Chúng tôi làm khoa học để tạo ra sản phẩm
(Dân trí) - Làm khoa học có nhiều niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui dâng trào khi nghiên cứu làm ra sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam. Nhưng nhiều khi lại buồn vì thấy những đề tài lặp lại cái mình đã làm từ lâu mà vẫn được xét duyệt và cấp kinh phí nghiên cứu.
Trong một thời gian ngắn, một số loại máy của chúng tôi sản xuất đã “phủ sóng” khắp các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời đã đẩy lùi được một số máy ngoại nhập cùng chủng loại. (Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phát triển thành những thương hiệu lớn từ những thiết bị của chúng tôi). Không những thế, chúng tôi còn xuất khẩu các máy "made in VN" này sang các nước Đông Nam Á và một số nước ngoài khu vực. Đó là các loại máy cán tôn, máy chấn vòm, máy cán di động (Mobile tole), máy cán định hình, máy cán thanh trần, máy cắt tôn tấm, máy xả băng thép mỏng, máy chấn thép...v.v..
(ảnh minh họa)
Làm công tác nghiên cứu có những niềm vui và nỗi buồn: niềm vui dâng trào khi nghiên cứu thành công và cũng để tạo nên một thương hiệu dù rằng rất nhỏ nhoi cho đất nước, tạo một tiền đề để thế hệ mai sau tiếp bước... nhưng không bù đắp được những điều trăn trở, buồn bực khi phải chứng kiến những đề tài chẳng ra đề tài, khoa học chẳng ra khoa học, mà vẫn cứ được nhận tiền gọi là nghiên cứu. |
Vào năm 2003, có ngân sách tài trợ cho chương trình nghiên cứu những thiết bị Việt Nam. Khi đọc danh mục những thiết bị được tài trợ nghiên cứu, công ty chúng tôi thấy toàn là những máy móc thiết bị mà chúng tôi đã thiết kế chế tạo trước đó năm, sáu năm. Chúng tôi có gởi văn bản đến các ban ngành liên quan thông báo là những thiết bị này đã được chế tạo tại VN từ nhiều năm trước, và chúng tôi cũng đề nghị sẵn sàng cho không những thiết kế này để khỏi phải tốn ngân sách tài trợ, tốn thời gian nghiên cứu.
Công ty chúng tôi nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công một loại thiết bị chỉ xuất bán cho nước ngoài (vì trong điều kiện VN, chúng tôi biết không bán được). Có một người ở VN đã bay đến nước chúng tôi đã bán thiết bị xin đo đạc tìm hiểu về nó.
Techmart VN 2006, công ty chúng tôi có tham gia triển lãm và đăng ký thiết bị này dự thi cúp vàng. Chúng tôi không có sẵn máy (vì làm xong là khách hàng nước ngoài lấy đi liền) cho nên chỉ tham gia thi bằng hình ảnh và thuyết minh. Ngày cuối triển lãm, trước giờ phát giải khoảng 20 phút, công ty chúng tôi được ban tổ chức phát một bản in danh sách có tên công ty chúng tôi đạt cúp vàng với thiết bị đã đăng ký và thông báo cho chúng tôi cử đại diện để chuẩn bị nhận cúp. Nhưng sau đó, giải thưởng dành cho thiết bị này lại được phát cho một đơn vị khác và người lên nhận cúp chính là người đã ăn cắp mẫu máy của tôi ở nước ngoài.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn |
Phần còn lại dành cho bạn đọc suy nghĩ. Và tôi được biết chiếc máy đoạt giải trong triển lãm đó mấy năm sau cũng không bán được vì trong điều kiện VN không ai mua. Sau đó chủ nhân chiếc máy tháo rời thiết bị dùng vào việc khác.
Công ty chúng tôi thường được nhiều Ccông ty nhờ hướng dẫn hoặc giao trực tiếp sửa chữa những trục trặc, thiếu sót của một số thiết bị nhập ngoại. Chúng tôi nhận thấy không ít công ty nhập máy tân trang chứ không phải là thiết bị mới hoàn chỉnh. Có lần chúng tôi bức xúc đặt vấn đề và được giải thích như sau: “Chúng tôi chỉ có quyền dùng, không có quyền nhập và chọn lựa. Nếu dùng thì được mua cho, không thì thôi” (?)
Làm công tác nghiên cứu có những niềm vui và nỗi buồn : niềm vui dâng trào khi nghiên cứu thành công và cũng để tạo nên một thương hiệu dù rằng rất nhỏ nhoi cho đất nước, tạo một tiền đề để thế hệ mai sau tiếp bước... Nhưng không bù đắp được những điều trăn trở, buồn bực khi phải chứng kiến những đề tài chẳng ra đề tài, khoa học chẳng ra khoa học mà vẫn cứ được nhận tiền gọi là nghiên cứu.
Câu chuyện tôi kể trên đây đã xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng cho đến nay xem ra cung cách làm khoa học cũng như cách thức quản lý và đầu tư cho khoa học trong không ít đề tài vẫn diễn ra tương tự.
Với đà này nền khoa học VN sẽ đi về đâu?
Th/s Nguyễn Đình Đầy
GĐ Cty chế tạo máy IDT
LTS Dân trí - Niềm vui và nỗi buồn của tác giả bài viết trên đây thể hiện nỗi lòng của một người thật sự làm khoa học vì sự sống còn của công ty, phải làm sao nghiên cứu chế tạo thành công những loại thiết bị, máy móc mang nhãn hiệu Việt Nam không những có thể bán rộng rãi trong nước, mà còn bán ra nước ngoài.
Đây quả thật là một cuộc cạnh tranh không cân sức trong lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo cơ khí vốn không phải thế mạnh của Viêt Nam, mà công ty chế tạo máy IDT lại là một doanh nghiệp tư nhân có quy mô vào loại “khiêm tốn”, nhưng đã làm ra nhiều loại máy có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Điều đó cũng cho thấy trong lĩnh vực hoạt động khoa học, có thể hình thành nhiều lực lượng dưới những hình thức tổ chức và quy mô khác nhau. Việc đầu tư và đánh giá hoạt động nghiên cứu-triển khai cần dựa trên kết quả thực tế, bất luận đơn vị đó thuộc thành phần kinh tế nào và có quy ở tầm cỡ nào.