Cần làm rõ những người có quyền lực cản trở hoạt động của cơ quan công quyền

Một đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: "Vì sao có những vụ việc sau khi kiểm toán xong thì công khai thông qua kênh báo chí, nhưng có những vụ việc chỉ kiểm toán nội bộ, không biết đúng sai như thế nào?”


Hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh (ảnh trái) và Văn Hữu Chiến bị khởi tố.

Hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh (ảnh trái) và Văn Hữu Chiến bị khởi tố.

Gần đây, nhân dân đồng tình và hoan nghênh nhiều vụ án khởi tố, truy tố một số đối tượng đứng đầu ngành, địa phương cho thấy không có vùng cấm với những sai phạm, không có khái niệm hạ cánh an toàn, nhưng đồng thời cũng băn khoăn khi thấy không ít sai phạm nghiêm trọng được xử lý quá chậm. Điển hình nhất mới đây là việc cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng.

Những sai phạm của hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng bước đầu được xác định liên quan đến việc bán trụ sở công và đất đai cho Phan Văn Anh Vũ (biệt danh Vũ “nhôm”). Khoan nói đến những sức ép từ băng nhóm của Vũ “nhôm” hoặc “lệnh” của ai đó, mà việc các cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng này bán các trụ sở công, bán đất không theo những thủ tục tối thiểu, bất chấp pháp luật là những sai phạm không thể chấp nhận.

Nhưng vì sao những sai phạm này nó có thể nối tiếp nhau liên tục, kéo dài nhiều năm qua hai đời chủ tịch TP và nó chỉ bị phanh phui khi hai ông này đã rời chức vụ? Thậm chí, nếu không có việc khởi tố Phan Văn Anh Vũ về tội làm lộ bí mật nhà nước, liệu vụ bán tài sản công của 2 cựu Chủ tịch này có bị lôi ra ánh sáng hay chưa.

Chẳng riêng gì Đà Nẵng, gần đây Thường vụ Thành Ủy TP HCM yêu cầu Cty TNHH Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 30 ha. Là doanh nghiệp thuộc Thành Ủy quản lý, nhưng họ đã tự ý bán không qua đấu giá mà bán chỉ định cho đối tác với giá bèo: 1,29 triệu đồng/m2.


Khu đất công hơn 32 ha được công ty TNHH một thành viên Tân Thuận bán chỉ định cho công ty Quốc Cường Gia Lai

Khu đất công hơn 32 ha được công ty TNHH một thành viên Tân Thuận bán chỉ định cho công ty Quốc Cường Gia Lai

Và cũng không chỉ ở Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh, ở một số thành phố lớn khác, những dấu hiệu bán các trụ sở công và đất công không theo pháp luật cũng lồ lộ không kém. Vấn đề là, khi nào thì bị các cơ quan chức năng lôi ra “ánh sáng” mà thôi.

Những vụ việc này cho thấy, những dấu hiệu lợi ích nhóm nổi lên rõ hơn bao giờ hết. Điều nghiêm trọng là, họ bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận.

Câu hỏi đặt ra: Liệu có không những ai đã “bật đèn xanh” và làm “ô dù” cho hành vi trái luật này không? Chắc chắn, rồi đây các cơ quan công quyền sẽ trả lời cho Đảng, Nhà nước và nhân dân câu hỏi hết sức nóng bỏng này.

Chính những vấn đề thời sự “nóng” nêu trên đã làm sôi nổi thêm những ý kiến tại Hội thảo rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 23-4 tại TP.HCM.

Tại hội thảo này, ông Lê Tấn Tới, đại biểu QH tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị khi sửa đổi Luật kiểm toán Nhà nước cần có quy định xử lý trách nhiệm cả với cá nhân dùng quyền lực cản trở hoạt động của kiểm toán, không cho kiểm toán nhà nước kiểm toán ở đơn vị nào đó dù đơn vị đó "có vấn đề".

Dư luận tin rằng, đại biểu QH Lê Tấn Tới nói như vậy, chắc chắn ông đã biết những cá nhân nào đó “cản trở hoạt động của kiểm toán”.

Thực tế, việc “cá nhân dùng quyền lực” can thiệp vào các hoạt động của các cơ quan chức năng cũng không hiếm và nó là một trong những nguyên nhân sâu xa của những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, kéo dài và không loại trừ vẫn còn không ít vụ đang chìm trong bóng tối.

Do đó, tại cuộc Hội thảo này, ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước, đặt vấn đề xem lại quy định về kiểm toán độc lập, việc này rất cần thiết khi giám sát giá trị tài sản nhà nước đặc biệt với các thương vụ cổ phần hóa để không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Cùng quan điểm này, ông Phan Văn Hòa, phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị cần tăng tính độc lập cho kiểm toán nhà nước.

Nhằm hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM - lưu ý, hiện nay tài sản công ẩn trong đất đai rất nhiều. Tiếp đó, ông Ngân kiến nghị khi lập dự toán, ra chủ trương đầu tư là phải có sự tham dự của kiểm toán, phải được luật hóa chứ thể chế hiện hành không tạo điều kiện để kiểm toán tham gia sâu vào vấn đề này.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, ĐB quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng tất cả những gì thuộc nhà nước thì thuộc đối tượng của kiểm toán nhà nước, từ tài sản công, đất công đến tài chính công.

Nhưng, mặt khác của vấn đề là việc minh bạch các thông tin luôn là vấn đề xã hội đòi hỏi, đặc biệt là các kiến nghị của Kiểm toán. Ông Phan Văn Hòa, đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, đặt câu hỏi: "Vì sao có những vụ việc sau khi kiểm toán xong thì công khai với báo chí nhưng có những vụ việc chỉ kiểm toán nội bộ, không biết đúng sai như thế nào?” Thậm chí ông Hòa còn cho biết, có những vụ việc mới chỉ bắt đầu bàn đã có những ý kiến là "không nên nói". Vậy, đâu là lý do khiến có vụ thì công khai, vụ khác lại không?

Và nếu những kết luận, kiến nghị dù đúng đến đâu chăng nữa, nhưng được cất vào “ngăn kéo”, thì chẳng những không có tác dụng, mà còn gây hoài nghi trong dư luận về những “ô dù”.

Vương Hà