Bạn đọc viết

Chúng ta không chấp nhận hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu

Những bước đi cụ thể, ngày càng rõ ràng của Chính phủ nhằm thực hiện Chính phủ công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển đang được dư luận vui mừng đón nhận và dõi theo.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thủ tướng chỉ đạo phải công khai, minh bạch, tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó có việc cắt giảm giấy phép con. Việc tạo ra trang web này cũng là thông điệp về Chính phủ công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển.”

Từ ngày nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp: Chính phủ công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển. Ông không chỉ nhấn mạnh mà còn có nhiều cuộc tiếp xúc với người lao động, với doanh nghiệp để lắng nghe tất cả những phản ánh của họ. Hai cuộc tiếp xúc đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông dành cho đại diện các doanh nhân trên cả nước và khoảng 3.000 công nhân ở các khu công nghiệp ở 8 tỉnh phía Nam. Đặc biệt, Thủ tướng không chỉ phát biểu trên diễn đàn, mà ngồi giản dị trên chiếc ghế nhựa trao đổi thân tình với từng ý kiến của công nhân. Điều đó cho thấy, không chỉ là hình ảnh gần dân, mà còn đưa ra những thông điệp rõ ràng của Thủ tướng về việc tạo điều kiện tối đa cho những người lao động.

Trên nhiều diễn đàn khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh đến Chính phủ kiến tạo phát triển. Để thực hiện được việc đó, ông đã yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động rà soát, xóa bỏ các văn bản “trói” các doanh nghiệp phát triển.

Không chỉ vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trong phần thảo luận dự thảo Nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ mới trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của quy chế làm việc là tăng cường công khai minh bạch hoạt động của Chính phủ trước nhân dân để dân biết, có ý kiến và giám sát.

Mặt khác, để bộ máy của Chính phủ hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn này phải đặt ra rõ ràng hơn, có lộ trình, bước đi cụ thể hơn từ Trung ương đến cấp quận, huyện, xã.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rất rõ: “Các đồng chí là tư lệnh lĩnh vực suốt từ Trung ương tới xã, phường. Ở đâu có sự kiện thuộc lĩnh vực của các đồng chí là các đồng chí phải kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết, chứ không chỉ lo công việc trên Bộ”. Một yêu cầu rõ ràng, dứt khoát, không thể né trách nhiệm và không có khoảng trống quyền lực.

Để đôn đốc, giám sát các bộ ngành thực hiện chức năng của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập Tổ công tác của Chính phủ do Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ trưởng. Dù chỉ mới thành lập, nhưng Tổ công tác này đã công bố công khai việc các bộ, ngành đã làm được, đặc biệt những việc còn tồn đọng của một số bộ, ngành. Không chỉ vậy, Tổ công tác này còn đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ này. Dù đây chỉ là kết quả bước đầu, dư luận tin tưởng rằng, những ai còn lừng khừng, không chịu làm việc chắc chắn sẽ không thể tồn tại trong guồng máy đang vận hành ngày càng tăng tốc như hiện nay.

Một trong những động thái gần đây nhất, tại cuộc họp báo chiều 4.10.2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ lập website tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp có địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn/ do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ điều hành. Mục đích của thành lập trang web này, Bộ trưởng Dũng nói rõ: “Thủ tướng chỉ đạo phải công khai, minh bạch, tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó có việc cắt giảm giấy phép con. Việc tạo ra trang web này cũng là thông điệp về Chính phủ công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển”. Thông điệp rất rõ ràng và cụ thể.

Nhằm hạn chế tối đa nhũng nhiễu, trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc họp này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc phong bao, phong bì chỗ nọ chỗ kia thì tôi phải nói rằng trong thực tế là có. Có những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, thậm chí mặc cả với doanh nghiệp. Chính vì tình trạng này nên Chính phủ chỉ đạo tăng cường công khai như vậy để ngăn chặn những nhóm lợi ích, hạn chế thấp nhất tiêu cực. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh: “Trong trường hợp có các căn cứ xác đáng, cơ quan chức năng sẽ dễ xử lý. Chúng ta không chấp nhận hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.”

Những bước đi cụ thể, ngày càng rõ ràng của Chính phủ nhằm thực hiện Chính phủ công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển đang được dư luận vui mừng đón nhận và dõi theo.

Vương Hà