Từ vụ việc Tranh cãi tác quyền đêm nhạc Khánh Ly:

Cấp phép “thả gà”, nhạc sĩ đi đuổi

Đêm nhạc của ca sĩ Khánh Ly ngày 8.8 tại Đà Nẵng (ảnh), nhạc sĩ Phó Đức Phương bay vào tận nơi để đòi tiền tác quyền, tranh cãi đã nổ ra... Từ câu chuyện buồn về văn hóa này mới thấy, chung quy cũng tại chuyện “thả gà ra đuổi” từ khâu cấp phép...

(ảnh: Khánh Hiền)
(ảnh: Khánh Hiền)

 

Ca nợ khó đòi 
 

Đêm diễn đầu tiên của ca sĩ Khánh Ly vào ngày 2.8 tại Hà Nội, vụ việc tranh cãi về tác quyền đã xảy ra, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) suýt phải tính đến nước cùng là lên sân khấu để tố ban tổ chức chương trình không trả tiền tác quyền.

 

Tuy nhiên việc này đã không xảy ra vì trước giờ diễn, phía nhà tổ chức và VCPMCV đã thỏa thuận bằng một văn bản, nói chung là sẽ trả sau. Những người yêu mến ca sĩ Khánh Ly thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng bé cái nhầm, hóa ra đó chỉ là kế hoãn binh mà thôi, sau đêm diễn, chẳng có đồng xu tác quyền nào được trả.

 

Vì thế mà nhạc sĩ họ Phó, cực chẳng đã phải vào tận Đà Nẵng để tiếp tục đòi tác quyền của đêm nhạc thứ 2 diễn ra tối 8.8. Tuy nhiên, tại đây, lại có một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa nhà tổ chức và đại diện VCPMC, kết quả nhà tổ chức cho bảo vệ “mời” nhạc sĩ ra khỏi phòng.

 

Nhà tổ chức yêu cầu phải có giấy ủy quyền của toàn bộ 5 người em nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, VCPMC đã có được chữ ký của 4 người, nhưng nhà tổ chức vẫn không đồng ý. VCPMC thì cho rằng mình bị “chơi khó” vì bị đòi thêm một giấy ủy quyền trong thời gian quá ngắn, không kịp chuẩn bị.

 

Cũng nhân sự kiện ầm ĩ này, nhạc sĩ Phú Quang- một nhà sản xuất âm nhạc khác cũng lên tiếng “tố” cách thu chi của VCPMC, thu tác quyền một bài hát trong chương trình ông làm bầu sô tới 4 triệu đồng, nhưng chỉ trả cho ông có 170.000 đồng/bài tiền tác quyền. Thông tin này càng khiến cho một số người vốn không hào hứng với chuyện nộp tiền tác quyền dựa vào để đưa đẩy câu chuyện vốn đã phức tạp lại càng thêm rắc rối.

 

Ngày 9.8, trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN về chuyện lời tố cáo của nhạc sĩ Phú Quang có thật hay không, đại diện VCPMC cho biết: “Ở đây có sự cố ý “mập mờ” trong cách cung cấp thông tin về 2 con số 4 triệu đồng và 170.000 đồng này.

 

Số tiền 4 triệu kia là tiền tác quyền bài hát (của Trịnh Công Sơn mà ông Quang sử dụng) được tính theo quy mô kinh doanh của đêm diễn. Quy mô đó bao hàm: Số vé bán ra, bình quân giá vé cao thì con số 4 triệu đồng/ca khúc là đúng.

 

Còn 170.000 đồng/bài mà ông Phú Quang nhận về là tiền bản quyền của Phú Quang do ông bầu khác sử dụng trong một chương trình khác, có quy mô nhỏ: Số ghế ít, giá vé bình quân thấp thì số tiền chúng tôi thu gần 400.000 đồng/ bài.

 

Sau khi trừ chi phí: 20% hành chính phí, 5% thuế, 30% cho tác giả thơ thì còn lại 170.000 đồng. Giải thích mãi với ông Phú Quang như vậy rồi, nhưng ông ấy có lẽ không muốn hiểu. Những show ông Phú Quang tự tổ chức có tác phẩm của ông ấy, ông ấy không bao giờ đem tiền nộp cho VCPMC đâu, mặc dù ông ấy đã ủy thác quyền cho VCPMC”.

 

Thả gà ra đuổi

 

Câu chuyện ai là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các tác giả âm nhạc vẫn kéo dài từ năm này sang năm khác, từ chương trình này sang chương trình khác, làm tốn giấy mực và mất thời gian của dư luận cũng chung quy tại một điều: Trình tự cấp phép biểu diễn của các cơ quan quản lý văn hóa đã gây nên chuyện “thả gà ra đuổi”.

 

Từ nhiều năm nay, các nhà tổ chức cứ đến xin phép, cơ quan cấp phép cứ cấp, bất cần biết họ đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền hay chưa, và phía VCMPC- nơi nhận được sự ủy quyền của hơn 3.000 nhạc sĩ toàn quốc thì cứ cắm đầu chạy theo “gà” mà đuổi.

 

Chỉ có vài người thắc mắc trong 3.000 người, có nghĩa là số tin tưởng vào sự công tâm của VCPMC là rất lớn, nên có lẽ việc đi đòi tiền của nhạc sĩ Phó Đức Phương là chuyện cực chẳng đã.

 

Chẳng hay ho gì chuyện một nhạc sĩ danh tiếng phải khoa chân múa tay, tranh cãi kịch liệt với nhà tổ chức để đòi tác quyền, nhưng nếu ông không hoàn thành nhiệm vụ với các khách hàng đã ký hợp đồng, cũng là những đồng nghiệp của mình, họ sẽ có quyền chỉ trích ông.

 

Với 2 đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly vào ngày 2 và 8.8, giá vé bình quân là 2.400.000đ/vé nhân với 40% của 3.500 vé bán ra nhân với 5% tiền bản quyền tác giả thì số tiền tác quyền một tác phẩm có thể lên tới cả chục triệu đồng. Dĩ nhiên không phải tác giả nào cũng có thể có một con số lớn thế này. Theo tìm hiểu của chúng tôi số tác giả được nhận với số tiền trên 100 triệu đồng/người hàng quý chỉ khoảng 10 người.

Lời rêu rao “nhạc sĩ Phó Đức Phương ăn tiền trên mồ hôi công sức của các nhạc sĩ khi thu được nhiều tiền nhưng chi trả tùy hứng, bớt xén, thiếu minh bạch” là một thông tin ác ý và thiếu căn cứ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhạc sĩ được hưởng 80% số tiền tác quyền thu được, 20% còn lại là dành cho phí hành chính đúng theo quy định của các tổ chức bản quyền thế giới. Tất cả mọi khoản chi trả cho các nhạc sĩ đều được công bố chi tiết, công khai, có sự kiểm soát của kiểm toán nhà nước.

 

Ở hoàn cảnh ý thức chấp hành pháp luật của xã hội chưa thực sự cao và nghiêm chỉnh như hiện nay, Bộ VHTTDL và các sở VHTTDL các địa phương- nơi được quyền cấp phép thường lấy lý do “tác quyền giữa các tác giả và nhà tổ chức là thỏa thuận dân sự, có vướng mắc thì ra tòa giải quyết” chỉ thể hiện một tinh thần rõ nhất là họ đang vô tư “thả gà” ra cho nhạc sĩ đi đuổi.

 

Chừng nào còn chưa có sự chuyển biến trong nhận thức và thay đổi cách thức làm việc của cơ quan quản lý văn hóa và các nhà tổ chức chương trình, cũng như chưa có sự kiểm tra chặt chẽ việc thực thi tác quyền từ khâu cấp phép thì những vụ việc đáng buồn thế này còn kéo dài, còn lặp lại.
 

Theo Lê Tâm

Dân Việt