Cần suy ngẫm vì sao nhiều người vẫn phải bán hàng rong

(Dân trí) - Vụ đánh người bán hàng rong được coi là dẫu sao cũng đã có được 1 cái kết tương đối “có hậu”, dù UBND phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM “mời” (thay vì tới tận nhà) nạn nhân lên phường để xin lỗi và “hỗ trợ” (thay vì bồi thường) 7,8 triệu đồng???...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Bài học chung

 

Lời xin lỗi được đưa ra kể cũng hơi chậm, bởi đã tạo sóng to gió lớn trong dư luận suốt những ngày qua. Song nhìn nhận vụ việc từ cả hai phía, nhiều bạn đọc đưa ra những ý kiến phân tích khá khách quan và công bằng, trên cơ sở cân nhắc thấu đáo cả những cái ĐƯỢC và CHƯA ĐƯỢC qua sự việc không phải là cá biệt trong xã hội hiện nay này. Tuy thế, sự chua xót vẫn thấp thoáng đâu đó ngay cả trong những lời bình có lẽ là “ôn hòa” nhất:

 

“Thời buổi này biết nhận lỗi là tốt rồi, các bạn đừng trách móc nữa đi!” - Minh Tiến:  vpctien@gmail.com

 

 “Đây là một kết thúc sự việc có hậu. Cảm ơn những người làm báo, cảm ơn Dân trí đã "thổi cơn gió lành " vào nhà anh Tình (một kẻ khốn khó) khi năm hết tết đến. Đây cũng là là bài học cho cả những  người mưu sinh bằng nghề bán dạo và những  người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị”- Đường Hình:  Huong.dang62@yahoo.com.vn

 

“Sự việc đáng tiếc, giải quyết như thế cũng có thể nói là đàng hoàng. Mong rằng mọi người trong chúng ta ai nấy đều lấy tinh thần thượng tôn pháp luật để cư xử là chính” - Phan-Ba P.:  vietnamph@gmail.com

 

“Biết sai mà chịu sửa là tốt, nhưng cũng phải xem đây là 1 bài học để rút kinh nghiệm sau này. Đừng nghĩ mình có quyền thì muốn làm gì cũng được. Nếu làm đúng luật, xử lý đúng người đúng tội thì dân làm gì mà không phục” - Hien: hien.chau33@gmail.com

 

“Anh Tình một lần nữa chứng minh: Tôi chỉ là người dân nghèo muốn chí thú làm ăn, không hề muốn gây sóng to gió lớn. Mong rằng từ sự việc này, các cơ quan chức năng, các "quan chức" dù to hay bé, cũng nên rút kinh nghiệm: Dù không thực lòng thương dân thì cũng không được giày xéo họ. Phải tôn trọng nhân phẩm, quyền làm người của dân. Một đất nước còn nhiều người nghèo, nhiều người phải đi bán hàng rong kiếm sống thì những người có chức quyền nên suy ngẫm xem mình đã và sẽ làm gì ích nước, lợi dân mới phải” - Phan Nga:  phan_thuynga1960@yahoo.com

 

Cũng có cả những cảnh báo song song với lý giải từ chính thực tại cuộc sống hôm nay:

 

“Trong tương lai có lẽ hàng rong sẽ đầy đường, thành phố sẽ thu hút thêm người ở các tỉnh đến. Đường phố sẽ ùn tắc giao thông hơn, bẩn thỉu hơn, phức tạp hơn. Người bán hàng rong sẽ “ngang tàng” hơn, còn lực lượng chức năng sẽ nản…. Xã hội sẽ phải đánh đổi bao nhiêu để giải quyết công ăn việc làm cho những người bán hàng rong, để mua bán và tiêu thụ hàng giá rẻ?... Cũng là người nghèo, người lao động nhưng tôi không ủng hộ việc hàng rong tràn lan trên các đường phố chút nào. Đặc biệt tôi đã chứng kiến mức độ "lì lợm", "ăn vạ" của những người bán hàng rong trước lực lượng chức năng…” -  Du Nguyen: nguyenvanduhn@gmail.com

 

“Vì sao mà người dân phải đi bán hàng rong? Chính bản thân họ cũng đâu có muốn vi phạm pháp luật, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống mưu sinh thôi. Qua chuyện này, có lẽ chúng ta cũng lại phải đặt lại câu hỏi về chính sách an dân và lẽ nào các giới chức vì ngồi trên cao quá, không thấy chạnh lòng khi nhìn những cảnh tượng như thế này? Mà chính người dân đó đều cũng  đóng thuế để trả lương nuôi các cán bộ đấy” - Nhieu:  nhieudong@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Cách xử lý

 

Của cho không bằng cách cho. Nói nôm na là vậy, còn trong trường hợp này nói riêng và nhiều vụ việc khác nói chung, cách xử lý của nhiều cán bộ giới chức VN vẫn khiến dân chưa thể hài lòng. Từ cách tiếp thu phản ánh của dư luận, tới đưa ra lời xin lỗi và minh bạch trong việc đền bù tổn thất cho người bị hại… dân vẫn thấy cán bộ thích đi đường vòng thay vì đường thẳng...

 

“Đánh người, còng tay trái pháp luật là vi phạm quy định của cả bộ luật hình sự và hiến pháp về quyền con người. Đáng lý ra phải bị truy tố trách nhiệm hình sự để làm gương cho những người khác. Đâu chỉ có anh Tình hàng rong bị giật đồ và đánh đập, chẳng qua vụ anh Tình được báo chí phản ánh nên mới có chuyện xin lỗi và bồi thường. Cảm ơn báo chí đã ủng hộ công lý, ủng hộ dân nghèo. Mong hãy phát huy sức mạnh công luận hơn nữa” - Hoàng Thiên:  hosiba@gmail.com

 

“Chính quyền địa phương lúc đầu thẳng thừng chối rằng không có chuyện dân  phòng đánh dân (dù có bằng chứng hình ảnh), rồi giờ lại tiếp tục lẩn tránh bằng việc đặt tên cho số tiền còm kia là "hỗ trợ" chứ không phải "đền bù"? Dù sao người dân cũng thấy tác dụng của truyền thông trong việc bảo vệ người dân và những bước tiến tới một xã hội dân chủ” - Quang Anh:  qanh@yahoo.com

 

“Xử lý vẫn chưa ổn, chưa có tính công bằng. Cần phải có thêm cam kết của chính quyền nữa. Cam kết không sử dụng vũ lực với người dân. Đánh người rồi bảo người ta trúng gió, sau đó kêu lăn ra ngủ? Nản!” - Trần Khánh: trankhanhktv@gmail.com

 

“Xin hỏi các vị là số tiền 7,8 triệu đó để đền bù lấy từ đâu ra? Nếu của cán bộ thiếu trách nhiệm hay Chủ tịch Phường thì tốt, chứ còn lấy của dân thì các vị nên xem lại” - Nam Tran:  lao_hac85@yahoo.com

 

“… Tôi thấy hầu hết dân phòng ở TPHCM đều tỏ ra không biết lý lẽ như vậy, không bao giờ thấy họ bảo vệ người dân, chỉ biết đánh người thôi. Đó là kế sinh nhai của người lao động nghèo mà, sai thì nhắc nhở chứ sao lại đánh người? Dân phòng mà thế có khác gì côn đồ đâu?” - Khoa:  vietkhoa0512@gmail.com

 

“Người nào làm sai thì bắt bỏ tiền ra đền, chứ không phải cứ lấy tiền thuế của dân đóng cho việc làm sai của các cán bộ, giới chức chính quyền” - Khánh:  hnkhanhtl@gmail.com

 

“Phải tăng cường giáo dục cán bộ làm công tác dân phòng, giúp họ xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Anh Tình cũng phải cẩn thận hơn sau vụ này” - Võ Văn Nhân:  Nhanvan73@gmail.com

 

Tình trạng lạm dụng chức quyền hành dân vẫn còn nhiều trong xã hội, nên sợi dây kinh nghiệm được rút qua vụ này chỉ e lại phải… rút tiếp nếu nút thắt chính là loạt câu hỏi: Nên chăng để tồn tại lực lượng bị dân phản ứng nhiều hơn hẳn ngợi khen vẫn chưa được trả lời.

 

Khánh Tùng