Phiếm đàm

Bộ nói có, địa phương bảo không, còn dân nghĩ gì?

(Dân trí) - Có những bạn đọc lo lắng sự việc này dù là bộc lộ mức độ và quy mô tiêu cực rất lớn, nhưng liệu có được giải quyết đến nơi đến chốn không.

>> Vụ dán logo "xe vua": CSGT không bảo kê xe quá tải?

 

Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Vụ bán logo cho xe tải làm bùa hộ mệnh để mặc sức chở quá tải mà không hề bị phạt, đang được  dư luận quan tâm, đâu phải vì là chuyện mới mẻ gì, bởi trước đây báo chí đã điều tra và dành nhiều bút mực cho chuyện này, nhưng nó lạ ở chỗ sau khi sự việc lộ diện, bộ công an thì bảo có,  nhưng Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TPHCM khẳng định không hề có chuyện như vậy, Đó chỉ là dư luận.

Cụ thể, chiều 29/8, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an cho biết, sự việc xẩy ra ở TPHCM, sau 5 tháng điều tra, cảnh sát hình sự đã.tạm giữ 7 người liên quan đến đường dây tự xưng có quen biết với nhiều cán bộ, lãnh đạo của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, đoàn kiểm tra liên ngành và thực hiện tự in các logo giá từ 400 đồng đến 1.000 đồng mỗi logo song bán cho chủ xe giá 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng mỗi logo, với đảm bảo hàng ngày các đối tượng này sẽ thông tin cho các tài xế những khu vực mà các cơ quan chức năng tuần tra, nếu tài xế bị bắt thì nhóm này ra tay can thiệp. Ước tính băng nhóm này bảo kê cho hàng trăm nhà xe với hơn 1.000 đầu xe các loại, mỗi tháng thu lợi bất chính số tiền từ 2,5-3 tỉ đồng từ việc bán logo. Cục trưởng C45 nhấn mạnh, về thủ đoạn tổ chức, nhóm này có một hệ thống móc nối với cán bộ làm nhiệm vụ, có cả thanh tra giao thông nắm tình hình kiểm tra của lực lượng chức năng tại những chốt kiểm soát tải trọng xe lưu động, sau đó báo về cho trung tâm chỉ huy để thông tin cho tài xế. Khi có xe vi phạm, những người  này đến xin xỏ để không bị phạt hoặc giảm nhẹ mức phạt, nếu không xin được thì nộp phạt. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định;  “C45 sẽ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để mở rộng điều tra làm rõ các cá nhân có liên quan “bảo kê” cho đường dây bán logo. Quan điểm của Bộ Công an là xử lý bất kỳ ai có vi phạm kể cả lực lượng công an và thanh tra giao thông”

Nhưng trước sự việc trên,  Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TPHCM lại khẳng định : “Không hề có chuyện các xe quá tải gắn logo chạy qua các trạm có CSGT trực mà không hề bị yêu cầu dừng lại. Đó chỉ là dư luận. Nếu cán bộ, chiến sĩ nào liên quan đến việc tổ chức bảo kê, mua bán logo chúng tôi đều kiên quyết xử lý triệt để”.

Như vậy, Bộ nói có, còn địa phương lại bảo là không. Còn hãy xem dân nghĩ gì?

Bạn đọc Phạm Đạt thắc mắc về sự phi lý: “Nếu cảnh sát giao thông không bảo kê thì làm sao bán được lo go”.  Bạn đọc hai linh nguyen : “Vô lý, nếu không được bảo kê thì làm sao các xe quá tải dán những logo ấy lại qua mặt cơ quan chức năng dễ thế được.” Nguyễn Thanh Sang: “Vấn đề nằm sau tấm logo ấy. Chứ không ai tự nhiên bỏ  tiền ra mà mua tờ giấy vụn . Cách nói này chỉ nhằm ngụy biện thôi. Dân thường ai dám bán logo nếu không được bảo kê. Dân không  ngu đâu. Đọc mà thấy tức.”

Còn bạn đọc hTpro (huythuong77@yahoo.com) hoài nghi chẳng lẽ trên đời lại có những kẻ ngu nếu bỏ tiền triệu ra  mua logo về để chẳng làm gì:  “Xã hội này nhiều kẻ ngu nhỉ, mua cái logo vài triệu một tháng chẳng để làm gì, chỉ dán vào xe cho đẹp sao?! Ai tin là họ ngu? Ai tin ai nhỉ? Xem dân họ tin ai?”

Thậm chỉ nhiều bạn đọc còn lo lắng cho những lái xe nào như vậy là những kẻ điên. Bạn đọc Trần Mạnh Cường viết: “Phải kiểm tra các tài xế đả mua logo có bệnh tâm thần không vì dám bỏ ra mua tờ giấy không có tác dụng gì với giá 2.5 đến 3 triệu mỗi tháng” Chau Trinh (chautrinh.tn@gmail.com): “Logo mà không có giá trị gì thì họ mua làm gì, điên à, mà để tờ logo có giá trị lớn như vậy thì phải có bảo kê chứ ông. Dân biết hết đấy ông ạ”  Nguyễn Kiên(nguyenkienub1986 @gmail.com): “Nếu ko có bảo kê thì phải phát biểu là có hiện tượng lái xe tải bị điên sãn sàng bỏ ra 2,5 đến 3 triệu để mua logo xe vua chứ. Cánh xe tải cày ngày đêm kiếm tiền ngoài xã hội chắc là không bị thần kinh nà bỏ tiền như thế đâu. Không ai tin.” Tran long Biên (Balua@gmail.com) : “Đọc xong thấy nguy hiểm quá. Có hàng vài trăm lái xe bị điên đang tham gia giao thông. Ngành giao thông nên cho họ đi kiểm tra bệnh lý. Vì chỉ có người điên mới bỏ ra vài triệu mua logo để dán trên xe cho đẹp.”

Để đi đến tận cùng bản chất của sự việc, bạn đọc nguyen duy tuan (tuantheu105@gmail.com) cho rằng:  “Đồng chí Đại tá thì không bảo kê đâu nhưng cấp dưới đồng chí thì sao? Công tác kiểm tra cấp dưới cực kỳ quan trọng đấy. Nếu không làm trong sạch được đội ngũ thì đồng chí cũng phải chịu trách nhiệm! Còn kết luận không có "bảo kê" thì ít người tin lắm. Vì nếu không được lợi gì bản thân đồng chí có đi mua mấy logo ấy không? Với nhân dân không nên "Nói cho vừa lòng" kiểu này đâu”

Còn bạn đọc chunghuy70 (chunghuy70@yahoo.com) cảnh báo chuyện bảo kê xe quá tải có từ lâu rồi : “Công an bảo kê xe quá tải có từ lâu rồi giờ mới nói, thực tế mới đầu xe chỉ từ 3 đến 4 triệu mỗi tháng, họ có qui định ngầm với nhau rõ ràng, ai mới thắng được bảo kê bao nhiêu đầu xe, mỗi người đều có hệ thống chân rết thu tiền bảo kê rồi nộp lại và được cho bao nhiêu phần trăm, nếu mà báo chí  điều tra được vụ này thì là giúp cho Đảng, Nhà nước và nhân dân nhiều lắm trong việc lành mạnh xã hội”

Và Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tại cuộc tọa đàm chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe do Báo Giao thông tổ chức (28/7). cũng  cảnh báo: “Hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn “xe vua”, được bảo kê bởi một số quan chức ở địa phương. Có sự hình thành những nhóm lợi ích tìm mọi cách đối phó với chủ trương siết chặt xe quá tải. Theo ông Thanh đây là cuộc chiến rất phức tạp, hết sức gay go, kéo dài đến 30 năm nay. Thậm chí, nhiều lần ra quân đánh không đến nơi đến chốn nên vấn nạn ngày càng tăng.” Để làm rõ thêm ý kiến này, bạn đọc Dân đen (fairplay_boy122@yahoo.com.vn) viết: “Không liên quan mới lạ đấy, không tin cứ đến Hà Nội là biết ngay . Nói chung ở tỉnh thành nào cũng đều có xe vua hết, quan trọng là các bác lãnh đạo có dám phanh phui ra hay không thôi”

Cuối cùng, bạn đọc kiến nghị: “Theo tôi công an hình sự hoặc kinh tế, điều tra của Bộ phải vào cuộc, điều tra những người bán logo thì sẽ biết ai đứng sau lưng bảo kê. Theo tôi nghĩ người đứng ra bảo kê cũng phải là sếp của một vùng hoặc một khu vực nào đó, thu tiền bất chính của nhân dân, tiếp tay cho những kẻ chạy xe không tuân thủ luật giao thông, xem thường tính mạng của nhân dân. Đây là điều rất quan trọng trước mất cũng như lâu dài, cần phải làm sáng tỏ cho đến nơi đến chốn để trả lại sự trong sạch của ngành Giao thông cũng như Công an Việt Nam.” (Phan Đình Thắng - phandinhthangqh.2@gmail.com)

Tuy nhiên, có những bạn đọc lo lắng sự việc này dù là bộc lộ mức độ và quy mô tiêu cực rất lớn, nhưng liệu có được  giải quyết đến nơi đến chốn không. Bạn đọc  Ha Vy viết: “7 người này làm "tốt thí" được rồi. Dễ gì điều tra ra. mai mốt kết luận không có cán bộ nào liên quan, hết phim” Bạn đọc Ngo Xuan Thinh thiếu tin tưởng: “Một thời gian sau đâu lại vào đấy thôi mà. Chuyện bình thường ở Việt Nam”, Còn bạn đọc Nguyễn Minh cho rằng: “Không có bảo kê thật thì có ai mua nhi? Vụ này lại chìm rồi..”

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)