hai bàn tay phải cùng vỗ thì mới nên tiếng. Quả thật trong mọi tệ nạn trong ngành giáo dục, vai trò của phụ huynh học sinh không thể nói là nhỏ được. Như chính  nhiều giáo viên đã phải lên tiếng, chẳng phải có Cầu mới có Cung đó sao. Nếu tất cả PHHS đều đồng lòng nhất trí đứng về phía các nhà giáo chân chính, gam màu sáng sẽ sớm mang lại vẻ đẹp mới cho bức tranh giáo dục VN.

 

Kiều Anh