Ý kiến luật sư:

Bồi thường án oan: Cần cơ chế mở để tháo gỡ

(Dân trí) - Việc TANDTC tổ chức buổi gặp gỡ gia đình ông Chấn và luật sư của ông để bàn thảo về việc ông Chấn yêu cầu khoản bồi thường tổn thất 10 năm tù oan sai khoảng 10 tỷ đồng, là thể hiện sự cầu thị chu đáo của các cơ quan pháp luật.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Đây cũng là bước đi phù hợp các trình tự thủ tục theo luật định.
 
Tại buổi làm việc này, yêu cầu của TANDTC, dựa trên cơ sở những quy định về Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, cũng như Thông tư liên tịch số 05 năm 2012 hướng dẫn thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, điều này lại phát sinh khó khăn cho gia đình ông Chấn trong việc đưa ra các chứng cứ chứng minh thiệt hại về cả vật chất và tinh thần.

 

1/. Về vật chất: bao gồm một loạt các căn cứ, như tài liệu để chứng minh quá trình thăm nuôi. Chứng minh chi phí đi lại ăn ở trong quá trình kêu oan… Những chứng cứ chứng minh các chi phí này, ông Chấn không đưa ra được. Mà nếu không có sẽ rất khó khăn để giải quyết việc bồi thường theo yêu cầu của ông Chấn.

 

Nhìn nhận từ thực tế, việc bồi thường nói chung và bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng rất phức tạp trong cơ chế thực hiện. Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước mới được xây dựng và vận hành chưa lâu, nên cơ quan chức năng cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết những sự việc như thế này. Do vậy, tôi nêu quan điểm:

 

Nên chăng qua vụ án Nguyễn Thanh Chấn, tạo ra những cơ chế mở trong khuôn khổ pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc thực tế nảy sinh trong quá trình xem xét đánh giá hồ sơ, tài liệu, giải quyết cơ chế bồi thường cho người dân.

 

Ở vụ ông Chấn, để chứng minh chi phí thì nên chăng chúng ta “tháo gỡ” bằng cách đánh giá trên cơ sở chi phí thực tế. Ví dụ chi phí di chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM  (và các tỉnh thành khác) bằng phương tiện gì, việc ăn uống hay thuê nhà nghỉ trọ… đều có một mức chi phí chung của xã hội tại thời điểm đương sự tiến hành. Nếu ông Chấn không có hóa đơn chứng từ để chứng minh các chi phí nảy sinh trong quá trình đi đòi công lý, thì vẫn có thể áp dụng mức “chi phí chung” để làm cơ sở xem xét chi phí thực tế để bồi thường, mà không nhất thiết phải bắt đương sự cung cấp đầy đủ chứng cứ, hóa đơn chứng từ.

 

Nếu làm được việc này sẽ tạo được tiền lệ giải quyết tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề thực hiện trách nhiệm bồi thường. Tiến tới tìm ra một cơ chế phù hợp nhất để vận hành trong tương lai.

 

2/. Còn về vấn đề tổn thất tinh thần: theo quy định hiện hành mức cao nhất là 60 tháng lương cơ bản (áp dụng đối với trường hợp tổn thất tinh thần do chết). Theo quan điểm của tôi, “tinh thần” vốn là thứ không có thước đo, chưa có cách nào định lượng được chính xác. Chính vì vậy, không thể nào lượng hóa được cụ thể một cách tuyệt đối.

 

Tuy nhiên, đánh giá mức lượng hóa hiện nay theo quy định của pháp luật là 60 tháng lương hoặc 30 tháng lương cơ bản, thì tính ra tổn thất tinh thần của ông Chấn trong ròng rã 10 năm tù oan cũng chỉ vài trăm triệu đồng, chưa phản ánh được cái sự “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Như vậy, cơ chế bồi thường tổn thất về tinh thần theo pháp luật hiện nay, khách quan mà nói là chưa đáp ứng được so với thiệt hại thực tế mà đương sự phải gánh chịu. Nếu cơ quan chức năng cũng nhận thấy là chưa đáp ứng được, thì trong quá trình vận hành cũng cần có sửa đổi, bổ sung.

 

Có thể thấy, xét về lý, nếu không chứng minh được những khoản chi phí phát sinh trong quá trình đi kêu oan, thì theo quy định của pháp luật yêu cầu đòi bồi thường khoản tiền gần 10 tỷ đồng của ông Chấn là thiếu căn cứ, khó được xem xét giải quyết trọn vẹn. Tuy nhiên, nếu xét về tình thì yêu cầu của ông Chấn sẽ nhận được sự ủng hộ của dư luận. Bởi lẽ, với 10 năm tù oan không chỉ tước đi tự do, công ăn việc làm của một mình ông Chấn mà còn làm ảnh hưởng đến danh dự, công việc, sức khỏe, uy tín danh dự của vợ con và nhiều thành viên khác trong gia đình ông Chấn. Sau 10 năm tù oan, ông Chấn ra tù với “tay trắng” đối diện với tuổi già, bệnh tật…

 

Như vậy, mặc dù không phù hợp với pháp luật hiện hành, nhưng khoản yêu cầu bồi thường gần 10 tỷ đồng cho 10 năm tù oan, cũng có thể xem không phải là đòi hỏi quá đáng.

 

LS Trương Anh Tú