Bộ trưởng nên dành ghế Đại biểu Quốc hội cho người chuyên trách

Bộ trưởng không nên là Đại biểu Quốc hội- Phát biểu nghị trường của ĐBQH Trần Hồng Hà. Mà ông Trần Hồng Hà thì đang đương kim Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.

Bộ trưởng nên dành ghế Đại biểu Quốc hội cho người chuyên trách - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn nhường ghế đại biểu quốc hội cho những người chuyên trách

Bối cảnh của phát ngôn là phiên thảo luận tại Quốc hội về Luật Tổ chức Quốc hội. Nhận định của phát ngôn là từ thực tế: “Cơ cấu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều bộ trưởng, thậm chí một số chủ tịch UBND tỉnh làm ĐBQH, dẫn đến thực tế khó khăn trong chỉ đạo, điều hành”.

Tâm tư của phát ngôn là một câu hỏi: “Phải chăng cứ bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội?”

Liên hệ là chuyện “Các nghị viện thế giới, họ có quyền chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào, chất vấn cả chủ tịch UBND các địa phương nữa”.

Và nguyên văn của phát ngôn là “Đề nghị tăng số lượng ĐBQH chuyên trách lên 50 - 60%, đồng thời giảm số lượng ĐB khối cơ quan hành pháp”.

Câu chuyện các bộ trưởng, các chủ tịch, hay “khối hành pháp” nói chung ngồi ghế cơ quan giám sát thật ra đã được nói tới nhiều lần. Đây cũng là một nguyên nhân cho tình trạng ĐBQH vắng họp quá nhiều.

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Trần Văn Giàu từng đưa ra thống kê: “Không ngày nào vắng dưới 30 người, có ngày vắng 100 người, có đoàn vắng 50% số đại biểu, 7 người vắng 4, vắng ngay cả trong ngày biểu quyết”.

Một bộ trưởng, đầu tắt mặt tối vì công việc, nếu thêm vai ĐBQH sẽ “xuân thu nhị kỳ” 2 tháng họp Quốc hội. Nói bận, không đi họp thì ra chuyện ĐBQH vắng họp. Nếu họp đều, họp có trách nhiệm, chắc chắn không thể không đặt câu hỏi: Vậy còn chuyện... hành luật có quá nhiều việc và khi một vị bộ trưởng cũng chính là một "tư lệnh ngành".

Thế nên, khi góp ý về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã có Đại biểu đề xuất Quốc hội nên tổ chức 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách.

Vấn đề ở đây không chỉ là họp ít hay họp nhiều mà còn là chuyện chồng chéo, lấn vai giữa khối hành pháp và cơ quan giám sát như nói ở trên.

Hiến pháp đã quy định Quốc hội có chức năng giám sát mọi hoạt động của Chính phủ và Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Các thành viên Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Về lý thuyết, các thành viên Chính phủ là những người bị giám sát nên không thể đồng thời là người thực hiện quyền giám sát.

Hơn nữa, khi bị chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền quốc hội thì các thành viên chính phủ sẽ đóng vai nào? Người bị giám sát hay người giám sát.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nói thật. Nói chân thành. Đây là một phát ngôn trách nhiệm có thực tiễn là những bất cập khi một người "hai vai". Và có cả cơ sở pháp lý nữa.

Phát biểu của một đương kim bộ trưởng hôm nay, trong phiên thảo luận một luật về tổ chức, sẽ có ý nghĩa hơn nhiều nếu từ đó, nó trở thành tiền đề cho một điều luật quy định các thành viên của Chính phủ không ứng cử ĐBQH hoặc ít nhất là một tiền đề để thay đổi cơ cấu của Quốc hội với không quá nhiều vị trí nhầm chỗ, từ đó chưa phát huy hết vai trò của mình.

Theo Anh Đào

Báo Lao động