Bức cung, nhục hình là nguyên nhân dẫn tới án oan, sai

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 5/6, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật và thảo luận về nội dung này.

Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định, tuy số vụ án oan, sai xảy ra chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng tình hình oan, sai là nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật.Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về phòng chống oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự.

Đại
biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh phát biểu ý kiến.Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh phát biểu ý kiến.Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Qua phân tích nguyên nhân của tình hình oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử tội phạm, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) nhất trí với nội dung báo cáo nêu các nguyên nhân của các trường hợp dùng bức cung nhục hình chủ yếu do yếu kém về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích của một số cán bộ điều tra. Tuy nhiên đại biểu cho rằng báo cáo cần phân tích kỹ, khách quan những nguyên nhân cụ thể trực tiếp để có biện pháp khắc phục phù hợp, nhằm tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc dùng bức cung, nhục hình, vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới án oan, sai.

Bên cạnh việc đề nghị bổ sung trách nhiệm của kiểm soát viên trong việc để xảy ra bức cung nhục hình, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên cũng đề nghị Quốc hội cần ra nghị quyết để phòng chống oan sai, nhục hình.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) bình luận, con số thống kê trong số 71 vụ án oan, sai chỉ có 15 vụ thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra nhưng số vụ can phạm tự sát, chết trong trại do bệnh, do đánh nhau… vẫn có tới 78 vụ. “Ai chắc được là những trường hợp chết này không có những người bị oan, sai? Cần làm rõ trách nhiệm của trại giam khi để xảy ra những trường hợp chết như vậy vì biết đâu trong đó có oan, sai và đó là hình thức để che đậy sai phạm” – bà Khá nói.

Về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đã có quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước nhưng còn nhiều điểm chưa hợp lý, chặt chẽ, rõ ràng nên có tình trạng đùn đẩy, dây dưa và người được bồi thường đa phần yêu cầu ở mức rất cao so với thực tế được bồi thường.

Theo đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) dù có bồi thường bao nhiêu đi nữa thì những mất mát của những người bị oan và gia đình họ cũng không thể bù đắp được. Luật hoặc văn bản dưới luật cần quy định chi tiết để người được bồi thường và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án đối chiếu, tránh trường hợp lại phát sinh vụ kiện kéo dài về bồi thường oan sai.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: Trong thực tế, tình hình bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng. Việc thừa nhận làm sai là quá khó đối với cơ quan tiến hành tố tụng, phải qua các quy trình thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian. Chính tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan sai không kịp thời.

“Theo quy định, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày nhưng qua giám sát có vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa được giải quyết xong. Nghĩa là gấp 41 lần so với quy định. Vậy nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đã gây ra án oan nhưng chậm giải quyết bồi thường như thế nào. Đề nghị cần phải phân tích làm rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp cụ thể để xử lý. Đồng thời, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp như vừa qua” - đại biểu Huỳnh Nghĩa nêu vấn đề và kiến nghị.

Góp ý về vấn đề bồi thường, đại biểu Bùi Văn Xuyên (Thái Bình) cho biết, thực hiện luật bồi thường nhà nước, đặc biệt trong hoạt động tố tụng có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, số vụ tồn đọng giảm đáng kể. Nhưng theo đánh giá chung, số đơn bồi thường chưa phản ánh đúng thực tế các trường hợp phải bồi thường, con số thực tế có thể cao hơn trong báo cáo. Nhiều vụ bồi thường chậm, có vụ 9 năm như ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Phan Văn Lá (Long An) 21 năm.

“Tôi cho rằng, bất luận nguyên nhân gì nhưng khi xác định rõ được người bị oan thì các cơ quan phải có trách nhiệm bồi thường, nhanh chóng vào cuộc giải quyết một cách sớm nhất. Dù có khó khăn gì đi chăng nữa thì cũng phải có phương án giải quyết nhanh nhất, coi đây là trách nhiệm chủ động của cơ quan tố tụng chứ không phải là vụ việc dân sự giải quyết bình thường”, đại biểu đề nghị.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, dù án oan, sai gây bức xúc, làm giảm uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, niềm tin của người dân đối với cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt một số vụ rất nghiêm trọng nhưng cần nhìn nhận đúng mức là số vụ oan sai nhỏ nên báo cáo đánh giá “còn nghiêm trọng” là chưa phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, việc bắt giam hình sự nhưng chuyển xử lý hành chính còn nhiều nhưng coi đó là thiếu sót trong hoạt động tố tụng làchưa thỏa đáng.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, bức cung nhục hình tất yếu dẫn đến oan sai, do đó Báo cáo giám sát cần phân tích và đánh giá cụ thể hơn về nguyên nhân dẫn đến bức cung nhục hình, trên cơ sở đó có giải pháp giảm tối đa và tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Về đánh giá gần 80% vụ án hình sự hiện nay chưa có luật sư tham gia nên chưa đảm bảo tranh tụng để tránh oan sai, đại biểu Nguyễn Trường Dân nhận định: Đây là bất cập trong thực tiễn chưa được khắc phục và cần phân tích kỹ hơn. Các vụ án xảy ra bức cung nhục hình vừa qua có vụ nào mà cơ quan tiến hành tố tụng không mời người bào chữa theo luật định không? Việc này nên được làm rõ để có biện pháp khắc phục. Đánh giá trên dựa vào tiêu chí nào, hiện nay có khoảng 80.000 vụ phạm pháp hình sự trong khi đó chỉ có khoảng 10.000 luật sư, mà không phải người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nào cũng mời bào chữa. Do đó đại biểu đề nghị cần phân tích tách bạch số liệu để phân tích kỹ hơn.

Báo cáo giải trình thêm trước Quốc hội, Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an khẳng định, Bộ đã quán triệt đến tất cả các đơn vị các biện pháp chống oan, sai với phương châm nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình.

Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định, nhờ các biện pháp áp dụng, số vụ án oan, sai đều giảm hàng năm. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công an cũng xác nhận, điều tra hình sự vẫn còn sai sót, thậm chí vẫn còn bức cung nhục hình làm ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan tố tụng, gây bức xúc trong xã hội.

Với những cán bộ điều tra dùng nhục hình, quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, từ tháng 1/2011 đến nay, đã có 20 cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố, xử lý về việc xâm phạm các hoạt động tư pháp.

Trong buổi chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật và nghe báo cáo về tình hình Biển Đông./.

Đỗ Thoa

(Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)