Cần truy trách nhiệm chính quyền địa phương về những “dự án ma”

(Dân trí) - Về những vụ án lừa đảo từ “dự án ma”, ĐB Đinh Duy Vượt  nêu câu hỏi: nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tại cơ chế, kẽ hở của luật pháp, sự lỏng lẻo quản lý, hay do đường dây băng nhóm, bảo kê, cổ phần móc nối chia chác?

Cần truy trách nhiệm chính quyền địa phương về những “dự án ma” - 1

ĐB Đinh Duy Vượt: Phải chăng nạn bảo kê, cộng sinh tạo ra môi trường tù mù, bùng nhùng để băng nhóm hoạt động? (Ảnh Ngọc Thắng, báo Thanh Niên)

 Tại buổi thảo luận tại Quốc hội về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSND TC năm 2019, Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt bày tỏ lo ngại về tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng xảy ra ở nhiều nơi, điển hình là Công ty địa ốc Alibaba (Cty Alibaba), khiến hàng nghìn người bị hại, hàng nghìn tỉ đồng thiệt hại khó có khả năng khắc phục; Công ty Angel Lina vẽ 9 dự án ma lừa 258 tỉ đồng...

Cần truy trách nhiệm chính quyền địa phương về những “dự án ma” - 2

Lực lượng công an đã thu giữ được một lượng lớn tài liệu và tiền vàng khi khám xét công ty Alibaba

Những vụ lừa đảo kiểu này diễn biến ngày càng phức tạp, đồng thời cực kỳ gây bức xúc dư luận. Với những dạng vụ án này, nguyên nhân tất nhiên từ sự cả tin của nạn nhân cho đến “mồi câu” của bọn lừa đảo quá hấp dẫn, nhưng vấn đề cần làm rõ là, tại sao những vụ án kiểu đó có thể diễn ra trong thời gian dài và lặp đi, lặp lại như vậy?

Nhìn lại hai vụ án được ĐB Vượt nêu ra, chúng ta thấy rất rõ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã rất thiếu trách nhiệm. Với vụ án xảy ra ở Cty Alibaba, làm gì mà người mua chẳng tin khi Cty này hoàn thiện hẳn đường nhựa, xây hẳn tòa nhà rộng rãi để tiếp đón, trực tiếp bán nền cho khách ngay trong “dự án ma”. Đáng chú ý, đất đó vẫn là đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng làm nhà ở, chưa từng có dự nào ở đó. Chính quyền địa phương biết rất rõ như vậy nhưng tại sao vẫn để Alibaba ngang nhiên thi công và rao bán công khai như vậy? Thậm chí, khi chính quyền cưỡng chế, Cty Alibaba cho nhân viên mặc đồng phục chống đối công khai, ngang nhiên phá hủy máy móc của đoàn cưỡng chế và kéo đến trụ sở chính quyền đòi thả người chống thi hành công vụ!?

Với vụ lừa đảo thứ hai xảy ra ở Cty cổ phần đầu tư Angel Lina (Cty Angel Lina) mà ĐB Vượt đề cập đến cũng vừa mới được cơ quan điều tra khởi tố. Điều đáng nói là, nếu Cty Alibaba chỉ dám vẽ “dự án ma” trên mảnh đất mình đã mua hoặc được ủy quyền của chủ đất, thì Cty Angel Lina ngang nhiên lấy hẳn đất công, đất quy hoạch cây xanh, công trình công cộng làm “dự án ma” để phân lô bán nền, mời góp vốn. Băng nhóm này vẽ tới 9 chục “dự án ma”, sau khi lừa đảo được hàng trăm tỷ của các nan nhân là  chúng ... biến. Quá liều lĩnh. Đúng, không thể nói khác, chúng quá liều lĩnh.

Dù đối tượng chủ mưu là Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi) đã bị khởi tố, bị bắt, nhưng vấn đề đặt ra là, sao các đối tượng lừa đảo này có thể trắng trợn treo băng rôn quảng cáo công khai các “dự án ma” trăm phần trăm này trong thời gian dài? Phải chăng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng tin vào những lời quảng cáo của Cty Angel Lina rằng, đang làm hồ sơ chuyển đổi quy hoạch thành khu dân cư, cơ sở hạ tầng, xin phép tách thửa...? Chắc chắn là không. Chúng có thể lừa  dân, bởi các dự án, thậm chí cả quy hoạch người dân không biết xem ở đâu, nhưng với chính quyền địa phương thì khác, họ nắm rất chắc. Vậy tại sao chính quyền vẫn để các đối tượng lừa đảo công khai người dân?

Không chỉ ở TP HCM, ngay tại Hà Nội, cũng có nhiều nạn nhân bị dính vào các “dự án ma” kiểu như vậy. Điển hình nhất, trong vụ án Thanh Hà – Cenco5, có tới 400 nạn nhân bị lừa tới 800 tỉ đồng. Dù là “dự án ma” nhưng chính quyền địa phương luôn không biết, không ngờ, dù hậu quả là rất nghiêm trọng nhưng chẳng ai có trọng trách bị truy cứu trách nhiệm. Chuyện thật như đùa. Tuy nhiên, trong một số vụ việc sai phạm ít hơn, nhưng sự buông lỏng, bao che cho sai phạm của chính quyền lại rất rõ và để lại hậu quả nghiêm trọng không kém. Đó là, chính quyền đã làm ngơ cho chủ đầu tư xây dựng sai phép ở các chung cư, như xây vượt số tầng, không giật cấp theo thiết kế. Và với những người dân mua phải những căn hộ sai phép này không được cấp sổ đỏ, hoặc được cấp rồi lại bị thu hồi đang gây bức xúc dư luận thời gian qua. Họ là nạn nhân của chủ đầu tư, hậu quả khá nhiều khu đô thị, không ít chung cư chăng biểu ngữ đỏ rực để phản đối chủ đầu tư về nội dung này. Trong những vụ như vậy, mới đây công an mới khởi tố được một vụ án, nhưng cũng như nhiều vụ án liên quan đến bất động sản khác, những vị có trách nhiệm ở địa phương chưa bao giờ bị truy cứu trách nhiệm. Và những vụ việc này vẫn diễn ra rất  bình thường, dù rất trớ trêu, phi lý.

Do đó, dư luận hiểu vì sao ĐB Đinh Duy Vượt  nêu những câu hỏi khá bức xúc: nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tại cơ chế, kẽ hở của luật pháp, sự lỏng lẻo quản lý, hay do đường dây băng nhóm, bảo kê, cổ phần móc nối chia chác? Phải chăng nạn bảo kê, cộng sinh tạo ra môi trường tù mù, bùng nhùng để băng nhóm hoạt động?

Vương Hà