Bạn đọc viết:

Bộ Giáo dục Đào tạo nên bỏ cách làm áp đặt

(Dân trí) - Muốn thay đổi, cần phải để các nhà giáo dục tâm huyết, có đức, có tài thật sự tham gia thi tuyển chức danh cán bộ quản lý từ cấp hiệu trưởng các trường cho đến cao hơn như giám đốc sở GDĐT, Thứ trưởng…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Bộ GDĐT  đã bao giờ chấp nhận đề án do những người không phải là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý trong Bộ GDĐT đề xuất chưa? Đã bao giờ mời các nhà giáo dục giỏi đang quản lý, giảng dạy tại các trường do Bộ GDĐT quản lý; các chuyên gia đầu ngành về giáo dục; các GS, TS và cả các chuyên gia nước ngoài về giáo dục mà VN hay mời thuyết trình, hội thảo, phối hợp và trình lên chưa ? Hình như là chưa bao giờ thấy.

 

Chủ yếu là vẫn thực hiện theo cơ chế mệnh lệnh từ trên xuống, có nghĩa là Bộ GDĐT "nghiên cứu" và thẩm định, ban hành sau đó mới "hội thảo, rút kinh nghiệm". Đó là cách làm áp đặt, duy ý chí và bỏ phí các ý tưởng, ý kiến tâm huyết, sâu sắc, khả thi của các nhà giáo dục tâm huyết, có đức, có tài ngoài xã hội.

 

Ví dụ như  việc đổi mới các kỳ thi, ngăn chặn căn bệnh thành tích và vấn nạn dạy thêm tràn lan... Muốn cải cách, đổi mới toàn diện thì Bộ GDĐT phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở tầm  vĩ mô, đừng quá sa đà vào việc cụ thể như "nghĩ" ra nhiều kỳ thi để thanh tra, kiểm tra nhiều. Nên chấp nhận đề xuất bỏ bớt các kỳ thi, chỉ cần một kỳ thi chung, bãi bỏ việc tổ chức thi tốt nghiệp, lại thêm kỳ thì cao đẳng, trung cấp.

 

Nhiều kỳ thi để làm gì, vì muốn đánh giá kết quả dạy và học thì "học gì, thi nấy" thì chỉ cần đủ điểm thì đỗ tốt nghiệp là có thể được phép xét tiếp ĐH, CĐ, trung cấp. Không đủ điểm mà đỗ tốt nghiệp thì chỉ được học nghề. Không đỗ tốt nghiệp thì năm sau thi lại. Môn nào cũng phải thi để ngăn chặn học tủ, học lệch, bỏ bê coi thường các môn không phải chuyên ngành ĐH, CĐ của mình. Nếu môn nào cũng thi, chắc chắn học sinh khối A không dám bỏ bê môn Lịch sử, Địa lý như hiện nay.

 

Sao cứ mãi  điệp khúc "Tạo điều kiện để các em có cơ  hội học ĐH, CĐ" mà thực chất là tạo điều kiện để các trường ĐH, CĐ có chất lượng đào tạo thấp đủ sinh viên, có lãi cao. Còn nói rằng chất lượng sinh viên ra trường "do xã hội thẩm định và đào thải..." là ngụy biện và né trách nhiệm, mà mục đích là lợi nhuận.

 

Muốn thay đổi, cần phải để các nhà giáo dục tâm huyết, có đức, có tài thật sự tham gia thi tuyển chức danh cán bộ quản lý từ cấp hiệu trưởng các trường cho đến cao hơn như giám đốc sở GDĐT, Thứ trưởng…

 

Chỉ có đổi mới toàn diện, sâu sắc và dám chấp nhận đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tài năng, đức độ và tâm huyết thật sự, có tầm nhìn chiến lược và tư duy hiện đại, mới có thể đổi mới toàn diện và hướng cho giáo dục Việt Nam đi đúng đường, không tụt hậu.

 

Nguyễn Bá Thành Đạt

Nguyenbathanhdat@gmail.com