Bạn đọc viết
Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam!
Hãy góp sức, chung tay vì nạn nhân chất độc da cam. Hành động đó không chỉ riêng nhân dân Việt Nam, mà cần sự ủng hộ, chung tay của các nước, tổ chức quốc tế...
Hôm nay là ngày vì nạn nhân chất độc da cam (CĐDC
Lần đầu tiên các nhà khoa học quốc tế và trong nước đã thống nhất về số liệu: Từ năm 1961 dến 1971, Mỹ phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa ít nhất 366kh dioxin. 4.8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân CĐDC/dioxin, hàng trăm nghìn người đã chết, di chứng đã truyền qua nhiều thế hệ. Vâng, những con số biết nói, nhưng những thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần mà người dân Việt phải gánh chịu thì chẳng bao giờ đong đếm được.
Một hình hài đất nước tạo nên bởi những thế hệ chiến binh, bởi những người hóa thân cho dáng hình xứ sở. Một đất nước của những gia đình áo lính, của những dòng họ vì nước quên mình, những đội quân người người, lớp lớp. Có ai đó hỏi một câu chân thành rằng: Chúng ta tự hào về nhân dân, dân tộc Việt Nam chứ? Có! Câu trả lời chắc chắn là vậy rồi. Nhưng đau thương quá, mất mát quá, và chắc hẳn không một ai mong muốn khi sinh ra mà bị chiến tranh gõ cửa từng nhà vậy cả.
Để rồi, giờ đây, nhiều dân thường, bộ đội sống trong vùng bị rải chất độc hoá học đã bị mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư. Nhiều phụ nữ bị sảy thai, đẻ non. Nguy hiểm hơn cả là chất độc màu da cam đã để lại di chứng cho đời sau, con cái của những người bị nhiễm chất độc hoá học, mặc dù sinh ra sau chiến tranh, thậm chí ở rất xa nơi có chiến sự, cũng mắc các bệnh hiểm nghèo như câm, mù, điếc, tâm thần... hoặc có hình hài dị dạng. Sự tồn tại của hàng loạt các trẻ em dị tật trong các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình cựu chiến binh có bố hoặc mẹ từng công tác, chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc màu da cam, đang trở thành nỗi đau và gánh nặng to lớn không chỉ riêng cho các em và gia đình, mà còn cho cả xã hội.
Nói ra chừng bấy nhiêu đó thôi để cho mỗi thế hệ người Việt Nam luôn khắc sâu thường trực lòng yêu nước, yêu đồng bào của mình. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, hãy góp sức, chung tay vì nạn nhân chất độc da cam. Hành động đó không chỉ riêng nhân dân Việt Nam, mà cần sự ủng hộ, chung tay của các nước, tổ chức quốc tế, trong đó trách nhiệm lớn nhất thuộc về Mỹ.
Thạc sĩ Lầu Văn Thanh