Bạn đọc viết

Buồn thực trạng giới trẻ văng tục, chửi bậy

Trước đây, người ta thấy việc văng tục, nói bậy chỉ thường thấy xuất hiện ở chợ hay của những người ăn nói thô tục, nhưng bây giờ việc văng tục, nói bậy lại trở thành cách nói chuyện giữa các bạn trẻ, là cách thể hiện “đẳng cấp”, chất chơi của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Có mặt tại cổng một trường THPT vào giờ tan học, tôi thấy từng tốp học sinh trong màu áo đồng phục đạp xe khỏi cổng trường. Một nhóm bạn cả nam lẫn nữ với vẻ ngoài sành điệu đứng chờ vài người đang lấy xe. Một em gái có vẻ bề ngoài xinh xắn, gương mặt được trang điểm khá nổi bật với vẻ sốt ruột: “...Hai thằng điên này làm gì mà lâu thế, hay kệ m. nó, bọn mình đi trước đi!”. Một cậu bạn trong nhóm xen vào: “Hai thằng này lâu vãi, đ. chờ nữa, bọn mình đi trước”. Vừa nói xong, cậu học sinh vội rút điện thoại gọi cho 2 người bạn cả nhóm đang chờ và quát to: "Kệ bà chúng mày, bọn ông đi trước đây"... Nghe đoạn hội thoại đó, nếu không biết từ trước đó là các bạn học sinh đang đứng trước cổng trường thì có lẽ tôi đã dễ nhầm với một nhóm "đàn anh, đàn chị" nào đó rất "ngầu".

Không chỉ ở ngay cổng trường học, ở đâu cũng dễ dàng nghe thấy được những câu nói không mấy thiện cảm của các bạn trẻ. Tại các quán trà chanh, trà đá vỉa hè trong thành phố vào bất kỳ một buổi tối nào trong tuần, cũng sẽ bắt gặp khá đông các bạn trẻ ngồi tụm nhau lại bên các quán cóc và nói chuyện. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như các bạn trẻ đó không buông ra những lời lẽ thô thiển có phần thiếu văn hóa. Chỉ cần một nhóm bạn đi ngoài đường rú ga hoặc cười đùa hơi lố bịch, thì ngay lập tức sẽ nhận được những lời nói theo kiểu "M. mấy đứa dở người… Đúng là lũ "cua mề" (quê mùa)"... Nếu muốn chứng kiến được hết "khả năng" văng tục, nói bậy của các bạn trẻ có lẽ rõ nhất là tại các quán game... Nhiều lần có mặt tại quán Internet, tôi thấy rất nhiều các bạn trẻ là học sinh, sinh viên mắt thì chăm chú vào các trò games ảo trên mạng, miệng thì luôn thốt lên những lời đệm, lót tục tĩu đến khó nghe. Không chỉ nói tục, các bạn trẻ này còn chửi bới ủm tỏi nhau: “Đá thế bảo sao không mất tiền ngu, kìa... kìa... đá ngu như chó", hay “Con mẹ mày! Đồ đầu trâu óc chó…”. Cả quán chơi game đủ kiểu tư thế ngồi và cũng đủ thứ ngôn ngữ thô tục được các bạn trẻ nói ra không chút ngượng ngùng. Một game thủ tên Tuấn bảo: "Chơi game mà không chửi bậy thì còn gì là thú vị, là gay cấn nữa". Vâng, chính vì suy nghĩ như vậy nên nhiều cô, cậu trẻ luôn coi nói tục, chửi bậy để chứng tỏ mình là dân chơi, được mọi bạn bè nhìn với con mắt “oai” hơn hẳn… Nhiều bạn lý giải việc văng tục, nói bậy chỉ đơn giản là việc nghe các bạn nói thành quen tai, mình cũng học nói theo nên quen miệng, nhiều khi nói như một phản xạ chứ cũng không hẳn là vì tức giận ai đó…

Đó là họ nói tục, chửi bậy ngoài đời, nơi quán games, chứ nhiều học sinh, sinh viên bây giờ còn văng tục, đệm lót, dùng những câu gọi lóng đến vô văn hóa nơi giảng đường, khi họ gọi thầy, cô giáo đứng lớp dạy họ là “lão” ấy, “mụ” nọ… Nguyễn Thị H., sinh viên một trường đại học bảo: “Ở lớp em hầu như chúng toàn gọi thầy dạy môn triết học là: lão hâm, và cô dạy ngôn ngữ văn học là: con mụ gàn… Khi đến những tiết học này, chỉ cần thấy thầy, cô chuẩn bị bước vào lớp là một số đứa ngán ngẩm nói nhỏ đủ cho nhau nghe: lại đến tiết lão hâm, hay mụ gàn… chán quá…”.

Chẳng riêng gì giới trẻ ở các thành phố, thị xã mà nhiều lần về nông thôn, thậm chí cả miền núi tôi cũng thấy một bộ phận nhỏ các bạn trẻ cũng học đòi thông qua những ngôn từ quá khó nghe. Họ nói tục, chửi bậy cũng tùm lum, dẫu tỷ lệ không nhiều, không đại trà như ở thành phố nhưng ít thế thôi cũng là đáng báo động, bởi dần dần các bạn trẻ sẽ “học” nhau và kết cục là sẽ cho ra đời một thế hệ trẻ “thiếu văn hóa” trong cách nói năng giao tiếp.

Vẫn biết rằng nguyên nhân của việc giới trẻ ngày nay văng tục, chửi bậy ngày càng nhiều và trở thành “dịch bệnh” là do môi trường sống thay đổi, các bạn trẻ được tiếp cận với nhiều luồng văn hóa mới, tốt có, xấu có nên dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là cách giáo dục trong những gia đình ở thời hiện đại ngày nay chưa ổn, khi nhiều bậc cha mẹ còn lơ là trong việc quản lý, giáo dục con em mình từ lời ăn, tiếng nói, cách giao tiếp với mọi người sao cho từ tốn, luôn thể hiện là người có văn hóa…

Trần Đăng Quang

(ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Thủ Đức TP. HCM)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm