“Chặt cây trên đất nhà mình” mà suýt phải ngồi tù.
(Dân trí) - Đây là vụ án đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân, bởi lẽ sự việc “bé tẹo” và rất thực tế (tỉa cây nhà hàng xóm khi chòi sang nhà mình) lại bị đưa vào vòng lao lý và có nguy cơ ngồi tù?
Ngày 26/05/2018, bà Lê Thị Gương (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương) thuê người cắt các nhánh cây sộp, cây sanh, cây me và cây Bằng Lăng của gia đình ông Nguyễn Chí Dũng (Trưởng phòng quản lí đô thị huyện Kiên Lương) khi các nhánh cây này chìa sang mái nhà của bà Gương. Trước hành vi đó, gia đình ông Dũng làm đơn tố giác tội phạm và yêu cầu xử lí hình sự. Sau thời gian điều tra, ngày 13/8/2018, cơ quan điều tra huyện Kiên Lương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Lê Thị Gương về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” của gia đình ông Nguyễn Chí Dũng.
Để biết được hành vi chặt nhánh cây của bà Gương có phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hay không, phóng viên đã tìm đến VPLS Trương Anh Tú để được giải đáp về sự việc trên.
Theo luật, đây là vụ việc có tính chất dân sự chứ không phải là một vụ án hình sự. Nếu gia đình ông Dũng cho rằng mình bị thiệt hại do hành vi chặt cây của bà Gương thì sẽ khởi kiện vụ án dân sự để được giải quyết liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại. Việc cơ quan chức năng huyện Kiên Lương hình sự hóa vụ việc là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, dưới góc độ pháp luật, bà Gương đáng lẽ phải là người được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thay vì trở thành “bị can” như hiện nay. Pháp luật dân sự đã quy định: “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 176 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: “Chủ sở hữu bất động sản chỉ được trồng cây trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình”. Như vậy, gia đình ông Dũng chỉ được trồng cây trên đất thuộc quyền sử dụng của mình, khi các rễ cây, cành cây, nhánh cây của gia đình ông Dũng vượt quá ranh giới phần đất của mình thì phải có trách nhiệm xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sử dụng đất liền kề (bà Gương).
Mặt khác, tại điều 177 Bộ luật dân sự 2015 cũng ghi nhận: “Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường”. Thực tế, các nhánh cây gia đình ông Dũng đã chìa hết sang phần mái nhà của bà Gương nhưng phía gia đình ông Dũng đã không tự nguyện cắt bỏ để đảm bảo an toàn và lợi ích hợp pháp cho bà Gương là không đúng theo quy định. Xét thấy, các nhánh cây chìa sang mái nhà là rất nguy hiểm. Khi trời giông bão, mưa gió rất có thể cây sẽ gẫy và rơi xuống nhà bà Gương, nhẹ thì thiệt hại về vật chất, nặng thì có thể gây ra án mạng nếu lúc cây đổ xuống mà trong nhà có người. Để đảm bảo an toàn cho gia đình, bà Gương đã thuê người tỉa bớt những cành cây chòi sang mái nhà. Đây là hành động hết sức thực tế và hợp lí, không những đảm bảo an toàn cho bản thân mình, còn phòng tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra mà gia đình ông Dũng phải gánh chịu. Có chăng, việc bà Gương sai ở đây là không trình báo với cơ quan nhà nước để thực hiện việc chặt cây, phá dỡ mà thuê người tỉa cành. Dẫu sao, với hiểu biết pháp luật hạn chế của người dân, hành vi tự ý thuê người tỉa cành vượt sang đất nhà mình cũng không phải là nghiêm trọng và phải xử lí.
Bản chất vụ việc là quan hệ dân sự, nhưng đã hình sự hóa là không có căn cứ. Từ người “được pháp luật bảo vệ” trở thành “bị can” như trong quá trình làm việc của cơ quan chức năng huyện Kiên Lương là cần phải xem xét, nhằm đảm bảo công bằng trong xã hội và xét xử đúng người đúng tội.
LS Trương Anh Tú