BOT giao thông - chuyện đã leo thang tới mức này ư?

(Dân trí) - Để tránh những phức tạp kéo dài lâu nay và có dấu hiệu ngày càng bất ổn ở một số trạm thu phí BOT, không chỉ cần những chế tài mạnh mẽ, mà quan trọng hơn, rất cần minh bạch thông tin.

 BOT giao thông - chuyện đã leo thang tới mức này ư?   - 1
Nhóm côn đồ bịt mặt dùng gậy tấn công xe
 BOT giao thông - chuyện đã leo thang tới mức này ư?   - 2
Và dùng bình hơi cay xịt vào xe nhưng không nhân viên nào ở trạm này can thiệp

Có lẽ, BOT giao thông là nơi ban đầu được người dân đặt kỳ vọng nhiều về giao thông thông suốt, an toàn, thuận tiện, nhưng chỉ vì thiếu minh bạch, chính nó không chỉ khiến người dân bức xúc, mà còn gây mất lòng tin nghiêm trọng bởi cung cách quản lý của các cơ quan chức năng. Đỉnh điểm của mất niềm tin là việc một số người dân đã tự xuống đường đếm một cách thủ công những chiếc xe qua lại trạm BOT Ninh Lộc đã được dư luận ủng hộ mạnh mẽ. Vậy vì đâu nên nỗi người dân mất niềm tin vào cơ quan chức năng và một số doanh nghiệp làm BOT đến vậy?

Hệ thống lại những “lý do khách quan” mà cơ quan chức năng đưa ra để giải thích cho các chuyện “ngẫu nhiên” nối dài như, tại sao phần lớn các dự án BOT giao thông là chỉ định thầu; tại sao không ít trạm BOT đặt nhầm chỗ; tại sao mới kiểm toán 40 dự án, thời gian thu phí giảm tới 120 năm; tại sao, mức phí của các tuyến chỉ rải thảm nhựa cao gần bằng tuyến đường mới hoàn toàn; và gần đây nhất, chuyện tưởng rất đơn giản, nhưng tại sao kế hoạch thu phí tự động không dừng không thể triển khai đúng kế hoạch … khiến dư luận không còn tin vào những lời giải thích, dù cơ quan chức năng có lập luận kiểu gì gì đi nữa.

Thậm chí, vụ cướp 2,2 tỷ đồng xảy ra tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dư luận không mấy quan tâm đến tên cướp mà chỉ quan tâm đến số tiền đó chênh lệch bao nhiêu với mức thu phí đã báo cáo của trạm này với Tổng Cục đường bộ Việt Nam. Đó là câu chuyện không còn thể coi là bình thường khi tên cướp – một trong những tội vốn bị xã hội lên án mạnh mẽ nhất – đã bị dư luận coi không quan trọng bằng sự nghi ngờ bấy lâu về việc thiếu minh bạch trong báo cáo của nhiều trạm thu phí BOT. Bởi, dư luận hiểu rằng, chỉ những báo cáo thu phí không trung thực cộng với những “nhầm lẫn” cách tính toán, đặt nhầm vị trí ngay từ đầu … thì họ có thể “ăn cướp” của dân hàng ngàn tỉ đồng.

Chính vì vậy, không phải vô cớ mà một số người tham gia giao thông đã tìm mọi cách hợp pháp để gây khó cho trạm thu phí, khiến một số trạm thu phí phải xả trạm liên tục, thậm chí trạm BOT Cai Lậy (trên QL1 qua tỉnh Tiền Giang) phải tạm dừng thu phí đã … hơn năm (từ đầu tháng 12.2017 đến nay).

Nhưng tháng 2 năm nay, việc một số đối tượng bịt mặt với hung khí trong tay hành hung những lái xe đi qua trạm thu phí Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) khiến dư luận thật sự bàng hoàng. Câu chuyện đã leo thang tới mức này ư? Nay người dân lại tự ghi việc thu phí và tạm nghỉ để tính cách làm có hiệu quả nhất, có bằng chứng mà cơ quan chức năng không thể phủ nhận.

Để tránh những phức tạp kéo dài lâu nay và có dấu hiệu ngày càng phức tạp ở một số trạm thu phí, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp hiệu quả nhất, trong đó minh bạch thông tin là nhiệm vụ hàng đầu và có những chế tài mạnh mẽ nhất.

Vương Hà