Cần làm gì để "hạ nhiệt" giá thịt lợn?
Giá thịt lợn gần đây ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục tăng cao, ở mức trên 90.000 đồng/kg lợn hơi
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do “đứt gãy” trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi năm ngoái đã tác động đến nguồn cung con giống và lợn thịt trong quý I. II/2020.
“Đứt gãy” chu kỳ ảnh hưởng đến giá lợn
Tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Việt Nam. Do vậy, so với năm 2018 với 49 triệu con xuất chuồng, sản lượng thịt lợn 3,82 triệu tấn thì sau khi xảy ra dịch, đến năm 2019 sản lượng lợn xuất chuồng giảm hẳn xuống, còn 3,3 triệu tấn và số lượng khoảng 38 triệu con xuất chuồng.
Trong cơ cấu của chăn nuôi, trước khi xảy ra dịch, thịt lợn chiếm trên 70%, gia cầm chiếm hơn 20%, thịt trâu bò và các loại khác chiếm từ 8-9%. Do vậy, khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất cũng như người tiêu dùng, tác động đến kinh tế - xã hội.
Lý giải rõ về vấn đề tại sao trong quý I cho đến đầu quý II/2020, khó khăn cả về con giống cũng như sản lượng thịt lợn, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do giai đoạn đứt gãy từ tháng 5 đến tháng 7 của năm ngoái là cao điểm của dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt vào tháng 5, tiêu hủy một lượng lợn lớn. Đến tháng 7 và tháng 8, không ai cho phối đàn nái.
“Do phối ra không bán được. Không phối thì không cho đẻ, cũng không nuôi lợn thịt, do chu kỳ sinh học của lợn thì phối sau 4 tháng mới đẻ, 2 tháng mới bán được lợn giống cho người chăn nuôi và nuôi sau 6 tháng mới có sản phẩm. Chính vì vậy, bắt đầu tháng 9 trở đi, các doanh nghiệp mới bắt đầu cho phối giống và một số doanh nghiệp bắt đầu thay thế đàn. Vì vậy, nên đầu quý I/2020, con giống khan hiếm, số lượng lợn thịt rất ít, cho nên đây là thời điểm cực kỳ khó khăn về nguồn cung” – ông Nguyễn Văn Trọng giải thích.
Một khó khăn nữa là tại một số tỉnh, mặc dù 99,4% số xã đã qua 30 ngày hết dịch nhưng chưa công bố, do vậy mà người dân chưa thể tái đàn. Đồng thời, sau khi xảy ra dịch, một số tỉnh chưa kịp thời trong việc triển khai tiền hỗ trợ, chưa làm các thủ tục thanh toán cho các hộ chăn nuôi được hưởng kinh phí hỗ trợ.
Bên cạnh đó, chăn nuôi rất nhiều rủi ro, vì vậy, khi xảy ra dịch, việc vay vốn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù có nhiều chính sách tín dụng nhưng người dân không tiếp cận được.
Thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến giá thịt lợn cao, theo ông Trọng, vừa qua, 15 doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn mặc dù đã có cam kết giảm giá thịt lợn, tuy nhiên, sản lượng thịt lợn của các doanh nghiệp này mới chỉ chiếm tỷ phần 35% trong tổng lượng thịt lợn, do vậy, chưa đủ sức kéo giá thịt lợn xuống.
“Mặc dù sau khi có cam kết từ ngày 1/4, giảm xuống 70 nghìn đồng/kg lợn hơi. Tất nhiên, ví dụ như CP mỗi ngày cung cấp ra thị trường 15-20.000 con lợn, là doanh nghiệp lớn nhất với 310 nghìn con nái, sau đó đến một loạt các doanh nghiệp tương tự. Tuy nhiên giá đấy có được đến người giết mổ hay không? Đồng thời, qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng, chúng tôi tính đến tới 43% giá trị” – ông Trọng phân tích thêm.
Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh COVID-19, giá thức ăn tăng 10% cũng đẩy giá lợn lên cao. Cùng với đó, Trung Quốc xảy ra dịch tả lợn châu Phi nên thu mua rất nhiều ở các nước bán giống, thịt lợn, trong khi giá mua của Trung Quốc rất cao so với Việt Nam. Chính vì thế vẫn còn hiện tượng thịt lợn sang Trung Quốc qua đường biên giới.
Cần làm gì để "hạ nhiệt" giá thịt lợn?
Để giải quyết bài toán về hạ giá thịt lợn hiện nay, một vấn đề rất quan trọng cần được đặt lên hàng đầu là làm sao tăng được đàn lợn trong nước. Bởi khi nguồn cung dồi dào hơn thì mức giá sẽ được “hạ nhiệt”.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện có một số tỉnh đang triển khai tăng đàn rất tốt. Trong đó, có 9 tỉnh tăng đàn đạt tỷ lệ 100-150%, tăng đàn cao nhất là Bình Phước với 149%. Hoặc, Đồng Nai trước đây khoảng 2,5 triệu con, giờ đã trở lại được vị trí gần 2,1 triệu con. Thành phố Hà Nội trước đây khoảng 2 triệu con lợn, hiện đã được trên 1,1 triệu con. Nhìn chung, đã có 4 tỉnh trong tốp trên 1 triệu con. Tuy nhiên, có một số tỉnh tăng đàn đang rất hạn chế. Cụ thể, còn 7 tỉnh dưới 50%, 20 tỉnh đạt từ 50% đến dưới 80%, 21 tỉnh từ 80% đến dưới 100%. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ tái đàn không đồng đều giữa các địa phương.
Với con giống là vấn đề cần giải quyết ngay hiện nay để tái đàn. Vừa qua, ngành nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp cần thiết để nhập khẩu giống. Cho đến đầu tháng 5/2020, đối với đàn cụ kỵ đã nhập trên 5.000 con và kế hoạch sắp tới đây sẽ nhập thêm khoảng 10.000 con. Đồng thời, Việt Nam đã đăng ký nhập 103 nghìn con lợn bố mẹ. “Chúng tôi cũng đang tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, nếu nhập đàn bố mẹ chuẩn bị phối giống sẽ có sản phẩm ngay, nhưng nếu nhập đàn cụ kỵ thì phải sang năm mới có sản phẩm” – ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.
Do việc “đứt gãy” của năm ngoái nên giá giống hiện nay trên dưới 3 triệu đồng/1 con, cùng với giá thức ăn nên giá thành thịt lợn cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng đang tập trung để giải quyết vấn đề này.
Về nhập khẩu thịt lợn, tính đến tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã nhập tới 54 nghìn tấn, đạt trên 50% sản lượng Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, việc nhập về gặp khó ở thị trường mua cùng với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam cũng ảnh hưởng đến vấn đề này.
Đặc biệt, giải quyết vấn đề công bố hết dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, các tỉnh phải kịp thời công bố. Hiện tại, mới có 43 tỉnh, thành phố công bố hết dịch, vẫn còn 19 tỉnh chưa công bố hết dịch.
Ông Nguyễn Văn Trọng cũng đề nghị, việc tái đàn cần phải theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và sản xuất theo chuỗi. Đi cùng với đó, địa phương phải có gói chính sách, đặc biệt là gói chính sách tái đàn. Hiện nay, đã có nhiều tỉnh, thành hỗ trợ chính sách ngay kịp thời, tái đàn rất nhanh.
Trong đó, cần lưu ý tới chính sách tín dụng, ưu đãi lãi suất, cho vay vốn, giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi do hiện nay đang rất khó khăn về vốn. “Người chăn nuôi mua khoảng 10 con lợn giống đã mất mấy chục triệu đồng, nuôi 100 con mất 300 triệu đồng tiền giống, mà 6 tháng phải làm thủ tục lại một lần nhưng 6 tháng chưa được 1 chu kỳ lợn,… thì đây là vấn đề mà cần có chính sách tốt” – ông Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh.
Hơn nữa, người sản xuất, cần có định hướng sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, làm sao giảm được các khâu trung gian. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Trọng cũng nêu ý kiến, trong điều kiện hiện nay không thể chờ mong các doanh nghiệp, người chăn nuôi bán xuống giá 60-65 nghìn đồng/kg, bởi bình quân giá giống gần 30 nghìn đồng, thức ăn gần 30 nghìn đồng. Trên số liệu tổng hợp của các tỉnh, thành trong cả nước, khả năng phải cuối quý III, sang quý IV/2020, giá thịt lợn mới có thể tương đối ổn định. Mặt khác, trên cơ sở đàn lợn có mặt từ lợn nái sang đàn lợn thịt, Cục Chăn nuôi dự kiến tổng sản lượng thịt lợn năm nay sẽ tương đương với năm 2018, cơ bản chủ động được nguồn cung trong nước kèm theo điều kiện phải kiểm soát thật chặt chẽ khâu lưu thông thịt lợn sang biên giới./.
Theo BT
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam