Bỏ cộng điểm thi nghề phổ thông sẽ đảm bảo được sự công bằng
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh thi vào lớp 10, trong đó chủ yếu là điểm thi học nghề, điểm khuyến khích từ thành tích học sinh giỏi, điểm khuyến khích các kỳ thi được tổ chức trong năm học. Xung quanh chủ trương này có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Bài viết xin đưa ra một vài suy nghĩ để bàn luận về vấn đề này.
Trên thực tế, trong một thời gian khá dài, ngành Giáo dục đã thực hiện cộng điểm khuyến khích cho học sinh thi tuyển vào lớp 10, chế độ này được áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước. Cùng với đó là chế độ cộng điểm khuyến khích khi học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi được tổ chức trong năm học. Chế độ cộng điểm này, trong nhiều năm đã tạo động lực cho học sinh, giảm sự căng thẳng, áp lực cho các kỳ thi.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều mặt để thay đổi thực chất các chế độ khuyến khích đối với học sinh sao cho phù hợp và hiệu quả. Có thể thấy, môn nghề phổ thông được đưa vào giảng dạy trong nhà trường THCS, THPT nhiều năm nay và là một môn học bắt buộc. Tuy không cộng điểm vào trung bình môn học nhưng là điều kiện để học sinh dự xét tốt nghiệp, được ghi kết quả vào học bạ. Mục đích của môn học này là nhằm hướng nghiệp cho học sinh, bước đầu cho các em làm quen, học các kỹ năng cơ bản để thực hành các nghề như làm vườn, lâm sinh, điện, may vá….
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, môn học này từ lâu được học sinh chú trọng học với mục đích để cộng điểm khuyến khích khi tham gia các kỳ thi. Vì vậy, không ít học sinh tham gia học một cách chiếu lệ, ít quan tâm đến chất lượng mà chỉ cốt đạt được bằng giỏi để giúp ích cho kỳ thi của mình. Cùng với đó, công tác giảng dạy môn nghề phổ thông chưa được chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức. Nhiều nhà trường bố trí thời gian giảng dạy chưa khoa học, còn thiên về dạy lý thuyết, chưa chú trọng thực hành, miễn sao, khi thi, học sinh đạt chứng chỉ giỏi để có điểm cộng vào kết quả thi tuyển vào THPT, thi tốt nghiệp THPT.
Cùng với môn nghề phổ thông thì trong năm học, ngoài kỳ thi chọn học sinh giỏi theo truyền thống thì mỗi cấp học lại tổ chức khá nhiều các kỳ thi khác như thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi Olympic các môn học, thi tích hợp liên môn, giải toán trên máy tính cầm tay…Các kỳ thi này tuy có tác dụng khơi dậy sự sáng tạo của học sinh nhưng đã lấy đi khá nhiều thời gian, làm cho không ít học sinh chưa thực sự tập trung vào chương trình học tập chính khóa. Nhiều địa phương đã lấy kết quả của các kỳ thi này để cộng điểm khuyến khích cho học sinh khi thi tuyển.
Trong chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra phương án bỏ cộng điểm khuyến khích khi học sinh thi tuyển vào lớp 10. Tuy nhiên, thiết nghĩ, chúng ta nên phân biệt rạch ròi từng loại điểm khuyến khích để tránh thiệt thòi cho học sinh. Cần chia và phân loại các kỳ thi theo tính chất của nó như thi nghề phổ thông với thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và thi học sinh giỏi các cấp. Từ đó, chúng ta nên bỏ cộng điểm khuyến khích ở môn thi nghề phổ thông và giữ nguyên chế độ cộng điểm khuyến khích đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi, sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Bởi lẽ, đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi, sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh phải đầu tư nhiều thời gian, phải dày công dùi mài, nghiên cứu để đạt được. Thực chất của kỳ thi này là gắn liền với môn học văn hóa, giúp các em phát huy được khả năng học tập, sáng tạo để chinh phục đỉnh cao tri thức. Vì vậy, khi các em đạt được kết quả cao, mang về cho nhà trường, cho địa phương, cho ngành niềm vinh dự lớn lao thì các em hoàn toàn xứng đáng được cộng điểm khuyến khích khi thi tuyển vào THPT. Chế độ cộng điểm này cần được duy trì trên địa bàn cả nước chứ không nên khoanh vùng ở địa bàn thành phố.
Như vậy, việc bỏ chế độ cộng điểm thi nghề phổ thông sẽ đảm bảo được sự công bằng đối với tất cả học sinh khi tham dự kỳ thi tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng học tập, chất lượng đầu vào vì bấy lâu nay, có khá nhiều phụ huynh, học sinh có tâm lý học nghề là để cộng điểm nên sẽ có tư tưởng trông đợi, ỷ lại vào điểm khuyến khích mà không chú trọng ôn tập, tích lũy kiến thức để tham dự kỳ thi. Hầu hết học sinh thi tốt nghiệp môn nghề phổ thông đều đạt loại giỏi. Như thế, nếu lấy kết quả này để cộng điểm khuyến khích thì không có tính nêu gương, không có tính thúc đẩy mà thiên về cào bằng.
Hơn nữa, bỏ cộng điểm khuyến khích nghề sẽ là dịp để ngành, các địa phương, các nhà trường đổi mới chương trình, cách thức tổ chức dạy nghề phổ thông sao cho khoa học, hiệu quả và thiết thực, gắn với nhu cầu thực tiễn nhiều hơn. Cùng với đó là hạn chế các kỳ thi diễn ra trong năm học để cho học sinh dành thời gian nhiều cho chương trình học tập chính khóa.
Tuy đã đưa vào trong dự thảo nhưng để cho phụ huynh, học sinh tránh được tâm lý lo lắng khi mà chỉ còn một kỳ học nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu để áp dụng phương án cộng điểm khuyến khích bắt đầu từ năm học 2018 – 2019 trên địa bàn cả nước./.
Theo Nguyễn Thế Lượng
Báo điện tủ Đảng Cộng sản Việt Nam