Bạn đọc viết

Chúng ta đang thực sự ăn uống gì?

“Anh không thể kiểm soát không khí mà anh thở hàng ngày, nhưng trong một giới hạn nào đó anh có thể kiểm soát được cái anh ăn và uống mỗi ngày”… - Bạn có bao giờ thắc mắc, ta đang thực sự ăn uống gì?

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Một quán nhỏ bên đường ở Úc. Tôi gọi một ly “short black” (hay một ly “espresso kiểu Úc”). Người phục vụ đưa cho tôi một tấm lót ly và đề nghị tôi lựa chọn một trong 6 loại hạt in trên tấm lót đó.

Vốn không sành về cà phê, tôi chọn đại một loại rồi mang tấm lót ra bàn ngồi chờ. Cà phê nóng bỏng nhưng không đậm đà như ở quê. Hay chính xác hơn, không “đậm đà” như cà phê ở nhiều quán nhỏ ven đường ở Việt Nam tôi thường uống.

Tò mò, tôi lật mặt sau của tấm lót và đọc những dòng chữ in trên đó: “Chúng tôi hiểu rằng cà phê có nhiều loại hạt và không có loại hạt nào là tuyệt hảo. Mỗi một loại hạt đem lại một hương vị khác nhau và thoả mãn những khẩu vị khác nhau. Vì vậy, chúng tôi tự cho mình quyền lựa chọn những loại hạt mà chúng tôi thích nhất và giới thiệu với các bạn. Các bạn có thể truy cập nguồn gốc của các loại hạt cà phê mà chúng tôi sử dụng ở đường dẫn sau. Hãy thưởng thức và nhớ rằng, có khi người ta phải thử nhiều lần mới tìm được đúng loại hạt mà người ta ưa chuộng” - Cho dù đây có thể là một chiêu “tiếp thị nội dung” dễ thương của ông chủ quán, thì rõ ràng họ rất tự hào và minh bạch về thứ mà họ pha cho tôi uống.

Tôi nhớ lại vẻ mặt của chủ một quán cà phê ở Buôn Ma Thuột khi tôi hỏi đòi uống một loại cà phê của một nhà sản xuất cà phê nổi tiếng cả nước xuất phát từ đây. Đó là một vẻ mặt lạnh lùng, khinh thường và xa cách…

“Ở đây không ai uống loại cà phê đó!” Ông ta lãnh đạm trả lời, sau đó hạ cố giải thích cho tôi về cà phê như một người nông dân giải thích cho khách đến chơi nhà về hai thửa ruộng rau của họ - một thửa có phun thuốc để bán còn một thửa để riêng nhà dùng. “Nhưng tại sao các ông lại làm thế?” tôi hỏi “Khách hàng họ quen rồi. Bán cà phê nguyên chất họ nói không đúng vị cà phê. Họ sống đủ lâu với sự giả dối để coi đó là sự thật rồi”-ông ta mệt mỏi trả lời.

Phải, đâu phải chỉ có cà phê! Trên bàn nhậu, cánh đàn ông không ngừng nốc những chai rượu nhà nấu được kín đáo làm trong và tăng độ “bốc” bằng phân hoá học hay thậm chí một giọt thuốc trừ sâu; Phụ nữ thì thản nhiên uống nước nhân trần được làm khô nhanh chóng không phải bằng phơi nắng mà bằng cách phun thuốc diệt cỏ để nó chết khô; người ta không ngừng gắp cho nhau những miếng thịt “ngon lành” từ thịt của những con lợn được nuôi bằng chất tạo nạc…

Người ta đã giễu cợt bằng một thực đơn khủng khiếp của người Việt Nam từ rau muống được tưới dầu luyn cho đến cà phê đậu nành bột bắp, nhưng thú thật, sự kinh khủng khi nhìn vào thực đơn đó đã lấn át sự hài hước của nó.

Người ta tính rằng, hàng năm, có tới gần 17 tỷ cốc cà phê được tiêu thụ ở Việt Nam, trong đó, có rất nhiều cốc hoàn toàn không có một tý cà phê. Vậy chúng ta thực sự uống cái gì?

Nếu như chủ quán cà phê ở Úc tin tưởng vào giá trị của sự đa dạng của các loại hạt thì các chủ quán Việt Nam tin tưởng vào giá trị của sự đa dạng của công thức pha chế từ bột bắp rang cháy, hương liệu lấy sỉ ở chợ đầu mối Kim Biên và sự sáng tạo của họ (“ê, thêm một chút bơ cho dậy mùi” hay “có lẽ cần một chút hạt cau rang để tăng vị đắng”, “ồ, kiếm đâu ra hạt cau, hãy dùng ký ninh là đủ”, “khách chê không sánh, lần tới cần tăng thêm một chút gelatin Trung Quốc”).

Cho nên, cái các bạn trầm trồ thưởng thức vị đắng, mùi hương và cái sánh đặc của cốc cà phê đen người ta bưng ra cho bạn thực ra có rất ít liên hệ tới cà phê mà chủ yếu tới tài năng của các nhà giả kim thuật có tên là chủ quán hay các đại gia sản xuất cà phê.

Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi một trong những bài học đầu tiên về quản trị khủng hoảng cá nhân là bài học về quản trị ăn uống. Huấn luyện viên của tôi nói “anh không thể kiểm soát không khí mà anh thở hàng ngày, nhưng trong một giới hạn nào đó anh có thể kiểm soát được cái anh ăn và uống mỗi ngày”… Cho nên, đừng hỏi vì sao Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ ung thư dạ dày và đại trực tràng cao như vậy. Với hàng tỷ liều pha chế sáng tạo mỗi năm của các “nhà giả kiêm thuật tài tử”, điều gì mà chẳng có thể xảy ra !?

Nguyễn Thanh Sơn