Căn bệnh hình thức trong giáo dục đang “hành” giáo viên!

(Dân trí) - “Tôi rất đồng tình với bài báo nêu lên thực trạng giáo dục hiện nay ở mọi cấp học đều mang tính hình thức. Tôi nghĩ muốn cải cách giáo dục, trước hết cần đào tạo lai các nhà quản lý, nhất là ở cấp cơ sở” - Bạn Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Chống bệnh hình thức trong giáo dục

 

Đặc biệt hiệu trưởng quản lý trực tiếp giáo viên nếu họ làm đúng trách nhiệm ,công khai minh bạch thì đã không xảy ra cái tệ nạn dạy thêm học thêm một cách phổ biến và tràn lan. Bởi một lí do đơn giản là nếu tổ chức hoặc cho giáo viên dạy thêm, các ông bà hiệu trưởng cũng được hưởng phần “lợi ích” trong đó. Vì vậy, khó dẹp bỏ được vấn nạn này. Các bạn thử tìm trên mạng xem Bộ GD&DT đã có những văn bản chi tiết về dạy thêm học thêm phổ biến cho đối tượng giáo viên chưa, tôi đã tìm mỏi mắt cũng chưa thấy. Vậy thì sự tù mù

“Đọc qua bài viết của các đồng nghiệp tôi rất đồng tình nền giáo dục của chúng ta mang nặng tính hình thức và phong trào. Có rất nhiều khẩu hiệu và các cuộc vận động, mồm nói chống căn bệnh thành tích nhưng đầu năm đại hội cán bộ viên chức lại đưa chỉ tiêu thi đua cao ngất ngưỡng. Học trò vùng sâu rất khó khăn làm nhiều học ít, yếu kém nhiều nhưng giáo viên cứ phải thay phiên nhau đi tập huấn, rồi tích hợp bao nội dung vào bài giảng làm sao học sinh tiếp thu được, nhưng tỷ lệ học sinh khá giỏi và lên lớp đều phải đạt cao.

 

Tôi đề nghị các cấp quản lý GD cần nhìn thẳng vào sự thật, đừng sợ thành tích đạt thấp, học sinh nào học yếu cho ở lại năm sau học tiếp để các em có kiến thức thật sự, không có tình trạng “ngồi nhầm lớp” hết năm này đến năm khác” -  Bạn đọc Trần Thanh mong mỏi

không minh bạch chính là đất sống , nơi “đào đãi vàng” của chính các ông bà hiệu trưởng thì còn lâu mới dẹp bỏ được tệ nạn này. Kính mong các vị có trách nhiệm trong ngành giáo dục cho phổ biến rộng rãi văn bản pháp quy nào để xử lí tình trạng dạy thêm học thêm chi tiết xuống các trường học và công khai cho học sinh và phụ huynh biết thì may ra mới tìm dược lối thoát. Ngoài ra, những trường hợp dạy thêm như thế nào là cần thiết và giáo viên được thực hiện theo yêu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh?

 

Bạn đọc dấu tên:

 

Nền giáo dục VN hiện nay không biết đến bao giờ mới thay đổi được sự trì trệ, vì cấp dưới lúc nào cũng phải tuân theo cấp  trên; cấp trên lại phải tuân theo cấp trên nữa ...

 

Tôi cũng là một gv tiểu học, dạy được 2 năm, thấy được sự cao quý của nghề giáo, sự đáng yêu của học sinh ... nhưng cũng thấy nhiều chuyện bức xúc của nền GD hiện nay, quá hình thức, hành GV đủ thứ, sổ sách, dự giờ, phong trào này phong trào nọ...

Gần đây báo đăng tin gv trường này đánh hs, gv trường kia tát hs...đủ thứ... họ làm vậy là sai... nhưng thật sự phải vào nghề mới biết, gv chúng tôi như một nhân viên “đa năng”, giảng dạy, hội họp ở trường, về nhà chấm bài, làm sổ sách giáo án...chưa kể nếu có hội giảng,dự giờ...phải chuẩn bị nhiều thứ nữa,nhưng tất cả chỉ mang tính hình thức, không đem lại tác dụng thiết thực gì!...chưa kể phải giải quyết đủ thứ trò nghịch ngợm của hs cá biệt, mà phụ huynh lại không không cần quan tâm...thì lấy đâu ra sức lực và sự dịu dàng, còn đâu thời gian và tâm huyết đầu tư vào chuyên môn.Trong khi đó, công sức bỏ ra lại không được đền đáp xứng đáng, đồng lương ít ỏi của gv mới ra trường chưa lâu, không bằng lương của người giúp việc hay người lao động phụ nề, lấy đâu ra động lực làm việc! Thật lòng tôi chỉ muốn đổi nghề khi có cơ hội...

 

Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh:

Đúng là ngành giáo dục quá chạy theo thành tích hình thức mà không có thực chất. Ví dụ như thi giáo viên giỏi cũng na ná như một “tiết mục văn nghệ” được tập dượt nhiều lần rồi lên trình diễn trước các “quan khách”. Học sinh cũng được cô giáo tập dượt vài lần trước khi thầy cô về dự giờ. Cô giáo chỉ chăm chút tiết dạy ấy cả tháng nên được xem là dạy hay và được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quận rồi lại tiếp tục lên cấp thành phố hẳn hoi. Tôi nghĩ cần xem lại cách công nhận giáo viên dạy giỏi theo cách làm hình thức như vậy.

 

Bạn đọc Nguyễn Việt Nam:

Bệnh thành tích, ôm đồm, hình thức trong giáo dục có nhiều cái rất vô lí như các loại hồ sơ sổ sách (sổ chủ nhiệm, sổ hội họp, kế hoạch bộ môn, sổ dự giờ, giáo án, sổ điểm cá nhân. . .); rõ ràng chỉ cần ba loại hồ sơ cuối là đủ nhưng cái bệnh thích khoa trương hình thức đã thành căn bệnh khó chữa. Thậm chí có hiệu phó còn đi kiểm tra chi tiết từng dấu gạch đầu dòng có đúng hay không, có đủ hay không ! Với cách làm nặng về  hình thức đó hết biết giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu? Một tháng có ít nhất 4 cuộc họp (2 họp hội đồng, 2 họp tổ chưa kể có thể họp công đoàn, liên tịch, họp giao ban .. dành cho tổ trưởng, tổ phó) mà mục đích chỉ là triển khai các kế hoạch ! Đúng ra chỉ cần dán kế hoạch triển khai công việc lên bảng để giáo viên thực hiện là được.

 

Tiền đầu tư cho giáo dục của nhà nước cho giáo dục rất lớn nhưng không vào quỹ lương mà hầu như chỉ dùng cho đầu tư cơ sở vật chất (Có những bộ thí nghiệm 20, 30 triệu đồng, 1 phòng thí nghiệm gần 1 tỉ đồng mà phát huy hiệu quả không đáng kể vì không phù hợp với thực trạng của ngành, của đất nước hay như xây bục văn nghệ trong khi 1 hoặc 2 thậm chí 3 năm mới tổ chức văn nghệ một lần!). Sách giáo khoa rất nặng nề, ôm đồm, tôi dạy ở vùng nông thôn, học sinh không học thêm nên học rất yếu, vì vậy chúng tôi phải bò ra để dạy cho đủ chỉ tiêu, chất lượng đã đăng kí từ đầu năm ! .... Ôi giáo dục nước nhà sao cứ mải miết chạy theo cách làm hình thức và những thành tích…ảo!

 

Bạn đọc Trần Sinh:

Là một giáo viên dạy cấp 2, tôi thấy ngành GD VN hiện nay đã bị bệnh thành tích làm hỏng nhiều thế hệ HS rồi. Chả biết nói thế nào nữa, chỉ hy vọng một ngày nào đó, có một vị bộ trưởng GD nào đó dám mạnh dạn tấn công quyết liệt và truy kích đến cùng  căn bệnh này, chứ không "chống" như cách làm hình thức hiện nay, miệng nói là chống và nêu lên những khẩu hiệu nghe rất kêu, rồi phát động hết phong trào này đến phong trào kia… Nhưng các cấp quản lí GD chỉ “dơ cao đánh khẽ”, thậm chí vẫn dung túng cho các trường, các địa phương lập “thành tích ảo” trong thi cử cũng như đánh giá kết quả nói chung của giáo dục như tỷ lệ học sinh khá giỏi, học sinh lên lớp bao giờ cũng rất khả quan, trong khi tình hình thực tế thì học sinh ngày càng dốt đi và chẳng có học sinh khá giỏi nào muốn thi vào ngành sư phạm!

 

Bạn đọc Lê Hoàng Anh:

Tôi là 1 GV đi dạy tới nay là 7 năm mà thu nhập trừ các khoản còn lại 2.6 triệu. Với thu nhập vậy, trang trải cho cuộc sống thật khó, không làm thêm thì lấy gì mà sống. Thật lòng, chúng tôi không thể tập trung sức lực và tâm huyết cho việc dạy học, mà còn phải lo kiếm việc gì làm thêm để trang trải các khoản chi tiêu như tiền phòng trọ, điện nước 1 tháng cũng ngót 1 triệu chưa nói tiền ăn (chỉ dám ăn hai bữa thôi), xăng xe, điện thoại, tiền đám cưới, đám hiếu, rồi lúc ốm đau…Còn làm sao tích lũy tiền để lấy vợ, lấy chồng, mua lấy gian nhà để ở... Cứ nghe nhà nước nói " GD&DT là quốc sách hàng đâu" mà chúng tôi đối chiếu nghề của mình thấy bần hàn quá! Khi nào giáo viên chúng tôi sống được bằng chính đồng lương thì khi đó mới có hy vọng chất lượng giáo dục được cải thiện từ phía người thầy.
 
Căn bệnh hình thức trong giáo dục đang “hành” giáo viên!   - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: kienthucgiadinh.com.vn)

 

Bạn đọc Hoa Núi:

Bản thân tôi là GV miền núi vùng sâu xa hẻo lánh, dạy lớp 1 song cũng không ngoại lệ bởi việc dạy học quá tải. Sáng dạy 5-6 tiết, chiều phụ đạo 3 tiết. Quả thực không có thời gian đầu tư vào nghiên cứu bài dạy. Bên cạnh đó, mỗi sáng còn phải đi gọi HS đến lớp, đầu giờ chiều lại tiếp tục đi lùa HS để đến nghe phụ đạo thêm. Thế nhưng lương thì không đủ lo cho cuộc sống hằng ngày với giá cả như hiện nay. Không những thế, bệnh "hình thức" lại càng nhức nhối hơn mà theo tôi càng sâu xa lại càng hình thức. Tất cả giội lên đầu GV đứng lớp. Vậy thì dù có tâm huyết với nghề liệu có bền chặt được không? Câu hỏi này xin Bộ GD&ĐT trả lời giúp cho chúng tôi.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Bạn đọc Lê Đoàn:

Tôi xin thống kê số sổ sách giáo viên tiểu học ở trường tôi phải làm: 1. Giáo án (GA); 2. Sổ chủ nhiệm; 3. Sổ theo dõi đánh giá HS; 4. Sổ dự giờ; 5. Sổ tư liệu; 6. Sổ nghị quyết 7. Sổ GA phụ đạo HS yếu 8. Sổ GA hoạt động ngoài giờ lên lớp 9. Sổ GA sinh hoạt nhi đồng hoặc Đội; 10. Sổ theo dõi sinh hoạt Đội hoặc sao nhi đồng; 11. Giáo án an toàn giao thong; 12. Sổ GA bồi dưỡng HS giỏi; 13. Sổ KH dạy học (lịch báo giảng). Ngoài ra còn học bạ...Nếu một GV phải hoàn chỉnh cập nhật đầy đủ các loại sổ đó hàng ngày cần bao nhiêu thời gian, còn lại bao nhiêu thời gian cho việc lo dạy học (bao gồm cả chấm bài)? Xin ông Bộ trưởng Giáo dục xem xét như vậy có đủ thời gian cho giáo viên lo cho công việc không? Còn đâu thời gian nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động? Còn sự đãi ngộ thì sao, chắc ông thừa biết rồi.

 

“Đúng là GV hiện nay mệt với sổ sách… nào là sổ chủ nhiệm ,sổ tự học, sổ công tác, sổ thu chi, sổ giáo án... 5 ,7 cuốn... Nếu không làm đủ thì bị phê bình; còn làm đủ thì rất mệt mà không đem lại hiệu quả gì! Quá hình thức như cách làm giáo án, năm nào cũng chép đi chép lại có mấy khi bổ xung cái gì mới đâu. Tôi đề nghị nên bớt những công việc “sự vụ” cho giáo viên tập trung vào công việc nghiên cứu thêm những tài liệu, sách chuyên môn có tác dụng nâng cao kiến thức về môn dạy và kỹ năng sư phạm cũng như có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Giáo viên cũng là người bình thường không thể lao động quần quật hết việc này đến việc khác, tinh thần không thoái mái, chịu nhiều áp lực trong khi đời sống lại thiếu thốn!” -  Bạn đọc Thu Hà chia sẻ.

Bạn đọc Nguyễn Thắng:

Tuy tôi là 1 Giáo viên chuyên mĩ thuật, nhưng nhiệt huyết và lòng yêu nghề còn đầy ắp trong người. Đến trường tôi chỉ muốn đem những kiến thức, những cách nhìn đời, nhìn cuộc sống mới mẻ và thú vị hơn qua những bức tranh, qua những câu chuyện cuộc sống, tôi chỉ có một mong muốn rằng, những học sinh ngồi đây, mỗi ngày đến trường là có thêm một trang sách mới cho tâm hồn con non dại của chúng. Nhìn những ánh mắt ngây thơ, trong sáng, và sáng bừng lên mỗi khi nghe những gì tôi giảng, tôi lại càng quyết tâm hơn trau dồi kiến thức cho mình. Tuy nhiên, tình trạng hồ sơ sổ sách của giáo viên bây giờ quá nhiều, có những thứ, theo tôi nghĩ, nếu không có nó cũng chẳng ảnh hưởng gì. Quan trọng ở một giáo viên là trình độ chuyên môn, lòng nhiệt huyết, và có phương pháp sư phạm tốt.

Một giáo viên trẻ như tôi, đáng lẽ phải dành tất cả thời gian cho việc trau dồi và nâng cao chất lượng mỗi tiết dạy, để làm sao, khi hết 1 tiết dạy, mình cảm thấy hạnh phúc vì học sinh hiểu bài và rất hào hứng cho học tập. Đằng này, nỗi ám ảnh về những đợt kiểm tra hồ sơ đột xuất, những giờ thanh tra giấy tờ đã làm loãng đi những tiết dạy.

 

Tôi chỉ dạy mĩ thuật mà đã có đến 7 loại hồ sơ cần làm, thử hỏi những giáo viên chủ nhiệm kia lấy đâu ra thời gian mà tìm tòi những bài toán, những đoạn văn hay cho học sinh nâng cao tri thức? có chăng cũng chỉ là những hồ sơ soạn theo hình thức đối phó.

 

Thiết nghĩ, nếu Giáo dục nước nhà giảm tải chương trình học cho học sinh, tại sao lại không "giảm tải" hồ sơ cho giáo viên?

 

Để giáo viên có thể chú tâm vào công tác giảng dạy, như thế há chẳng phải học sinh cũng "được" nhiều hơn sao?

 

LTS Dân trí - Nhiều ý kiến phản ảnh của giáo viên cho thấy cách quản lý giáo dục hiện nay còn nặng về hình thức và không sát với tình hình thực tế, cho nên tổ chức hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác cũng như mỗi năm học đều phát động thi đua, nhưng phần lớn “kết quả” chỉ là những “thành tích ảo”! Cho nên tình hình giáo dục nói chung không thấy sáng sủa hơn, mà ngược lại còn sa sút hơn trước.

 

Một biểu hiện bệnh hình thức là bắt giáo viên phải làm nhiều loại hồ sơ sổ sách mất nhiều công sức mà  trên thực tế không đem lại tác dụng thiết thực gì. Ngược lại, còn làm mất thời gian của giáo viên lẽ ra có thể dành cho việc nghiên cứu sâu hơn về chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học  theo từng loại đối tượng học sinh.

 

Vì vậy, đi đôi với việc tinh giản chương trình học quá tải đối với học sinh, cũng cần “tinh giản” các loại hồ sơ sổ sách mà giáo viên phải làm. Điều này có lợi đôi đường: vừa đỡ mệt cho giáo viên, vừa dành thời gian cho giáo viên tập trung vào những công việc thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm