“Bóng ma” địa ốc Alibaba và khoảng trống trách nhiệm

(Dân trí) - Vì sao, khi chủ doanh nghiệp giao bán công khai các lô đất của những “dự án ma”, không một cơ quan nào có giải pháp ngăn chặn, thậm chí, kể cả khi có đơn thư tố cáo?

“Bóng ma” địa ốc Alibaba và khoảng trống trách nhiệm - 1

Riêng dự án Khu đô thị Tây Bắc, Củ Chi, TP HCM, Cty Alibaba đã nhận đăng ký đặt chỗ của 493 khách hàng với tổng số tiền hơn 16,6 tỷ đồng

Dấu hiệu lừa đảo của Cty CP Địa ốc Alibaba (Cty Alibaba) không chỉ khuynh đảo ở Bà Rịa – Vũng Tàu, mà lan ra cả Đồng Nai, Bình Thuận, thậm chí vào cả TP HCM. Đây là vụ án điển hình cho thấy những  lỗ hổng lớn trong quản lý, sự bất lực của chính quyền cơ sở. Đến nay, Bộ Công an phải vào cuộc.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra trong vụ án này là vì sao những “dự án ma” có thể công khai rao bán, thậm chí kể cả khi cơ quan chức năng đã vào cuộc?

   Những dự án địa ốc của Cty Alibaba đang khiến hàng trăm, hàng nghìn người dân có khả năng mất nhiều tiền tỉ bởi hàng chục dự án ở nhiều tỉnh được ông chủ của Alibaba “vẽ” ra. Hãy khoan vội trách người dân đầu tư không chịu tìm hiểu, mà vấn đề là, ông chủ của Alibaba dựng những nhà hoành tráng ngay tại “dự án ma” để bán, thậm chí, họ không chỉ phân lô, mà còn thảm nhựa cả đường đi, lối lại khu vực đó, thì thử hỏi ai chẳng tin.

Vậy mà, đến khi các lực lượng chức năng của xã Tóc Tiên, TX Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) mới đến giải tỏa mặt bằng để trả về nguyên trạng, Cty Alibaba tổ chức nhân viên mặc đồng phục công khai chống lại lực lượng chức năng. Họ sử dụng gạch đá, gây gộc để phá hủy phương tiện của cơ quan chức năng. Thậm chí, đến khi một số đối tượng bị tạm giữ hình sự, họ lại tổ chức người đến cơ quan công an vây hãm đòi thả người. Không chỉ vậy, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Cty Alibaba còn ngang nhiên mạt sát Chủ tịch, Trưởng công an xã Tóc Tiên như “học ngu ra làm công an xã”, “học làm côn đồ làm chủ tịch xã”... Dư luận không thể hình dung nổi, sao họ dám  làm loạn đến mức như vậy.

“Bóng ma” địa ốc Alibaba và khoảng trống trách nhiệm - 2

Tối 25/6, trên Fanpage của Địa ốc Alibaba đã livestream công khai lời xin lỗi của ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba, đối với lực lượng công an xã, chủ tịch xã sau khi có những phát ngôn gây bức xúc cho nhiều người.

  Do đó, cần phải làm rõ, những dấu hiệu lừa đảo của Cty Alibaba là khá rõ, vì sao mãi gần đây khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Mặt khác, nếu địa phương dẹp ngay từ đầu, làm sao có chuyện đất nông nghiệp bị phân lô, bán nền có đầy đủ đường xá và hàng trăm người dân bị lừa. Dựa vào đâu, họ dám ngang nhiên chống chính quyền và đánh người dân khi họ đến đòi lại tiền? Có uẩn khúc gì ở đây không?

Và trong thực tế, những “dự án ma” kiểu phân lô bán nền trên khắp cả nước không ít. Chẳng hạn, ngay cả dự án lớn như Thanh Hà – Cenco5 ở Hà Nội, tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra như thường. Trong vụ án này, dự án là có thật, nhưng rất nhiều tình tiết ly kỳ, liên quan đến việc ăn chia khoản chênh giá khủng của lãnh đạo PVP Lad trong quá trình bán dự án. Từ đó mới nảy sinh chuyện ký hợp đồng bán rồi đơn phương hủy hợp đồng, lợi dụng quá trình đó, những đối tượng mua dự án dù không được mua nữa, nhưng với hợp đồng cũ còn trong tay, vẫn phân lô bán nền, hậu quả hơn 400 nạn nhân bị lừa đảo gần 800 tỉ đồng. Vụ án này đã kết thúc giai đoạn 1, một loạt đối tượng đã đi tù, nhưng giai đoạn 2 của vụ án vẫn đang tiếp tục và báo hiệu nhiều vị tai to mặt lớn hơn nữa có thể dính vào vòng lao lý.

Hoặc trường hợp của cựu ĐB Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị kết án tù chung thân về tội lừa đảo cũng khá điển hình. Bà Nga liên kết với một doanh nghiệp đang có đất làm dự án làm khu tái định cư ở Cầu Diễn, Hà Nội. Tuy nhiên, dù dự án chưa được cấp phép xây dựng, bà Nga đã phân lô, bán nền. Hậu quả, hơn 700 nạn nhân bị lừa gần 400 tỉ đồng.

Điều cần nói là, những vụ án kiểu phân lô bán nền dù dự án chưa được phê duyệt kiểu này không hề ít. Nguyên nhân thì có nhiều, người viết chỉ muốn đề cập đến một số nội dung chính.

Thứ nhất, những người đầu tư vào dự án có muốn tìm hiểu tính pháp lý của dự án không khác gì mò kim đáy biển. Bởi, nó hầu như chẳng được công khai. Vậy đâu là lý do?

Thứ hai, khi bị khởi tố nhiều chủ đầu tư dự án khai là đã tốn rất nhiều tiền “bôi trơn” các cấp, nên tin sẽ được duyệt mới dám phân lô, bán nền để lấy tiền đầu tư, kể cả cho việc “bôi trơn”. Nhưng, khi không được duyệt, họ trở thành kẻ lừa đảo bất đắc dĩ, và hài hước là hầu hết các quan chức cầm tiền “bôi trơn” với số tiền cực lớn đều bình an vô sự vì cơ quan điều tra...  không đủ chứng cứ.

Thứ ba, điều đáng nói là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nắm rõ hơn ai hết những dự án này đã hoàn thành thủ tục chưa? Nhưng vì sao khi đối tượng giao bán công khai những lô đất chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, không một cơ quan nào có giải pháp ngăn chặn, thậm chí kể cả khi có đơn thư tố cáo?

Cuối cùng, điều dư luận quan tâm là khi xảy ra các vụ án lừa đảo dạng này dù hậu quả rất nặng nề, hầu như không một cán bộ ở các cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm, ít nhất về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Lổ hổng này khiến các vụ án lừa đảo này diễn biến ngày càng phức tạp.

Vương Hà