Cần thiết lập các thiết chế giám sát cộng đồng
Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Công tác lý luận Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014, trong đó, nổi cộm lên các chỉ số về tham nhũng, hối lộ khiến nhiều người không khỏi băn khoăn
Thủ tục một cửa tại Sở TNMT Hà Nội ( Ảnh: Kỳ Anh). Có đến 56% người được hỏi trả lời, họ không tố cáo tham nhũng vì cho rằng, tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì. Tỷ lệ người được hỏi đánh giá chính quyền cấp tỉnh có nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện ở địa phương hay không, thì có 1/4 người được hỏi cho rằng, chính quyền chưa nghiêm túc trong việc này. Tỷ lệ phần trăm quá bán “không tố cáo tham nhũng” ấy cho thấy điều gì? Khoan hãy bàn tới lòng tin, mà ở đây có lẽ một phần người dân cảm thấy tình trạng tham nhũng dường như "không hiếm” ở địa phương mình. Hẳn trong số họ cũng không ít người từng lên tiếng với cơ quan công quyền, nhưng kết quả giải quyết đã làm cho họ thất vọng. Cực chẳng đã mà tồn tại trong họ một tâm lý thờ ơ, cam chịu kiểu “sống chung với lũ”. Sự phản hồi khảo sát ý kiến ngẫu nhiên của người dân đang nói lên một thực trạng rất thực tế, đó là vấn nạn tham nhũng, rất báo động không chỉ riêng ở Việt Nam, mà nó còn là vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, ở góc độ hẹp, nó rất xứng đáng là bài học, là vấn đề đang đặt ra để nhiều cơ quan quản lý công quyền địa phương tự "soi gương" suy ngẫm về trách nhiệm "công bộc" của mình và đặt ra câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Còn bàn vấn đề tham nhũng vặt, nghe có vẻ ít độ nghiêm trọng, song hẳn gây nhiều nhiêu khê, phiền hà cho người dân trong mối quan hệ giữa các đơn vị hành chính, sự nghiệp, giữa các “công bộc” với người dân. Họ đã phải “tức cảnh nên lời” khi 49% người được hỏi cho rằng, phải hối lộ khi xin việc vào khu vực công; 43% phải đưa phong bì để được chú ý hơn khi khám bệnh; 33% cần "bôi trơn” khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 30% phải đưa phong bì cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn. Các chỉ số đo lường trên đáng tin cậy và khách quan, bởi đó là kết quả khảo sát qua cuộc điều tra cảm nhận của hơn 13.000 người dân một cách ngẫu nhiên ở tất cả các tỉnh, thành trong năm 2014 trên 6 lĩnh vực: Sự tham gia của người dân, minh bạch, giải trình, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công, được thực hiện bởi PAPI - một công cụ giám sát chính sách uy tín. Tuy nhiên, dư luận cũng có quyền nghi vấn rằng, với những chỉ số trên, có chăng chỉ đang phản ánh một phần "tảng băng chìm" của vấn đề trong các vấn đề. Còn thực trạng thực tế thế nào thì dư luận hoàn toàn có quyền hiểu theo những chỉ số riêng cảm tính của họ. Giả sử con số 49% người được hỏi cho rằng, phải hối lộ khi xin việc vào khu vực công đã thực sự đầy đủ chưa khi diễn biến của nó ngày càng phức tạp. Và những gì người dân “tai nghe, mắt thấy” cũng chỉ là phần “nổi” của vấn đề; hoặc chỉ số43% cho rằng, phải đưa phong bì để được chú ý hơn khi đi khám bệnh... Có lẽ để có chỉ số chính xác nhất về "vấn nạn" này, người của đơn vị khảo sát phải tổ chức "vi hành", đích thân “nhập vai” những bệnh nhân khi vào bệnh viện thăm khám bệnh thì mới có thể biết chỉ số thực sự trong những chỉ số. Xét trên nguyên lý “có cầu, ắt có cung” và công bằng mà nói, thì lỗi cũng do một bộ phận người dân đã vô tình tạo nên những tiền lệ xấu trên tại các địa phương. Bởi nếu tất cả đều khảng khái, tuân thủ các quy định, hành động theo lối "đường đường chính chính” thì lấy đâu ra "đất" cho tiêu cực trỗi dậy hoành hành. Như từ đầu khi vào bệnh viện, nếu tất cả mọi người dân cương quyết không đưa phong bì để nhận lấy những sự “ưu tiên” vặt vãnh thì làm gì có tiền lệ phong bì. Còn chỉ số 49% phải hối lộ khi xin việc vào khu vực công, vấn đề này có thể hiểu với suy nghĩ nôm na còn tồn tại trong không ít người rằng, muốn làm gì phải “đầu tư, bỏ vốn”, và họ cũng nôm na hóa việc đi xin việc như một cuộc làm ăn, buôn bán, và để có việc làm phải bỏ tiền, coi đó như một khoản “vốn” đầu tư ban đầu. Và cứ như vậy nó phát triển thành "vấn nạn", đến nỗi gần như cấm cửa với những nhân tài thực sự trong xã hội. Và với một xu thế “người khôn của khó” như hiện nay, người người đều khôn, đổ xô “đầu tư” dồn dập để xin một chỗ làm khu vực công đã để lại một hệ quả xấu không nhỏ cho xã hội. Nếu xoay trục và nhìn đa diện về một vấn đề, chúng ta sẽ thấy không ít trường hợp vừa là “nạn nhân” đồng thời cũng là “thủ phạm”. Vấn nạn mãi lộ cảnh sát giao thông một thời dậy sóng đã nói lên điều đó. Khi động cơ đưa tiền để không bị giữ xe khởi nguồn không ít từ hành động của người vi phạm và dần... nó cũng thành tiền lệ tha hóa người thực thi công vụ. Trở lại với việc công bố các chỉ số, đây là lần thứ 4 chương trình này được triển khai cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước, PAPI đã trở thành một công cụ giám sát chính sách đáng tin cậy, một cơ chế để người dân "chấm điểm" một cách khách quan chính quyền tỉnh, thành phố của họ và thể hiện mức độ hài lòng của mình với công việc của các cơ quan công quyền. Từ khi triển khai (2009) đến nay, đã có hàng chục nghìn người dân các tỉnh, thành Việt Nam được khảo sát ngẫu nhiên, chia sẻ ý kiến của họ về chính quyền địa phương. Đây là một dự án xã hội học uy tín lớn do tổ chức ngoài nhà nước đảm nhiệm. Việc dùng người dân “chấm điểm” cơ quan công quyền là một điểm mới thể hiện nhiều mặt tích cực trong cách đánh giá hiệu quả các cơ quan công quyền. Trong đó, tệ nạn tham nhũng, hối lộ cũng là một trong số những khuyến nghị đáng lo ngại từng được PAPI chỉ ra từ cách đây 4 năm (năm đầu triển khai). Tuy nhiên cho đến nay, dường như nó vẫn chưa được giải quyết mà tiếp tục… diễn biến phức tạp. Thực trạng trên cũng là hệ quả của việc không làm hết trách nhiệm, thiếu nghiêm túc trong giải quyết các vụ việc, đặc biệt là ở lĩnh vực tham nhũng, hối lộ của các địa phương, nên đã vô tình tạo ra những tiền lệ không mong muốn, ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan công quyền trong mắt dân chúng. Thiết nghĩ, từ kết quả khảo sát trên đang cho những hình ảnh phản ánh trung thực về các cơ quan công quyền địa phương, là căn cứ, động lực để chính quyền các địa phương có những chấn chỉnh cần thiết, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân thông qua cung ứng dịch vụ cơ bản và nâng cao chất lượng quản trị hành chính công. Bên cạnh đó, cần thiết lập các thiết chế giám sát ở cộng đồng, chính quyền cần tương tác tích cực hơn với người dân, áp dụng cách thức mới trong tiếp nhận và chủ động phúc đáp, giải quyết các đề xuất của người dân để cải thiện hình ảnh của cán bộ, chính quyền trong lòng dân chúng. Tuấn Nam (Theo báo điện tử Đang Cộng sàn Việt Nam) |