Cần chấm dứt những hình thức phạt không đúng quy định

(Dân trí) - Hiện nay, một số GV vẫn phạt HS phạm lỗi bằng cách buộc chép phạt. Đấy là hình thức phạt do nhà trường và GV tự ý dặt ra và không đúng với quy định của Bộ GD - ĐT.

Gây căng thẳng, ức chế
 
Hình thức chép phạt tuy không có tính bạo lực nhưng lại gây tâm lý căng thẳng, ức chế đối với HS. Đó là chưa nói đến hậu quả làm mất rất nhiều thời gian của các em, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập, rồi gây lãng phí về giấy mực…Điều quan trọng nhất là hình thức này không có trong quy định kỷ luật HS của Bộ GD - ĐT, nghĩa là trái quy định, không được phép.

 

Từ “Điều lệ trường Tiểu học” đến “Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học” cho đến “Điều lệ trường THPT chuyên” của Bộ GD – ĐT ban hành từ trước đến nay, đều không có quy định hình thức kỉ luật này.

 

Bộ GD - ĐT thống nhất quản lý ngành giáo dục trong cả nước, mọi nội quy, quy chế của các trường đều không được trái quy định của Bộ chủ quản. Vì vậy, thiết nghĩ việc tranh luận “Chép phạt đúng hay sai?” là không cần thiết, vì cái sai đã quá rõ ràng. Không thể dùng bất cứ lí do gì để biện hộ cho việc làm sai quy định của Bộ GD - ĐT.

 

 Một số trường trao đổi với GV là “không cấm” hình thức trừng phạt này, chứng tỏ các vị quản lý giáo dục ở đó còn rất mơ hồ về nguyên tắc quản lý. Và thiết nghĩ, cơ quan quản lý giáo dục nên có hình thức xử lý đối với các Hiệu trưởng các trường đang áp dụng hình thức chép phạt.

 

Năm 2010, trong vụ hai HS đánh bạn rồi quay clip tung lên mạng, trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã “sáng tạo” ra hình thức kỉ luật mà họ gọi là “án treo đuổi học”, buộc 2 HS vi phạm viết bản kiểm điểm mỗi tuần, “thử thách trong vòng một năm”.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đây là quy định “ngược đời”, hoàn toàn không được Bộ GD – ĐT cho phép.  Điều 42, “Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học” Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
 
- Phê bình trước lớp, trước trường;
- Khiển trách và thông báo với gia đình;
- Cảnh cáo ghi học bạ;
- Buộc thôi học có thời hạn”. 
 
Đối với HS tiểu học, Điều 41, Điều lệ trường Tiểu học, Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT quy định: “Học sinh phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau :
 

a) Nhắc nhở, phê bình;

b) Thông báo với gia đình”.
 
Không đúng quy định

 

Hiện nay, một số GV buộc HS viết bản kiểm điểm rất nhiều lần, coi như một hình thức trừng phạt, giáo dục. Đây cũng là việc làm sai trái. Bản tự kiểm điểm chỉ được viết một lần, với mục đích là cung cấp thông tin, hoặc thể hiện thái độ của HS về sự việc. Việc buộc HS viết nhiều bản kiểm điểm với nội dung giống nhau là không đúng quy định.
 
Cần chấm dứt những hình thức phạt không đúng quy định  - 1


 

Một số trường lại có quy định buộc HS phạm lỗi phải đi lao động dọn vệ sinh ở trường. Việc làm này là trái thẩm quyền, và có tính chất xúc phạm nhân phẩm HS.

 

Một số GV chủ nhiệm, nhà trường lại quy định phạt tiền đối với những HS vi phạm. Việc làm này là trái phép, phản giáo dục, cho dù được phụ huynh, HS đồng ý. Nhà trường chỉ có quyền buộc HS (và gia đình) bồi thường những thiệt hại về vật chất do HS đó gây ra.

 

Trước tình trạng “loạn” điện thoại di động trong nhà trường, một trường THCS ở Nghệ An đã thống nhất với phụ huynh sẽ tịch thu, không trả lại điện thoại đối với những HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Kính đề nghị nhà trường dừng áp dụng biện pháp này, vì đã vi phạm pháp luật.

 

Nhiều HS bị coi là “cá biệt” buộc phải đứng trước toàn trường trong suốt giờ chào cờ. Đây cũng là một hình phạt gây áp lực tâm lý nặng nề, hoặc sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực. Bộ GD – ĐT chỉ quy định HS vi phạm có thể bị cảnh cáo toàn trường, chứ không quy định cụ thể HS vi phạm bị buộc đứng trước toàn trường trong giờ chào cờ.

 

Hiện nay, một số cán bộ quản lý giáo dục, GV phàn nàn rằng HS ngày nay hư hỏng là do các em và gia đình có nhiều “quyền” quá. Do đó, kỉ luật nhà trường bị buông lỏng, nhà trường và GV lâm vào thế “bị động”.

 

Thiết nghĩ đó là quan niệm chưa đúng. Bởi vì liệu khi nhà trường và GV có nhiều “quyền” hơn (quyền trừng phạt, quyền dùng bạo lực)…thì tình hình có tốt hơn? Xin thưa là chỉ xấu hơn chứ không tốt hơn, một khi bạo lực và những hành vi trái phép lại xuất phát từ người lớn, từ nhà trường và GV.

 

Đành rằng việc giáo dục HS, nhất là HS ngày nay, không phải là việc dễ, nhưng không vì thế mà chúng ta sử dụng bạo lực hay các hình thức kỉ luật trái quy định. Thiết nghĩ, các nhà trường và GV hãy nêu gương về ý thức chấp hành pháp luật và thể hiện tính nhân văn, đó là cái gốc của “nhà trường thân thiện”.

 

Tình trạng “loạn” hình thức phạt trong các nhà trường đang diễn ra khá phổ biến. Chỉ đến khi gây hậu quả nghiêm trọng, bị báo chí phản ánh thì cơ quan quản lý giáo dục mới vào cuộc, và lúc ấy thì đã muộn. Kính đề nghị Bộ GD – ĐT ban hành công văn gửi tất cả các Sở GD - ĐT, các trường ĐH để nhắc nhở, chấn chỉnh.

 

                                               Trần Quang Đại

                                                   (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Mục đích của việc phạt học sinh là để giúp các em nhận ra khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa chữa; đồng thời ngăn ngừa việc tái diễn khuyết điểm tương tự trong nhà trường. Khi đưa ra các hình thức phạt, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc nhiều mặt để vừa có nghĩa giáo dục và răn đe, vừa không làm tổn thương quá mức đến tâm lý và danh dự của học sinh.

 

Nhà trường là môi trường giáo dục luôn đòi hỏi nền nếp và kỷ cương, thực hiện đúng những quy định có tính chuẩn mực của ngành giáo dục-đào tạo đã ban hành, nhất là việc thực hiện những hình thức phạt đối với học sinh mắc khuyết điểm. Không nên tùy tiện dùng những hình thức phạt không có trong quy định của Bộ GD-ĐT như nhà giáo viết bài trên đây đã kiến nghị.

 

Sử dụng những hình thức kỷ luật không đúng, thiếu sức thuyết phục và cảm hóa, thường không đem lại kết quả mong muốn, học sinh bị kỷ luật dễ sinh ra chán nản, bất mãn và ngày càng hư hơn.