Chữa bệnh vô cảm

Vì sao con người ngày càng trở nên vô cảm? Câu hỏi này chúng ta đã hỏi nhau nhiều lần và câu trả lời cũng đã có nhiều trên báo chí. Vấn đề quan trọng hơn hết là làm sao để cứu mỹ cảm của thế hệ người Việt trẻ?

Có một khảo sát của Gallup cho thấy, người Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về sự vô cảm đã gây nhiều tranh luận. Nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu kết quả đó có chính xác hay không? Và người Việt có thật sự vô cảm như thế? Biết rằng kết quả ấy chỉ mang tính tham khảo mà thôi và số đông người đều hoài nghi về kết quả này. Thứ nhất, có thể cuộc khảo sát này chỉ tiến hành ở một bộ phận cư dân nào đó chứ không thuộc phạm vi rộng xã hội nên khó có độ chính xác cũng như tính thực tế cao. Thứ hai, cuộc khảo sát này chỉ mang ý nghĩa nhất thời, trong một bối cảnh xã hội đang có nhiều phân hóa như hiện tại chứ không có nhiều giá trị để quy kết cho người Việt là thiếu cảm xúc. Song, câu hỏi liệu người Việt có thật sự vô cảm không là câu hỏi đáng suy nghĩ nhất!
 

Nếu nói, truyền thông báo chí chính là tấm gương phản chiếu đời sống hiện tại thì hoàn toàn có thể kết luận ngay rằng, người Việt không hề thiếu cảm xúc. Có quá nhiều biểu hiện của cảm xúc trên các trang báo qua các sự kiện, những cảm từ như: bàng hoàng, xúc động, xót xa, sốc, choáng... được xuất hiện hằng ngày trong tít các bài báo. Hay, năm nào cũng có hàng trăm hàng ngàn bạn trẻ đội nắng, dầm mưa, chen lấn nhau, khóc ngất khi gặp các thần tượng đến từ xứ Hàn… Dưới những bài viết nói về một tiêu cực, về sự độc ác và vô cảm, bao giờ cũng có rất nhiều bình luận của độc giả. Những lời lên án, những sự phẫn nộ và cả những niềm cảm thông. Đọc những dòng bình luận đó, ai cũng thấy an tâm vì trên đời vẫn còn nhiều người có lương tâm, biết phẫn nộ trước cái ác… Vì vậy, nói người Việt vô cảm là sai mất rồi!

 

 

Chữa bệnh vô cảm
 

 

Thế nhưng, cũng có một sự thật khác hoàn toàn ngược lại, những câu chuyện về sự vô cảm cũng xuất hiện không hề ít trên các trang báo hằng ngày. Và nếu căn cứ vào những việc như cả một đám đông đứng nhìn người bị tai nạn giao thông nằm dưới đường mà không đưa đi cấp cứu; hàng chục người ngang nhiên xông vào cướp tiền của một người đàn ông bị cướp hụt giữa phố đông người; hay mới đây, người đàn bà điên nhiều lần thoát y điều khiển giao thông ở ngã tư đông đúc nhất Hà Hội cả tuần lễ mà không ai đưa vào trại… Hay ông chủ đầu tư đập thủy điện Đăk Mek 3 dùng đất, cát, đá sỏi có sẵn dưới suối đổ đầy vào thân đập thay vì phải dùng bê tông đá hộc, vữa mác như yêu cầu của thiết kế công trình… thì sự vô cảm đã gần như chạm đáy!

 

Căn cứ vào những chỉ dấu xuất hiện trên báo chí hằng ngày nêu trên, thật sự không thể kết luận rằng, người Việt có vô cảm hay không? Bởi tất cả những biểu hiện của cái xấu, cái ác xảy ra từ những mâu thuẫn nhỏ hằng ngày hay sự phát cuồng của người hâm mộ mỗi khi “ngôi sao” có hành động hay phát ngôn ngớ ngẩn thì đó… cũng là biểu hiện rất thật của cảm xúc. Cảm xúc vốn chỉ là hoạt động phản ứng của não bộ trước một sự việc, hiện tượng nào đó. Vậy ra người Việt không hề thiếu cảm xúc, mà vấn đề quan trọng ở đây là cảm xúc của người Việt đang theo một xu hướng có nhiều bất ổn! Một ngôi sao có thể khóc ngất trước một giọng ca bình thường nhưng lại có thể cười nghiêng ngả khi chứng kiến một hành vi sai trái thì đó cũng là cảm xúc, nhưng nó lệch lạc!

 

Cũng theo kết quả khảo sát của Gallup thì có đến 60% số người Việt Nam được hỏi cho biết, họ không có nhiều cảm xúc trong một ngày. Hằng ngày trên các phương tiện truyền thông có biết bao nhiêu sự kiện xảy ra, nhưng nó lại không thể tạo ra cho con người cảm xúc gì thì kể cũng lạ?! Vậy cảm xúc có thể đến từ đâu? Nó phải được hình thành từ việc tiếp xúc với những giá trị nhân văn trong cuộc sống, đến từ cảm xúc trong những cuốn sách hay những thước phim đầy thông điệp ý nghĩa… Song, rất tiếc là những yếu tố hình thành cảm xúc tốt đẹp này đang có phần thiếu hụt trong xã hội hiện đại của chúng ta. Những giá trị nhân văn, những tấm gương tốt đẹp trong xã hội hiện nay thường bị chìm khuất sau những tin bài sự kiện giải trí giật gân, hay cuộc tranh cãi về việc cô này cô kia lộ nội y tràn đầy trên báo mạng.

 

Xu hướng cảm xúc của xã hội thường được dẫn dắt bởi những người có tầm ảnh hưởng lớn; phổ biến nhất hiện nay đó là giới quan chức và đặc biệt là nghệ sĩ. Thế nhưng, nền tảng cảm xúc đến từ những nhân vật này cũng mong manh. Điển hình những người nghệ sĩ trẻ gần đây có ảnh hưởng đến công chúng bằng tài năng thì rất hiếm, song tên tuổi họ lại thường gắn với những scandal, những phát ngôn và hành động ngớ ngẩn. Các quan chức thì cũng có sức ảnh hưởng với số đông không đáng kể, thường chỉ qua nhiệm kỳ ngắn ngủi của họ. Và không ít người trong số họ gắn liền với những ồn ào liên quan đến chuyện “hứa mà không làm”, hay “hứa một đằng lại làm một nẻo”…

 

Còn với xu hướng cảm xúc cá nhân thì thường được bồi dưỡng từ sự giáo dục của nhà trường và gia đình. Song sự giáo dục của hai nơi này cũng đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Trong lớp học, cảm xúc của học sinh được bồi dưỡng thông qua sự nhồi nhét kiến thức, thông qua việc chạy đua điểm số, thành tích của nhà trường và hình ảnh ấn tượng nhất đó là việc thầy giáo ném phao thi cho thí sinh! Không những thế, cảm xúc của đám học trò còn được hình thành thông qua việc thầy giáo dạy thêm rồi thỉnh thoảng bị bắt và lập biên bản. Ở môi trường gia đình, cảm xúc của người Việt trẻ hôm nay được bồi dưỡng trên cơ sở bố mẹ mê mải chạy theo những nhu cầu vật chất. Mục đích kiếm tiền và tạo dựng quyền lực khiến cho họ không còn thời gian để quan tâm đến con cái, những người thân của mình chứ nói chi đến một người qua đường. Cảm xúc của người Việt trẻ còn được bồi dưỡng qua lời dạy của bố mẹ rằng, ra đường thì phải tránh xa mọi rắc rối - đó đã là bài học làm người cơ bản trong mỗi gia đình. Bởi người ta đặt mọi giá trị giữa được và mất nên không để bị rắc rối vì làm người tốt là một lựa chọn “khôn ngoan”!

 

Như vậy, thử hỏi làm sao người trẻ có mỹ cảm tốt được khi mà hệ thống bồi dưỡng cảm xúc từ gia đình, nhà trường và thần tượng như thế!

 

Trở lại kết quả khảo sát người Việt đứng thứ 13 trên thế giới về vô cảm, tuy kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo nhưng nó cũng là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta về sự thờ ơ vô cảm đang bắt đầu gia tăng mạnh trong xã hội. Vì sao con người ngày càng trở nên vô cảm? Câu hỏi này chúng ta đã hỏi nhau nhiều lần và câu trả lời cũng đã có nhiều trên báo chí. Vấn đề quan trọng hơn hết là làm sao để cứu mỹ cảm của thế hệ người Việt trẻ? Không ai khác đó là sự nỗ lực từ phía gia đình và nhà trường. Cha mẹ hãy chia sẻ với con cái những cảm xúc đẹp từ một câu chuyện nào đó; thầy cô hãy dạy cho trẻ những bài học đạo đức ý nghĩa, những câu chuyện mang lại cảm xúc, giá trị nhân văn thay vì chỉ nhồi nhét những kiến thức khô cứng, những điểm số để ghi danh thành tích!

 

Theo Trúc Vân

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm