Cần làm rõ đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng

Liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả của đối tượng Trịnh Sướng và đồng phạm, dư luận cho rằng còn nhiều điểm cần làm rõ; nhất là tác hại của hành vi này đối với thị trường, người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi để các đối tượng sản xuất, buôn bán xăng giả liên tục trong thời gian dài.

Cụ thể, ngày 6/6, Bộ Công an cho biết, vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả có quy mô đặc biệt lớn trên nhiều tỉnh, thành phố như Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng... với các phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi.

Lực lượng Công an đã bắt quả tang bốn nhóm đối tượng do Trịnh Sướng, Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Nguyễn Thị Thu Hòa cầm đầu đang có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả và thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 23 bị can, trong đó ra lệnh bắt 22 bị can để tạm giam và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú một bị can theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Tại cơ quan Công an, các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi pha trộn dung môi tạo thành xăng giả trong một thời gian dài, đã bán ra thị trường gần 19,5 triệu lít xăng giả, thu lời bất chính khoảng 135 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, cơ quan Công an đã  tạm giữ 3.264.281 lít dung dịch các loại, trong đó có 2.183.604 lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 432.474 lít dung môi chưa pha; 3 tàu thủy, 6 xe ôtô (xe bồn), 5 máy bơm, 50kg tạo màu và nhiều vật dụng liên quan… 

Nhìn nhận về tính chất mức độ hành vi phạm tội của đối tượng Trịnh Sướng và các đồng phạm, theo nhiều chuyên gia, hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả có những tác động lớn đến thị trường và người tiêu dùng. Ở đây, đã chế tạo xăng giả bằng cách pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để làm ra xăng E5 RON 92 và RON 95. Nếu xăng giả có chất gây hại cho động cơ thì sẽ làm hao mòn nhanh các chi tiết cơ khí, giảm công suất động cơ, ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và các hệ thống liên quan (hệ thống xử lý khí xả, các cảm biến của hệ thống nạp, xả). Mặt khác, các loại xăng giả thường có hàm lượng chì cao. Chì thải ra trong quá trình hoạt động của động cơ gây ô nhiễm không khí, độc hại với con người. Nếu người dùng đổ nhầm loại xăng này, xe sẽ không xử lý tốt khí xả, có thể có những hợp chất nguy hại hình thành trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, xả ra môi trường. Điều này càng nguy hại cho những người đỗ xe trong nhà, khí thải độc hại có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cả gia đình.

Việc sử dụng nhiên liệu giả, nhiên liệu bẩn sẽ khiến động cơ giảm tuổi thọ, xe thường gặp hiện tượng khó đề và chết máy khi đang chạy, khả năng gây cháy nổ cao. Các bộ phận của xe bị ảnh hưởng trực tiếp do xăng bẩn là hệ thống bơm xăng, các cảm biến của động cơ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho bộ điều khiển trung tâm ECU của xe, dẫn đến lỗi bơm nhiên liệu, lỗi động cơ. Liên quan đến những tác hại này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: “Làm giả xăng dầu là rất nguy hiểm. Từ trước tới nay có hiện tượng vẫn làm nhiều người thắc mắc là tại sao xe máy, ô tô đang đi trên đường thì bốc cháy, rồi máy móc động cơ hỏng? Qua vụ này, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm được nhiều vấn đề khác”.

Cần làm rõ đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng - 1
 
Dung môi, nguyên liệu các đối tượng dùng pha chế, sản xuất xăng giả. (Ảnh: QĐ)

Tiếp cận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với việc sản xuất, mua bán xăng giả, Trịnh Sướng và những người liên quan có thể bị xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm…

Bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu hành vi có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn…

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp này thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu đồng trở lên; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500 triệu đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên…

Cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 tỉ đồng đến 6 tỉ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6 tỉ đồng đến 9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm…

Cần làm rõ đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng - 2
 
Cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông khám xét các địa điểm sản xuất xăng giả (Ảnh: Minh Lộc)

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Luật sư Phạm Phúc Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, hành vi của đối tượng Trịnh Sướng và các đồng phạm đã vi phạm nghiêm trọng quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu, là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, Điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định chế tài xử lý đối với hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây: Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng… Vì thế, cơ quan chức năng cần điều tra và ử lý đúng tính chất, mức độ của vụ việc để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Ở góc nhìn khác, dư luận cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của  cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với việc để ra xảy ra tình trạng sản xuất, mua bán xăng giả trong suốt thời gian dài. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 1/1/2017 đến khi bị bắt, trung bình mỗi tháng các đối tượng đã đưa ra thị thường trên 6 triệu lít xăng giả, tương đương 174 triệu lít trong hơn 2 năm, thu lại bất chính hàng trăm tỉ đồng. Xăng giả sau đó được phân phối đến nhiều tỉnh, thành phố như: Đắk Nông, Đắk Lắk, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Nghệ An.

Tìm hiểu được biết, năm 2015, đối tượng Trịnh Sướng đã có liên quan đến vụ mua bán sai quy định lô xăng 2 triệu lít, trị giá khoảng 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng PC46 chỉ đề xuất giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng xử phạt hành chính 50 triệu đồng, trả lại toàn bộ giấy tờ liên quan và xăng cho doanh nghiệp, khiến dư luận bức xúc. Sau đó không lâu, lực lượng cảnh sát biển lại phát hiện tàu của đối tượng Trịnh Sướng chở 200.000 lít xăng trái phép./.

Theo Quang Đạo

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm