Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”!

Tại phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, chỉ ra tình trạng trên Trung ương hành động quyết liệt, trong khi đó địa phương cơ sở chậm chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, nhất là cuộc đấu tranh PCTN nhũng hiện nay.


Ảnh minh họa. Nguồn: Dantri.com.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: Dantri.com.vn

Trên “nóng”

“Nóng” ở đây chỉ tinh thần cách mạng nhiệt tình, sục sôi của những tổ chức và cá nhân dám chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì nước, vì dân. Luôn có hành động đúng, trúng thể hiện bản lĩnh, sự quyết liệt, dũng cảm trước khó khăn; lời nói đi đôi với việc làm. Kiên quyết đấu tranh, phê và tự phê, chống lợi ích nhóm, chống những biểu hiện suy thoái, tham nhũng. Với tinh thần trên “nóng” chính là sự ra đời và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng ta trong đấu tranh PCTN. Có thể thấy đây là quyết định đúng đắn, sáng suốt, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng và nhân dân ta.

Hoạt động quyết liệt, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thể hiện tinh thần “nóng”, khi “lò” đã nóng lên rồi “củi tươi, củi khô đều cháy”, củi khô cháy trước… Kết quả là, trong 5 năm qua đã đưa 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn (10 bị cáo với 11 án tử hình, 19 bị cáo với 20 án tù chung thân, 459 bị cáo tù có thời hạn từ 12 tháng đến 30 năm,...). Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 31%; việc kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 35 ngàn tỷ đồng. Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, và nhiều vụ, việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Đây là điểm sáng trong cuộc đấu tranh PCTN, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong cuộc đấu tranh PCTN vừa qua, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Nhiều vụ án lớn, phức tạp đã được đưa ra xét xử.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 01 đồng chí Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng; các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm để phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.

Với những kết quả đó cho thấy tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng không có “vùng cấm” không có “ngoại lệ” và bất kể người đó là ai, làm cho “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực dần lộ diện nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Dưới “lạnh”

“Lạnh” ở đây được hiểu là phai nhạt lý tưởng cách mạng, tinh thần, ý chí chiến đấu của người cách mạng đã giảm sút, thờ ơ vô cảm trước những biểu hiện tiêu cực, sai trái, suy thoái về đạo đức, lối sống, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Tình trạng cán bộ có chức, có quyền nói nhiều, làm ít, nói hay, làm dở, nói một đằng, làm một nẻo, mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm…

Do đó, theo cách nói của Tổng Bí thư về vấn đề “trên nóng, dưới lạnh” là biểu hiện Trung ương thì “sôi sùng sục”, làm cho lò “nóng lên để củi tươi cho vào cũng cháy”, chỉ đạo sát sao, tích cực, quyết liệt và có hiệu quả. Các vụ án lớn do Ban chỉ đạo Trung ương PCTN trực tiếp chỉ đạo thì tiến độ được đẩy nhanh, hiệu quả cao, đã củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó tình trạng chậm chuyển biến, chưa triển khai, thờ ơ, không quyết liệt, kém hiệu quả ở các cấp các ngành địa phương, đơn vị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTN. Các vụ án ở các địa phương tiến độ còn chậm, thiếu quyết liệt. Nhiều vụ, việc nổi cộm gây bức xúc nhưng tiến độ giải quyết chậm, không làm quyết liệt.

Trong xử lý cán bộ chưa đủ sức răn đe, còn nương nhẹ, phê bình rút kinh nghiệm nội bộ gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ là người nhà, người thân, thiếu tiêu chuẩn vẫn diễn ra làm cho nhân dân mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Công tác tự kiểm tra còn yếu, phê bình và tự phê bình còn nể nang, né tránh, thờ ơ, vô cảm trước những bất công, tiêu cực của cán bộ, đảng viên,... Chính vì vậy, một số vụ việc Trung ương phải chỉ đạo, đôn đốc thì mới làm, thậm chí phải thanh tra, kiểm tra lại và trực tiếp xử lý với mức kỷ luật cao hơn so với mức đề xuất của cơ sở.

Tình trạng “dưới lạnh”, là sự chuyển biến chưa toàn diện, chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh hiện nay. Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt đổi mới, cải cách và nhiều lần truyền lửa “khát vọng” vì dân, vì nước cho cán bộ các cấp dưới quyền, nhiều lần đưa ra thông điệp quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo… nhưng xem ra ở dưới vẫn “lạnh”; tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, “trên bảo dưới không nghe” vẫn diễn ra. Những việc đơn giản cấp cơ sở có thể giải quyết được nhưng đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến khiếu kiện lên Trung ương. Nhiều vụ việc Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp xử lý. Dư luận xã hội và nhân dân bức xúc, kêu ca, phàn nàn, bất bình, khiếu kiện nhiều do cán bộ, đảng viên quan liêu, cửa quyền, độc đoán coi mình có chức, có quyền muốn làm gì cũng được, thờ ơ trước nỗi khổ của người dân.

Nói về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã khái quát như sau: Tình trạng cấp trên “đốt lửa to”, nhưng cấp dưới chậm đốt lửa hoặc đốt lửa nhỏ, trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Cùng quan điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải cho rằng cần phải thực hiện mạnh hơn, quyết liệt hơn chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát. “Vừa rồi Trung ương làm rất mạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở Uỷ ban Kiểm tra Trung ương còn dưới chưa mạnh lắm, các địa phương tới đây phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra”, đồng chí Bùi Văn Hải đề nghị.

Trị bệnh “trên nóng dưới lạnh”

Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Học viện Hành chính quốc gia: “trên nóng dưới lạnh”, chính là “căn bệnh” của hệ thống chính trị hiện nay cần phải chữa trị. “Căn bệnh” này đã và đang gây nhiều tác hại, là rào cản làm chậm bước tiến sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, thậm chí có thể vô hiệu hóa mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nếu như không được chú ý quan tâm đúng mức, không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Do đó, để trị “bệnh này có hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để chỉ ra đích danh, đúng địa chỉ, nhất là bộ phận “dưới lạnh”. Trên cơ sở đó xây dựng các thiết chế tổ chức, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nói chung, giám sát quyền lực nói riêng hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, phát huy tác dụng của “thanh bảo kiếm” - Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp, giờ đây đang được gia tăng quyền hạn và tăng cường năng lực. Kiểm tra các cấp, (có thể kiểm tra một số đơn vị trực thuộc tỉnh như huyện, qua đó rút kinh nghiệm chung trong toàn Đảng để triển khai diện rộng) đây là nhiệm vụ mới của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang được cho là một trong những giải pháp lấp đầy những khoảng trống trong xử lý các vụ việc nổi cộm, sai phạm hiện nay tại địa phương và đơn vị cấp dưới.

Đồng thời phải thực sự dựa vào dân, có cơ chế phù hợp phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc kiểm tra, giám sát xây dựng Đảng, chính quyền, khi đó, người dân sẽ cho địa chỉ những người còn “lạnh” trong bộ máy Đảng, và Nhà nước. Xử lý nghiêm và kiên quyết những tổ chức và cán bộ, công chức vẫn còn “lạnh”, giữ nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước./.

Theo Nguyễn Minh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam