Chống quái xế đua xe trái phép: Vỏ quýt dày và móng tay nhọn

(Dân trí) - Có lẽ cũng chung tâm trạng muốn có lời tuyên chiến mạnh mẽ với tệ nạn xã hội để tình trạng “nhờn pháp luật” không còn “đất sống”, đại đa số ý kiến bạn đọc đã bày tỏ ủng hộ “độc chiêu” của Công an Thanh Hóa quăng bùi nhùi chống đua xe trái phép.

Biện pháp quăng lưới trước đây đã được công an TP Thanh Hoá triển khai áp dụng rộng rãi
Biện pháp quăng lưới trước đây đã được công an TP Thanh Hoá triển khai áp dụng rộng rãi

 

Không thể nương tay trước cái xấu, cái ác

 

Cán cân tỉ lệ nghiêng theo hướng ngược lại so với trước đây như vậy có lẽ bởi đã có được thêm những thông tin cần thiết, thông qua trả lời phỏng vấn của Đại tá Lê Văn Nghiêm, Trưởng Công an thành phố Thanh Hoá với phóng viên Dân trí.

 

Nếu như trước đây biện pháp được gọi là “quăng lưới” này bị không ít người cho là “phản cảm” và e ngại có thể gây nguy hiểm như kiểu “chọc gậy bánh xe”, thậm chí có thể gây chết người... thì nay cách giải thích của Đại tá Nghiêm đã làm rõ hơn cách làm có vẻ thủ công nhưng xem ra lại phù hợp với tình hình thực tế của VN hiện nay:

 

 “Xin mọi người hãy bình tâm nhìn nhận sự tích cực của việc công an áp dụng những biện pháp quyết liệt chống phá tệ nạn đua xe. Em là sinh viên bên ở Mỹ - nơi dân có quyền kiện để phạt cảnh sát bất cứ lúc nào với những lý do gì dù nhỏ nhặt nhưng được pháp luận quy định. Ngược lại, cảnh sát cũng không hề nương tay, nhẹ tay... trước các hành động càn quấy của những người vi phạm.

 

Hơn nữa, từ bi như Phật mà Phật cũng không phản đối nguyên lý "sát nhất miêu, cứu vạn thử". Vậy tại sao những thanh niên vô công rồi nghề, đang ăn bám và ăn hại xã hội, ngày ngày đua xe, gây tai nạn, gieo rắc tang thương cho những người đi đường, trong đó phần lớn nạn nhân là những người lao động chính của cả một gia đình, làm loạn xã hội thì có người lại vẫn tỏ ra "thương" và e ngại? Vậy ai thương cho những nạn nhân của các đối tượng đua xe? Đó là những nỗi đau thương, mất mất tổn hại... có thể kéo dài với những nạn nhân bị tai ương do những kẻ đua xe gây nên. Vì vậy, cần ủng hộ sự kiên quyết bằng biện pháp quyết liệt và hữu hiệu nhằm loại trừ những tệ nạn như đua xe, cướp giật, trộm cướp...đang hoành hoành. Những tệ nạn đó đang gây tâm lý hoảng sợ, bất an cho người dân trên nhiều địa phương hiện nay. Chỉ bằng những đòn mạnh như vậy mới đánh được vào tâm lý những kẻ rắp tâm thủ ác. (Mong tòa soạn cho đăng ý kiến của em. Xin cảm ơn)” -  Vũ Lan Khánh:  lanvukhanh@gmail.com

 

“Tôi ủng hộ việc đó. Thực chất cơ chế hoạt động của "bùi nhùi" này chỉ làm cản trở vòng quay của xe đua và không giảm đột ngột (như kiểu chọc gậy bánh xe đâu), nên sẽ không gây tai nạn cho người đua. Nếu có làm ngã xe đi chăng nữa thì ở tốc độ thấp này (khoảng 30 - 40km/h) cũng chưa thể gây chết người…. Nhà nước đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục và thậm chí có chế tài xử phạt rồi, không chấp hành thì ráng chịu. Trước mắt chưa có biện pháp hữu hiệu khác thì dùng biện pháp này là hợp lý.

 

Tôi cũng muốn góp ý giải pháp khác, nhưng hiện ở nước ta chưa đồng bộ hóa việc quản lý tài chính bằng thẻ tài khoản nên chưa áp dụng ngay được. Nguyên lý của việc quản lý này là "oánh" vào tài chính. Nếu tất cả người dân có tài khoản thanh toán thì nếu có đua xe  trái phép, CSGT chỉ cần máy quét lazer thu hình các biển số xe đua và trừ tiền thật nặng, mọi đối tượng lập tức tự giác ngay. Chắc chắn sẽ có ý kiến phản ứng về việc này rằng: Xe không chính chủ thì sao???? Tôi xin nói: nếu quản lý như thế sẽ điều chỉnh luôn cả việc sang tên, đổi chủ khi bán xe. Nó cũng có tác dụng ngay cả với việc giám sát và nêu cao trách nhiệm giám sát của người cho mượn xe. Thay vì Công an phải đi giám sát việc này trong cả xã hội (rất vất vả và không hiệu quả), thì thông qua chế tài này sẽ chuyển việc giám sát về cho chủ phương tiện, ngăn cản ngay từ bước đầu việc cho mượn xe hay đua xe luôn. Rất hiệu quả !!!!! Mọi người có LIKE không nào????” - An:  hungant34@gmail.com

 

“Các bạn phản đối là chưa hiểu hết tác dụng của lưới (bùi nhùi) làm từ nhựa tổng hợp rồi. Sợi nhựa quấn vào bánh xe và lực xiết tăng dần, làm xe giảm tốc dần rồi đứng lại. Xe máy hết xăng còn bị khựng đột ngột, chứ bị vướng lưới thì không sao cả đâu, chỉ giống như rà phanh đến khi dừng hẳn. Lái xe vẫn chủ động thì làm sao té được? Làm sao so sánh việc quăng lưới với “chọc gậy bánh xe” được nhỉ?” - Duy Huy:  tdhuy63@yahoo.com

 

“Quăng lưới (bùi nhùi) cũng là một biện pháp như bao biện pháp khác. Lưới cũng là công cụ hỗ trợ, chẳng qua chưa từng làm nên thấy lạ. Biện pháp hiệu quả thì tại sao không áp dụng? Quái xế thấy sợ thì đừng lạng lách đánh võng, có ai bắt ép làm việc đó đâu?” - Nguyễn Bình:  kbinh2012@yahoo.com

 

“Theo tôi, đó cũng là một biện pháp tạm chấp nhận được. Ném bùi nhùi vào xe, xe sẽ không dừng ngay lại. Mà bùi nhùi sẽ quấn vào bánh xe có tác dụng như phanh xe, hãm dần tốc độ xe mà không thể "nhả phanh" để rồ ga bỏ chạy. Ném vào bánh xe sau thì nguy cơ gây nguy hiểm cho các đối tượng đua xe ít hơn. Mà các quái xế đua xe là loại tội phạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, mọi người hãy nghĩ đến cảnh những kẻ “điên” rú ga, nẹt pô, bốc đầu xe, lạng lách, đánh võng, lao vun vút trên đường, coi thường tính mạng bản thân và người đi đường. Loại này có ý thức gì không??? Loại này có đáng bắt giam, cho đi cải tạo không??? Có nên tịch thu xe không??? Phải làm mạnh tay hơn nữa!!! Tôi ủng hộ Công an Thanh Hóa” -  Tien Dung:  vangtrangkiuc@yahoo.com
 
Một phương tiện vi phạm bị bắt giữ bằng phương pháp quăng lưới mới đây (ảnh: Duy Tuyên)
Một phương tiện vi phạm bị bắt giữ bằng phương pháp quăng lưới mới đây (ảnh: Duy Tuyên)

 

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

 

Vấn đề nào cũng có những khía cạnh khác nhau, có thể tốt ở mặt này mà chưa thể hay ở mặt khác. Song như nhiều người đã nhận xét, ở VN có nhiều nét “đặc thù riêng” nhất là về cơ sở hạ tầng còn chật hẹp, lượng người và xe tham gia giao thông rất đông, nên rất có thể những biện pháp hiện đại và khoa học hơn ở các nước vẫn dùng thì khi áp dụng vào VN sẽ kém hiệu quả. Bởi thế, có lẽ trên mặt trận đầy cam go chống tệ nạn ở nước ta hôm nay, khía cạnh cần được chú trọng hơn là hiệu quả (nội dung) so với cách thức thực thi (hình thức).

     

“Biện pháp nào thì cũng có cái hay và cái dở của nó, không có cái nào hoàn mỹ cả. Nếu ai chê việc bắt tội phạm đua xe bằng lưới, thì hãy đưa ra biện pháp khác tốt hơn để có chế tài đi. Tôi rất ủng hộ biện pháp này của Công an Thanh Hoá. Hoan hô sáng kiến của CA Thanh Hoá. Đối với tội phạm đưa xe, nếu không có biện pháp mạnh để trừng trị và răn đe thì sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dân” - Minh Son:  sonnm79@yahoo.com.vn

 

“Tôi rất đồng tinh với cách làm của CA.TP. Thanh Hóa và cũng thấy có nhiều ý kiến  tương tự của các bạn đọc của Dân trí. Chúng ta cần xem nhóm đua xe và tổ chức đua xe (hay cả các đối tượng cổ vũ cho tệ nạn này) như tội phạm gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông chân chính. Đã có nhiều người dân vô tội bị bọn chúng làm vạ lây. Cần phải kiên quyết hơn nữa để trừng trị các nhóm "dư cơm rửng mỡ" này! Những ý kiến phản ứng, tôi nghĩ chỉ thể hiện cách thức đấu tranh với cái xấu của họ vẫn là “trên bàn giấy” và “nửa vời" mà thôi. Nhất định sẽ không mang lại hiệu quả để có thể chấm dứt tệ nạn nhức nhối này. Luật pháp phải kiên quyết và nghiêm minh để chặn  đứng các hành vi bất hảo, gây thương tổn cho bao người dân lương thiện” - Trần Nhật Quang (P1, Q11, TP.HCM):  trannhtquang1972@yahoo.com

 

“Chúng ta đã tuyên truyền, giáo dục nhiều rồi nhưng đua xe, đánh võng, lạng lách đâu có giảm. Do vậy phải có những biện pháp mạnh mới mong triệt tiêu được hiện tượng này. Khi thực hiện công việc, mục tiêu đầu tiên phải là hiệu quả. Biện pháp nào mang lại hiệu quả nhất cần được áp dụng. Những ai phê bình biện pháp của CA Thanh Hóa thì xin mời đưa ra biện pháp khác hữu hiệu và "đẹp" hơn đi! Tôi ủng hộ việc làm của CA Thanh Hóa và mong các nơi khác nên học tập” - Nguyễn Đức Toàn:  tstoan10@gmail.com

 

“Nếu các bạn phản đối có cách khác hay hơn thì nêu ra thử xem. Tôi thấy chẳng có gì là kỳ cục, mà đúng là một sáng tạo mới. Chắc các bạn đó chưa gặp cảnh quái xế đua xe bao giờ nên mới nói thế. Lúc gặp các quái xế đua, dừng và bắt bằng cách nào? Rượt thì không kịp, bắn thì nguy hiểm, chúng chạy thì dân lành bị tai nạn. Quăng lưới là cách hay nhất để dừng 1 chiếc xe lại 1 cách từ từ” - Minh Nhật:  thaiduyquy@gmail.com

 

“Ủng hộ Công an Thanh Hóa. Nếu không quăng lưới mà lên xe máy chạy lòng vòng đuổi theo bọn đua xe không những gây nguy hiểm cho chính các chiến sỹ công an, mà còn có thể gây tai nạn cho những người dân vô tội. Hơn nữa khi cuốn bùi nhùi vào bánh xe thì không gây dừng xe ngay, mà khi bùi nhùi dính chặt vào trục xe thì xe mới dừng hẳn. Đây có lẽ là biện pháp hữu hiệu nhất…” - Thang:  ktchvnh@gmail.com

 

“Tôi ủng hộ Công an Thanh Hóa dùng biện pháp này để ngăn chặn những kẻ phạm luật có thể gây nguy hại cho người khác. Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến những đối tượng vi phạm luật giao thông "qua mặt "  CSGT còn quay lại giễu cợt, trêu ngươi. Bất luận thế nào thì họ cũng là những người vi phạm luật và có thể gây hại cho xã hội. Để bắt người phạm luật thì hình thức nào cũng tốt, có điều đừng để ảnh hưởng đến những người vô tội. Nếu có thể, hình thức này nên nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Có điều nên nghiên cứu để chế tạo dụng cụ bùi nhùi này cho chính quy, hợp lý và đồng bộ để chuyên dùng cho CSGT” - Chu Phúc:  chu.phuc@gmail.com

 

Tranh luận vẫn còn chưa có hồi kết, nhưng xem ra cách làm của Thanh Hóa vẫn đang chứng minh hiệu quả. Nếu điều đó tiếp tục được khẳng định và những cảnh báo về khả năng có thể xảy ra hệ lụy xấu, về chuyện có thể lạm dụng quyền lực... không xảy ra thì Còn Gì Bằng. Và dân gian ta chẳng có câu: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn đó sao... 

Khánh Tùng