Bạn đọc viết:

Cách những con người tử tế “trả nợ” cho đời

(Dân trí) - Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về những con người tử tế, như là phần tiếp theo của bài viết trước đây từng đọc trên Dân trí: http://dantri.com.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-cam-dong-cua-lao-ong-tuoi-80-nhat-duoc-vo-852974.htm.

Cách những con người tử tế “trả nợ” cho đời
Ông Thành hạnh phúc khi ngày nào cũng được nhìn thấy người “vợ nhặt” của mình (ảnh: T.G, theo Gia đình & Xã hội) 
 

Vừa đi công tác ở Trung Mỹ về, anh bạn người Ý gọi điện, nhờ tôi một việc quan trọng. Một tạp chí nổi tiếng của Ý (tên gì quên mất?) đăng lại câu chuyện tình cảm động của cặp vợ chồng già không nơi nương tựa, không nghề, không nhà, nay ở tạm bên bờ sông Hồng. Bạn anh, chị Giovanna, từ thủ đô Rome sang chơi Hà Nội mấy ngày và muốn tìm đến cặp vợ chồng già này, để trao cho họ bài báo đó. Chúng tôi không có địa chỉ của họ vì họ làm gì có nhà, chỉ có trong tay bài báo và một chút định vị về khu vực họ sinh sống là dưới gầm cầm Long Biên, bên bờ sông Hồng.

 

Tôi nhận lời ngay, vừa là giúp anh bạn, vừa là giúp chị Giovanna thực hiện mong muốn của mình trong chuyến đi ngắn ngủi sang Hà Nội. Đặc biệt là giúp cho tôi có cơ hội được gặp đôi vợ chồng này sau khi đã đọc về họ trên báo Dân trí…

 

Đọc về chuyện tình cảm động của ông lão tên Thành 78 tuổi và bà lão tên Thủy 76 tuổi, trước khi gặp họ, tôi suy nghĩ cả tuần. Tôi gặp anh bạn thân người Việt và hỏi anh rằng tôi nên mang quà gì đến cho ông Thành bà Thủy. Tôi muốn món quà của tôi vừa có ý nghĩa thực chất vì họ rất nghèo, vừa có ý nghĩa tinh thần để nhắc nhở họ về một kỷ niệm vui với nước Ý.

 

Cả anh và tôi đều có kinh nghiệm làm việc với người nghèo ở Việt Nam nhiều năm nay. Nhưng sau một hồi tranh luận, anh bảo tôi vẫn có sự lãng mạn của người trí thức và rằng với người nghèo thì hãy tập trung vào những điều thiết thực, cụ thể là: - Bằng tiền hay là bằng một chai rượu để bác trai uống với bạn bè cho vui. Thế là quý hóa rồi, sao cứ phải suy nghĩ này nọ nhiều? - Anh nhắc tôi bằng một câu bỏ lửng - Phú quý sinh lễ nghĩa, nghèo hèn sinh…

 

Tôi không đồng ý với anh. Nếu tôi có lãng mạn thì với tôi đó cũng là điều cần thiết trong cuộc sống. Phải chăng mỗi chúng ta cần giữ một chút lãng mạn trong mình để cùng kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, nên thơ hơn?

 

Một chiều mùa thu tháng 9, tiết trời thật đẹp, sau giờ làm việc Giovanna cùng con trai và tôi đã đến thăm vợ chồng ông bà Thành - Thủy. Sau vài lần hỏi đường ở chợ Long Biên, chúng tôi tìm đến tổ ấm của họ không mấy khó khăn.

 

Hai bác niềm nở đón khách vào nhà mà không cần biết chúng tôi là ai, tìm họ có việc gì. Bây giờ là mùa nước nên túp lều của hai bác trên bờ không còn nữa. Hai bác ở hoàn toàn trên con thuyền do những người hảo tâm mua tặng. Bên trong căn phòng trên thuyền nhỏ lắm, chỉ mấy mét vuông thôi, nhưng sắp xếp gọn gàng và vô cùng sạch sẽ. Điều đó cho thấy chủ nhân chăm sóc tổ ấm của mình như thế nào, chứ không như mọi người hay nghĩ về sự lộn xộn, mất vệ sinh… của người “vô gia cư”.
 
Thao Griffiths (phải) trong lần tới thăm hai vợ chồng bác Thành (ảnh: IC-VVAF)
Thao Griffiths (phải) trong lần tới thăm hai vợ chồng bác Thành (ảnh: IC-VVAF)
 
Về cuộc đời lang thang cực khổ của hai bác, mọi người có thể đọc ở bài báo của Dân trí. Tôi chỉ muốn kể thêm rằng: có một đôi vợ chồng ở với nhau hơn 40 năm nay trong sự bần hàn cùng cực của cuộc đời. Họ chẳng có gì để dành cho những ngày mưa gió. Ngày nào họ cũng đi nhặt rác từ lúc nửa đêm cho đến 5h sáng, nếu may mắn thì họ kiếm được 50.000-60.000/ngày, nếu không thì 20.000-30.000/ngày. Chỉ đủ mua ít đồ thừa, đồ héo ở chợ chiều để rồi họ sống ngày này qua ngày nọ.
 
Họ sống để chăm sóc cho nhau vì họ chẳng có con cái gì cả. Họ sống để hàng ngày đun nước pha trà cho những vị khách vãng lai giữa hai khu “tắm tiên” bên bờ sông Hồng (ở đây có một cộng đồng những người tắm sông, sưởi nắng mà không mặc gì cả).

 

Lòng tốt của họ được bù đắp lại bằng những thùng nước sạch người ta chở đến cho họ, bằng những tấm chăn cũ nhưng vẫn còn dùng tốt, giữ cho họ ấm trong những ngày gió rét, bằng những túi gạo mà họ không đủ tiền mua…

 

Họ sống để yêu nhau. Họ dành cho nhau những ánh mắt nhìn đầy tình cảm. Bác trai và bác gái thay nhau hút thuốc lào rồi nhả khói chậm rãi, gương mặt vẫn tràn đầy hạnh phúc. Họ nắm tay nhau tiễn khách ra về.

 

Tôi băn khoăn mãi: làm sao họ có thể vượt qua được bao nỗi sợ cố hữu của con người, chẳng cần phải bận tâm đến ngày mai mà chỉ tập trung sống cho ngày hôm nay? Họ sống cho ra sống. Sống với bao nhiêu tình yêu cuộc sống và tình cảm dành cho nhau.

 

Bác trai nói về cái Tâm, về những lần đi vớt xác trên sông để trả thân thể thất lạc về với gia đình, về với đất mẹ. Bác nói: - Người đời tốt với mình nhiều rồi. Tôi có được cái thuyền này để vợ chồng tôi nương thân cũng là nhờ lòng tốt của người đời. Nên tôi đi vớt xác trên sông cũng là một cách để trả nợ cuộc đời. Chứ vớt xác thì có được mấy đồng đâu.

 

Tôi rời khỏi ngôi nhà trên sông nước của hai vợ chồng bác và đã biết món quà thiết thực tôi sẽ tặng hai bác là gì. Chẳng phải tranh cãi với anh bạn thân mến của mình nữa, tôi sẽ đi mua cho hai bác mấy cái thùng phuy để bác Thành đặt phía mui thuyền, làm vậy “ngôi nhà” của hai bác sẽ nổi được đều hơn và vững chãi hơn trong mùa mưa sắp tới.

 

Thao Griffiths: tgriffiths@vi.org 

(Eisenhower Fellow, Country Director, Vietnam Veterans of America Foundation (IC-VVAF)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm