Chủ trương đúng, cần được thực hiện đúng

Thời gian qua, những vụ việc đáng tiếc xảy ra tại một số trạm thu phí BOT giao thông đã tạo ra sự lo ngại trong dư luận xã hội. Rồi đây, nguyên nhân từ đâu nên nỗi và giải pháp nào rồi cũng sẽ được đưa ra. Nhưng, muốn sự việc không lặp lại thì trước tiên cần nhìn thẳng vào sự thật, nếu sai thì sửa theo đúng tinh thần chủ trương đúng, cần được thực hiện đúng.


BOT Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: Báo SGGP)

BOT Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: Báo SGGP)

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 là “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân”. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 cũng xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba khâu đột phá.

Chính vì vậy, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế là vô cùng cần thiết và là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp. Nhiều dự án BOT, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước đi nhanh hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, BOT là hình thức đầu tư mới, trong điều kiện thể chế pháp lý chưa hoàn thiện nên còn một số tồn tại về cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện.

Điển hình là trạm thu phí BOT Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm. 9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Thế nhưng, người dân vẫn tiếp tục phản đối với lý do không phải chuyện thu phí thấp hay cao mà là vị trí đặt trạm không phù hợp. Thế là trạm BOT Cai Lậy đã liên tục thu – xả trước khoảng 24 lần trước "chiến thuật" đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi trả lại đúng 100 đồng của tài xế. Bức xúc của tài xế thì đã rõ với những hành động quyết liệt còn quan điểm của chủ đầu tư BOT Cai Lậy cũng không có chuyện dừng thu phí. Thế là sự việc không thể đi đến hồi kết và có vẻ như ngày càng náo loạn, thậm chí đã dẫn đến đổ máu… Sự căng thẳng và xung đột đã vượt ra khỏi phạm vi trạm thu phí. Và tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng.

Tuy nhiên, không chỉ trạm thu phí BOT Cai Lậy mới gặp rắc rối, mà việc này đã và đang xảy ra tại một số trạm thu phí BOT ở nhiều địa phương khác. Dân gian có câu “không có lửa làm sao có khói”. Đúng vậy, theo quy định, các trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km. Nhưng trong báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội, 79/88 trạm thu phí BOT có khoảng cách dưới 70km (tương đương với 90% số trạm). Trong số này, đã có không ít trạm bị chỉ rõ việc thu phí sai, thu chênh cao so với con số thực trên giấy tờ. Nhiều trạm đặt không đúng vị trí, người dân không đi vẫn phải trả tiền, hay làm đường một nơi lại thu phí một nẻo. Có trường hợp chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) còn đem cả ụ bê-tông ra chặn đường lưu thông của người dân khi không thu phí được...

Trước đó, ngày 30/11, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu giá không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được Bộ Giao thông vận tải tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã khẳng định, trong thời gian tới, dư luận sẽ bớt dần bức xúc đối với các dự án BOT. Bộ trưởng cũng nêu rõ: Quan trọng là phải minh bạch để người dân nắm được, hiểu được và chia sẻ. Cụ thể, minh bạch đầu vào dự án thông qua công tác quyết toán, đồng thời minh bạch đầu ra thông qua việc công khai mức thu, số thu mỗi lượt, mỗi ngày. Muốn làm được điều đó, thì đến năm 2019, tất cả các trạm BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động ở tất cả các làn.

Quay trở lại, chúng ta thấy rằng, thắc mắc của người dân không phải không có lý, vì lẽ thường lái xe có quyền được lựa chọn: Trả phí khi đi đường tốt, đầu tư mới, tốc độ nhanh và ngược lại, miễn phí khi đi đường cũ, tốc độ chậm. Thế nhưng, ở đây, dù xe không qua tuyến đường tránh (được đầu tư bằng dự án BOT) mà vẫn phải qua trạm thu phí.

Nhiều người cho rằng, ngoài lý do đặt trạm bất hợp lý còn nguyên nhân sâu xa khiến người dân không đồng tình là bởi dự án không được nhà đầu tư công khai, minh bạch trong quá trình triển khai. Cả nước có nhiều các trạm thu phí BOT mà trong số đó, như báo cáo giám sát của Quốc hội, có đến 79 trạm thu phí đặt sai vị trí. Thực tế, doanh nghiệp và người dân địa phương rất mù mờ về dự án dù theo quy định, dự án BOT phải được nghiên cứu, xem xét kỹ trên các khía cạnh và phải có tham vấn, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các đối tượng sử dụng đường bộ. Do đó, người dân có quyền đặt câu hỏi: Đó mới chỉ là một vài trạm được phanh phui, còn bao nhiêu trạm thu phí BOT đã và đang thu phí một cách mập mờ, không rõ ràng, thiếu minh bạch?

Trong khi đó, khi phát sinh tranh chấp giữa người dân và trạm thu phí, rất cần có cơ quan "trọng tài" để giải quyết. Nhưng điển hình như BOT Cai Lậy được Bộ Giao thông vận tải khẳng định đặt đúng vị trí và nhấn mạnh không dời trạm. Phải chăng, đó chính là lý do mà cảnh “xả trạm, đóng trạm” liên tục diễn ra tại BOT Cai Lậy khi giải thích của Bộ chưa thuyết phục được nhân dân?

Để giải quyết những bất cập của các dự án BOT giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí. Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân”.

Từ những rắc rối tại BOT Cai Lậy và một số dự án BOT khác cũng như những chỉ đạo từ Chính phủ đã cho thấy bài học về tính minh bạch, công khai. Hơn lúc nào hết, cơ quan soạn thảo, ban hành luật cũng như triển khai các dự án, cần có đánh giá tác động thực chất, bài bản, như vậy mới xây dựng được những chính sách hợp lòng dân. Giải quyết thỏa đáng nguyên nhân này, chắc chắn mọi vụ việc sẽ được giải quyết.

Trước thực tế BOT Cai Lậy và một số BOT khác, tối 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về vấn đề này. Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1 - 2 tháng để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Chúng ta hi vọng rằng, sau cuộc họp này, sẽ có giải pháp dứt điểm cho BOT Cai Lậy và các BOT khác. Đây cũng chính là phép thử lòng dân đối với Chính phủ kiến tạo.

Tuy nhiên, có một điều cần được khẳng định là không thể để cuộc đối đầu này kéo dài thời gian vì càng kéo dài nó càng gây ra nhiều hệ lụy không thể lường trước được. Đây là việc cần làm ngay nếu không sẽ trở thành điểm “nóng”. Càng để muộn càng mất mát nhiều hơn. Đó là điều chắc chắn. Phải có quyết định dập lửa nhỏ khi chưa bùng thành ngọn lửa lớn.

Chủ động tìm giải pháp, chủ động giải quyết, không để mâu thuẫn tích tụ, dồn nén dẫn đến hành vi quá khích, ảnh hưởng đến trật tự xã hội là điều hết sức cần thiết. Cần nhìn thẳng vào sự thật, nếu sai thì sửa.

Thiết nghĩ, giải pháp quan trọng nhất đối với các dự án BOT là chủ trương đúng cần được thực hiện đúng. Cần trả lại sự công bằng cho người dân tham gia giao thông ở tất cả khu vực này. Muốn thế cần cân nhắc, rà soát, xử lý những bất cập thông qua đối thoại, lắng nghe ý kiến của dân trước khi quyết định. Sự đồng thuận và phản biện xã hội sẽ là yếu tố quan trọng của mọi thành công…/.

Theo Thu Hà

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam