Bạn đọc viết:

Chúng ta đã làm được gì cho trẻ em?

(Dân trí) - Nếu huy động đóng góp để làm lễ hội tại đền, chùa thì sao mà dễ thế - có lẽ người Việt Nam ta hiện tại lo lắng cho tương lai nhưng tương lai không phải là thế hệ trẻ mà là cõi âm thì đúng hơn.

Đọc bài của bạn, mình suy nghĩ mãi mới viết vài dòng này gọi là hưởng ứng việc xã hội phải làm vì thế hệ trẻ của chúng ta. Mình rất đồng ý với bạn, khi viết bài này cũng có thể làm phật ý các cụ nhưng không viết không được. Mình cũng không còn trẻ nữa, con cái đã lớn rồi nhưng suốt trong thời gian nuôi dạy con cái lớn lên những chuyện bạn viết không có gì là lạ cả.

 

Mình sống trong một khu tập thể cũ, có cái sân chơi cho trẻ em nhưng các ông, các bà, các bác dành mỗi người một chút diện tích để làm đủ thứ việc. Còn thừa một khoảng cho trẻ con chơi mà mỗi khi quả bóng nhỏ (tất nhiên chỉ là bóng nhựa thôi) bay vào chỗ nào là các ông bà mắng chúng nó chẳng ra gì mặc dù sân chơi là của chúng.

 

Kỳ cục thật! Mình đã rất bức xúc thậm chí còn đòi ngăn hẳn sân lại cho các cháu những cũng chẳng đi đến đâu, hầu như không có người ủng hộ. Đấy là nói về mọi người nói chung, còn về cái việc của các cụ thì đúng là rất khó nói. Bây giờ các bạn về bất cứ nơi đâu ở các phường hay các làng ở nông thôn thì sẽ thấy một nghịch lý. Chỗ sinh hoạt cho các cụ thì chỗ nào cũng khá khang trang nhưng sử dụng rất ít còn chỗ chơi cho các cháu thanh, thiếu niên tìm mỏi mắt cũng không thể có được. Cái này theo suy nghĩ của mình nó có cái nguyên do của nó bắt nguồn từ việc có tiền hay không.
 
Chúng ta đã làm được gì cho trẻ em?  - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Các bạn cứ thử tìm hiểu xem. Do ngân sách của chính quyền hạn hẹp nên việc huy động nguồn kinh phí của xã hội “như các bác chính trị nói là xã hội hóa” – thực ra mình không hiểu từ này nghĩa là gì nữa. Mà đã đóng góp thì các cháu làm gì có đồng nào mà góp cho nên chỗ trường lớp, sân chơi cho các cháu không thể làm được, còn nếu huy động đóng góp để làm lễ hội tại đền, chùa thì sao mà dễ thế – có lẽ người Việt Nam ta hiện tại lo lắng cho tương lai nhưng tương lai không phải là thế hệ trẻ mà là cõi âm thì đúng hơn.

 

Chùa chiền, miếu mạo, lễ hội (mà nhiều khi chả có ý nghĩa gì) thì có rất nhiều tiền để tổ chức, sửa sang. Nhưng có lẽ các bạn cũng thông cảm vì huy động đóng góp của các cụ dễ hơn nhiều – đa phần các cụ có tiền không ít thì nhiều nhưng đóng góp để cho bọn trẻ thì hình như mọi người không coi là việc quan trọng gì cả. Tuy thế các cụ lại vẫn cứ nói bọn trẻ bây giờ dễ hư quá, suốt ngày sa đà vào trò chơi điện tử, lớn lên một chút thì rủ nhau nhậu cho say sưa. Nhưng thử hỏi, trẻ con chơi ở đâu? vì trẻ con phải có sân để chơi các trò lành mạnh như bóng đá, cầu lông, ca nhạc... Nhưng kiếm đâu chỗ chơi bây giờ? Những chỗ có thể chơi như thế này đều phải thuê mất nhiều tiền, mà bọn trẻ thì không có phải xin bố mẹ, mà bố mẹ khá giả thì mới có thể cho chúng nó chơi được. Nhiều khi thấy nản quá khi mà dư luận nói nhiều quá vì trẻ em nhưng hành động không vì trẻ em chút nào cả.

 

Đấy là nói về các cụ, các ông, các bà lớn tuổi không nói làm gì. Ngay cả các đại gia thì cũng có xu hướng bỏ tiền xây nhà thờ họ, mộ tổ, đình chùa… rất hoành tráng cơ mà. Quận, huyện, thôn, xóm thì còn buồn hơn. Thực chất khó tìm thấy bác nào chịu khó tìm đất làm sân chơi cho con trẻ. Họ chủ yếu tìm kiếm để có thể mở dự án, cho thuê làm dịch vụ đủ các thứ (nếu không thể lấy làm đất riêng) để kiếm tiền. Nhưng khổ một nỗi cho thuê lại giá rất rẻ (rẻ thì mới có phần trăm nhiều chứ đắt thì tiền lại vào hết ngân sách khó ăn vào được). Còn nếu xây trường hay sân chơi công cộng thì họ còn được gì?

 

Kỳ cục nhất là ngay tại Hà Nội và TPHCM những nơi được gọi là văn minh nhất nước mà thiếu nhà trẻ, mẫu giáo trầm trọng mà chính quyền cơ sở nói là không có đất xây nhưng họ lại có đất cho dự án trung tâm thương mại, dịch vụ… rất nhiều. Vậy thì làm thế nào huy động đóng góp và hy sinh vì thế hệ trẻ được đây!

 

Rất mong muốn góp một tiếng nói chung vào với bạn để mọi người cùng suy nghĩ để con, cháu chúng ta có được sự chăm sóc tốt nhất vì chúng là tương lai của chúng ta mà (tôi không dám nói là tương lai của đất nước – vì nó to tát quá). Ai cũng vậy thôi, là một sinh vật sống thì việc đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thế hệ sau – tức là bảo vệ giống nòi là quan trọng nhất chứ không phải là tiền tài, địa vị, danh vọng và sự sung sướng của bản thân đâu.

 

Tran Quang - Nam - 37 tuổi - Từ Bắc Ninh