Bạn đọc viết:

Bớt “ồn ào” đi mà học chữ cha ông

(Dân trí) - Giới trẻ hiện nay đang quên đi những giá trị trị văn hóa của ông cha. Hãy thiết lập một “tâm thế” thật vững nếu muốn tiến nhanh và xa hơn. Thư pháp Việt Nam xứng đáng là con đường để bảo tồn nền văn hóa dân tộc và giúp người trẻ “tu tâm”.

Người trẻ đang lãng quên “chữ nghĩa” ông cha

Ngày xưa, Thư pháp là bộ môn nghệ thuật dành cho quý tộc, địa chủ; chữ nghĩa được người ta “nâng niu, trân quý” khi cho và nhận. Ngày nay, trong thời đại hội nhập kinh tế người trẻ đang hòa nhập với đủ thứ tiếng nước ngoài và sắp “hòa tan” văn hóa ông cha khi nhắc về thời ông Đồ với bút nghiên, giấy

Đi dọc cổng chùa, đền miếu,… thi thoảng người ta vẫn thấy hình ảnh ông Đồ vào dịp lễ tết ở Văn miếu Quốc Tử Giám, chùa Hương,… nhưng cả người cho và nhận “cầu nhiều hơn là cho”. Chữ Thư pháp vì thế mà cũng bị lãng quên dần khi người trẻ “cung ít mà cầu cũng chẳng nhiều”.

Người trẻ có sức khỏe, trí tuệ và họ cũng thông minh để tiếp nhận được đủ thứ văn hóa nước ngoài từ việc học ngoại ngữ, tin học đến ăn món này ngon, mặc đồ kia đẹp, … nhưng thế chưa đủ để con người có thể tiến nhanh và xa; và đất nước vững để không bị xáo trộn bởi đủ thứ văn hóa “tạp lai”. Bên cạnh tiếp thu hãy biết “gìn giữ và bảo tồn” những giá trị truyền thống, quên cái gốc chúng ta sẽ héo cái ngọn!

Bao nhiêu người trẻ được hỏi cũng thấy chữ nghĩa ông Đồ hay nhưng mấy ai quan tâm học bộ môn có tác dụng “tu thân” này?

Bớt “ồn ào” đi mà học chữ cha ông
Người trẻ dường như mờ mờ cảm nhận được bộ môn nghệ thuật này qua bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên ( ảnh nguồn Internet).

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông Đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua…

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ”

Thơ Vũ Đình Liên viết về ông Đồ để lại cho người trẻ ấn tượng về cụ già của thời xa xưa nay đã bị người đời cho vào quên lãng, và thật buồn khi giá trị những bức thư pháp cũng không còn được người ta trân quý trong văn hóa cho và nhận như xưa. Bao nhiêu người trẻ đã từng mong mỏi được xin chữ cụ Đồ và cũng bao nhiêu cụ Đồ có cái tâm thực sự gieo con chữ với cái tài của mình lên trang giấy trắng?

Ông tổ của nghề Thư pháp chữ Quốc ngữ Việt Nam là ông Đông Hồ. Ông là người đầu tiên có ý tưởng dùng cọ lông và mực Tàu để viết chữ Quốc ngữ. Ông từng tâm sự: “Thì ra quốc văn có thể diễn nổi những cảnh sắc sảo sáng sủa của thơ Tây, và cũng có thể diễn nổi những ý tứ thâm trầm, những tư tưởng cao thượng của thơ Tàu. Tôi tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc văn ta có nghèo hèn kém cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp văn, quay ra chuyên tâm học quốc ngữ. Cái duyên của tôi với báo Nam Phong cũng bắt đầu từ đó, mà cái cảm tình của tôi đối với tiếng nước nhà đằm thắm mặn mà cũng bắt đầu từ đó”.

 

Ông Tổ thư pháp Việt

Đông Hồ (10/3/1906 – 25/3/1969), tên thật Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, hiệu Đông Hồ và Hòa Bích; các bút hiệu khác: Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu Tiên Sinh. Ông được đánh giá là một nhà giáo, nhà thơ, chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt và là một người nhiệt tình với văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ông là thành viên của nhóm "Hà Tiên tứ tuyệt" gồm: Đông Hồ, Mộng Tuyết (cũng là vợ của ông), Lư Khê và Trúc Hà.

Sinh tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ ông vốn tên là Kỳ Phác, sớm mồ côi cha mẹ, nhờ bác ruột là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và đặt tiểu tự cho ông là Quốc Tỉ, tự là Trác Chi – Nguồn: Tinh hoa chữ Việt.

Đông Hồ là một người có bàn tay tài hoa, vốn yêu thích viết chữ đẹp và nghệ thuật thư pháp, và lại yêu tiếng Việt nên ông là người đầu tiên có ý tưởng dùng cọ lông và mực Tàu viết chữ quốc ngữ. Vì thế ông được tôn là tổ sư của bộ môn Việt thư (thư pháp chữ Việt).


Nguyễn Dung
(Lớp Báo mạng Điện tử K31 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm