Bạn đọc viết:

Các loại Phí và cách thu hợp lý

(Dân trí) - Kính thưa tòa soạn báo Dân trí, thời gian qua báo đưa nhiều thông tin về việc thu 3 loại phí: Bảo trì đường bộ, phí hạn chế xe cá nhân và phí vào trung tâm giờ cao điểm. Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

1. Phí bảo trì:  Thực chất phí này để bù chi phí cho hoạt động vận hành và bảo trì đang thiếu hụt. Bảo trì để đảm bảo duy trì chất lượng công trình khi có sự xuống cấp. Mà xuống cấp do 3 nguyên nhân chính: chất lượng công trình, tác động của yếu tố tự nhiên và tác động của tải trọng phương tiện.

* Chất lượng công trình chưa cao, nhiều công trình có biểu hiện xuống cấp khi mới đưa vào sử dụng dẫn đến tốn kinh phí bảo trì. Cần tách yếu tố này ra để giải quyết riêng.

 

* Yếu tố tác động của thiên nhiên như mưa nắng thông thường làm cho công trình xuống cấp dần đều theo năm tháng như hao mòn lề đường, hao mòn mặt đường (chỉ một phần nhỏ), hao mòn hệ thống tín hiệu. Còn do thiên tai (chủ yếu là lũ lụt) làm cho công trình xuống cấp nhanh chóng nhưng chỉ diễn ra cục bộ, không phổ biến.

 

* Yếu tố tác động của tải trọng phương tiện phụ thuộc vào số lượng và tải trọng trục bánh xe của phương tiện. Xe nhiều trục và tải trọng càng lớn thì đường càng nhanh xuống cấp do tác động trùng lặp, làm cho mặt đường bị bào mòn, lún nứt, cầu cống bị hư hỏng.

 

Do đó, cách tính phí cũng dựa theo 2 yếu tố trên:

 

+ Đối với xe chở người và bán tải: Phí bảo trì  = (tỷ trọng chi phí yếu tố vận hành và bảo trì do yếu tố thiên nhiên) x (số chỗ ngồi đăng ký) + (tỷ trọng yếu tố bảo trì do yếu tố tải trọng phương tiện) x (tải trọng đăng ký xe và hành khách, hàng hóa).

 

+  Đối với xe chở hàng: Phí bảo trì  = (tỷ trọng chi phí yếu tố vận hành và bảo trì do yếu tố thiên nhiên) x (tải trọng hàng hóa đăng ký) + (tỷ trọng yếu tố bảo trì do yếu tố tải trọng phương tiện) x (tải trọng xe và hàng hóa đăng ký).

 

Bên cạnh việc thu định kỳ phí bảo trì, cần phải tăng mức thu khi cấp phép xe quá tải, siêu trọng cùng với giải pháp phạt nặng xe quá tải. Cần lắp đặt bổ sung biển quy định khống chế tải trọng trên các tuyến đường để người dân chấp hành.

 

2. Phí hạn chế phương tiện xe cá nhân: Thực chất là thu chống ùn tắc đường. Tắc đường về bản chất là một trạng thái mật độ quá cao của phương tiện giao thông đường bộ so với diện tích mặt đường kết hợp với tác động do giao cắt, tách nhập với các dòng phương tiện khác.

 

Theo tôi, dựa vào nguồn gốc cơ bản có 2 loại: một là tắc cục bộ tại các trung tâm thành phố lớn (đây là biểu hiện chủ yếu hiện nay), và hai là tắc trên các tuyến đường trục nối giữa các trung tâm kinh tế.

 

Tắc đường không thể đổ lỗi cho sự phát triển số lượng và mật độ tham gia giao thông vì giao thông là động lực của sự phát triển. Nhà nước cần tìm ra giải pháp giao thông hiệu quả để tận dụng tốt hiệu quả hạ tầng hiện có và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ nền kinh tế để phát triển giao thông trước 1 bước.

 

Trong khi giải pháp giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thì giao thông cá nhân là lựa chọn tất yếu, là nhu cầu khách quan của xã hội. Vậy tắc đường phải giải quyết dựa trên trách nhiệm của nền kinh tế và trách nhiệm của phương tiện cá nhân tham gia giao thông.
 
Các loại Phí và cách thu hợp lý
Một trạm thu phí tự động (ảnh sưu tập của DeTran)

 

Cách tính phí cũng phải phù hợp, theo tôi cần tính dựa theo các yếu tố:

 

+ Không tính phí với xe chở hàng hóa (vì đã đóng vào ngân sách thông qua các loại thuế trong kinh doanh).

 

+ Tỷ lệ diện tích chiếm chỗ của xe/số chỗ ngồi đăng ký. Tỷ lệ này xét theo từng phương tiện cụ thể, nếu tỷ lệ này càng cao thì càng gây tắc đường, do đó mức phí cũng cao.


+ Tỷ lệ tổng diện tích phương tiện trên tổng diện tích lưu thông của đường của từng thành phố. Tỷ lệ này xét theo từng địa phương cụ thể, địa phương nào có chỉ số này càng cao thì càng tắc đường, do đó mức phí cũng cao.

 

3. Phí đi vào trung tâm giờ cao điểm: Tôi đồng tình nhưng mức thu cần xem xét như ở trên. Cách thu cần áp dụng hiện đại, tránh phiền hà và chi phí tổ chức thu cao sẽ không hiệu quả, mà còn gây thêm tắc đường như các trạm thu phí phổ biến trong nước hiện nay. Phải áp dụng thu tự động bằng thiết bị cảm biến như các nước tiên tiến, ví dụ Singapore...

 

Không nên thu các phí trên đối với hộ nghèo, hộ chính sách.

 

Ngoài ra, cũng cần phải xem xét lại việc sử dụng các thuế, phí đang thu hiện tại như: phí tiêu thụ đặc biệt, trước bạ, cấp biển số, để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ vì đây là khoản thu rất lớn rồi. Cần sử dụng hiệu quả khoản thu này để giải quyết vấn đề giao thông.

 

Một số biểu hiện sử dụng nguồn lực này chưa hiệu quả như:

 

+ Công tác quy hoạch phát triển đô thị tính toán chưa đầy đủ. Khắp nơi trong cả nước khu đô thị cứ hình thành và phát triển bám lấy quốc lộ, dẫn đến phải tốn kém thêm kinh phí để mở đường vòng tránh. Và hiện nay một số nơi có vẻ như chu trình này vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục mở rộng đô thị bám theo đường tránh, để rồi phải đầu tư đường tránh mới.

 

+ Nhiều tuyến đường xây dựng rất quy mô, nhưng mức độ phương tiện tham gia rất thấp, do đó quy hoạch phải định hướng lâu dài nhưng xây dựng phải phân kỳ, tránh đầu tư lãng phí.

 

+ Nhiều dự án mở rộng đường ở trung tâm thành phố tốn quá nhiều kinh phí cho công tác giải tỏa mặt bằng. Tôi nghĩ những trung tâm đông đúc phải chấp nhận cấm xe, xem như khu phố cổ. Để tiền đền bù giải tỏa đó đầu tư di chuyển các trung tâm hành chính, mua sắm, chuyển trường đại học ra ngoại ô.

 

Tắc đường ở đô thị cũng có một phần từ sự thiếu ý thức trật tự nơi công cộng và chấp hành luật lệ giao thông của người dân. Nếu mọi phương tiện đều di chuyển ổn định đúng làn đường, giữa các phương tiện không chen lấn, tranh giành đi trước mà cứ theo thứ tự, chấp hành tín hiệu điều khiển giao thông thì cũng giảm tắc đường.

 

Mong rằng ý kiến của tôi sẽ được các bộ ngành hữu quan lưu tâm, tiếp tục nghiên cứu lập dự thảo đầy đủ, để mọi người dân được tham gia ý kiến trước khi áp dụng.

 

Phạm Minh Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm