Chen lấn để dâng sao giải hạn: Có giải được hạn?

Mấy ngày qua, tại TPHCM và Hà Nội, rất đông người dân chen chân đến các ngôi chùa để hành lễ dâng sao giải hạn đầu năm mới. Vấn đề này đã tạo nên những ý kiến trái chiều. Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói gì về cúng sao giải hạn và người cúng có giải được hạn không?

11.-Dang-Sao-Giai-Ha.jpg

Chen nhau cúng sao giải hạn tại một ngôi chùa ở Hà Nội.

Cúng sao giải hạn có từ bao giờ?

Cúng sao giải hạn đã thành một cái lệ tín ngưỡng phổ biến với nhiều người dân tại nhiều chùa trong Nam ngoài Bắc vào dịp đầu xuân. 

Vào các ngày 8, 10 và 15 tháng giêng hàng năm, nhiều người dân tìm đến các ngôi chùa để làm lễ dâng sao giải hạn. Mặc dù việc cúng sao giải hạn không được thừa nhận trong giáo lý Phật giáo, đi ngược với giáo lý về luật nhân- quả, song nhiều người vẫn tin là cúng sao thì sẽ giải được hạn.

Chen lấn để dâng sao giải hạn: Có giải được hạn? - 1
Chiều 14.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, Hòa thượng (HT) Thích Huệ Thông - Phó Tổng thư ký (TTK) Hội đồng Trị sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết, việc cúng sao giải hạn không phải là văn hóa của Phật giáo.

Theo HT Thích Huệ Thông, đây là một tín ngưỡng dân gian có từ trước thời điểm đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Khi đó, con người cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên, những thiên tai và bệnh tràn ngập đến con người. Trong lúc tuyệt vọng thì nghĩ đến các vị thần, các sao hạn để cúng với hy vọng được giải hạn.

"Đạo Phật chủ trương con người là chủ nhân quyết định vận mệnh của chính mình. Không ai làm cho chúng ta thanh tịnh, không ai giải hạn được cho mình, mà chính mình ta là người giải thoát cho chúng ta. Vì vậy, việc đi cúng sao giải hạn không có nghĩa là ta sẽ được giải hạn" - HT Thông nói.

Cũng theo HT Thích Huệ Thông, vấn đề ảnh hưởng đến số phận con người là do chính người đó tạo nên. Ở đây có khía cạnh nhân - quả, chúng ta sống như thế nào thì có kết cục tương ứng. 

"Việc cúng sao giải hạn là tín ngưỡng, để người dân tránh rơi vào mê tín dị đoan, nhà chùa nên hướng người dân cúng cầu an đầu năm cho đúng với văn hóa của Phật giáo là không đốt vàng mã, không mê tín. Việc cúng này chủ yếu đem lại niềm tin và sự an lạc cho người dân. Việc cúng cầu an chủ yếu là đem lại cho gia chủ một niềm tin, một sự an lạc trong năm, tránh mê tín dị đoan" - HT Thông nói.

Cúng sao nhưng không giải được hạn do mình gây ra

Chen lấn để dâng sao giải hạn: Có giải được hạn? - 2
Sáng 14.2, chia sẻ với PV Báo Lao Động, HT Thích Minh Thiện - Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An cho rằng, nhìn nhận việc dâng sao giải hạn thế nào cho đúng, không nên nghĩ rằng đi dâng cúng sao là có thể giải được hạn do mình gây ra.

"Mỗi chúng ta nên làm việc thiện, ứng xử tốt với những người xung quanh, sống có đạo đức, không làm việc ác thì đồng nghĩa với việc chính ta đã giải hạn cho ta. Ngược lại, một khi ta đã làm việc sai, việc ác thì việc cúng sao giải hạn cũng không giải được nghiệp do ta gây ra" - HT Minh Thiện nói.

Cũng theo HT Minh Thiện, Đức Phật dạy người đệ tử Phật không nhìn sao trên trời để suy lường vận mệnh nên hư.

"Thực ra, sự bình an hạnh phúc phải do chính người đó tạo dựng, trên tinh thần mỗi người hãy thực hiện nếp sống tốt trong suy nghĩ, hành động mà Đức Phật dạy là bỏ việc ác, làm việc lành” - HT Minh Thiện khẳng định.

Chen lấn để dâng sao giải hạn: Có giải được hạn? - 3
Đồng quan điểm này, HT Thích Tấn Đạt - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Hoằng pháp GHPGVN cho rằng phật tử và người dân nên hiểu về quan điểm của nhà phật để tránh sa đà vào mê tín dị đoan.

"Quan điểm nhà Phật là mọi việc do ta tự quyết, không một ai hay thế lực nào có thể cứu ta và giải thoát cho ta. Chỉ có chính ta không gieo nghiệp xấu, chỉ làm những việc tốt và đem lại lợi ích cho xã hội thì mới cho ta sự giải thoát mà không có mâm cúng sao nào có thể đem lại được" - HT Thích Tấn Đạt nói.

Theo Huân Cao

Báo Lao động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm