Biết xin lỗi dân vì sự làm phiền

Hành động tưởng chừng rất nhỏ này tạo sự thông cảm, chia sẻ nhiều hơn từ phía người dân.

Gần đây, một số đơn vị thi công ở Đà Nẵng, TP.HCM… đã biết treo bảng xin lỗi người dân vì những phiền toái do quá trình thi công của mình gây ra. Và càng đáng hoan nghênh hơn khi các cơ quan quản lý liên quan đã có chủ trương xem đây là một hành xử cần thiết để phổ biến sâu rộng nhằm tìm kiếm sự chia sẻ nhiều hơn từ phía người dân.

Lời xin lỗi làm mát lòng dân

“Trước đây hễ thấy rào chắn nào dựng lên trong TP là ai cũng “ngán” lắm. Lúc đi qua các lô cốt, xe cộ bấm còi inh ỏi, tiếng máy khoan cọc nhồi đóng nhức óc, nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại mà lại chen chúc nhau từng tí. Đúng là không chịu thấu” - anh Lê Văn Tuấn (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ.

Điều đáng nói hơn là tuy gây ra biết bao phiền toái, làm ảnh hưởng không ít đến đời sống của người dân nhưng những đơn vị thi công trước đây vẫn cứ “việc ta ta cứ làm”, chẳng có một động thái nào gọi là cảm thấy có lỗi với người dân. “Chính sự “lạnh lùng” đó càng tạo ra tâm lý ức chế, khó chịu của người dân đối với các lô cốt công trình” - anh Tuấn bộc bạch.

Để tránh bị dân than phiền và chủ động thân thiện hơn, thời gian qua tại các công trình đang thi công ở TP Đà Nẵng như nút giao thông ngã ba Huế, tòa nhà trung tâm hành chính, đường Vành đai phía Nam… hay các công trình như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ... ở TP.HCM đã xuất hiện nhiều lời xin lỗi được cho là rất dễ thương và nhận được sự tán dương của người dân TP. Những dòng chữ nho nhỏ như “Hãy chia sẻ lối đi với chúng tôi vì TP Đà Nẵng thân thương”; “Xin lỗi vì chúng tôi đã làm phiền”; “Rất xin lỗi khi thi công chúng tôi làm ảnh hưởng đến mọi người” đã góp phần hóa giải được những bực bội, than phiền từ người dân TP.


Biển xin lỗi dân tại công trình nút giao
thông ngã ba Huế ở TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Biển xin lỗi dân tại công trình nút giao thông ngã ba Huế ở TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Biển xin lỗi dân tại công trình nút giao
thông ngã ba Huế ở TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Ở TP Đà Nẵng dễ dàng bắt gặp các biển hiệu xin lỗi dân “dễ thương” như thế này tại các công trình xây dựng. Ảnh: LÊ PHI

Cảm nhận về sự thay đổi này, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Người dân đâu cần chính quyền, đơn vị thi công phải làm những điều to tát. Chúng tôi muốn họ biết rằng họ đang gây ra những xáo trộn trong cuộc sống và phải xin lỗi về điều mình đã gây ra. Chúng ta chẳng phải dạy cho trẻ nhỏ phải biết cảm ơn, xin lỗi mỗi khi phạm lỗi hay được nhận quà đó sao. Việc xin lỗi ấy chẳng có gì là xấu hổ cả”. Theo chị Oanh, đây là một hành động rất đơn giản nhưng nó làm ấm lòng người khác. “Từ khi các công trình xây dựng ở Đà Nẵng có các biển hiệu ấy chúng tôi thấy nhẹ nhàng và thông cảm được với các đơn vị thi công. Nó giải tỏa được sự bức xúc của người dân rất nhiều” - chị Oanh cho hay.

Tìm kiếm sự cảm thông, chia sẻ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết: “Các biển hiệu này ra đời sau khi các sở, ban ngành và chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát tiến hành họp bàn và thống nhất. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư phải ghi các biển hiệu xin lỗi dân với thông điệp lịch sự và thân thiện. Đó cũng là một chủ trương hợp lòng dân”.

Cũng theo ông Trung, việc cho ra đời các biển hiệu xin lỗi dân như hiện nay ở Đà Nẵng có một phần gợi ý từ các đơn vị tư vấn giám sát có kinh nghiệm và hình thành từ các chuyến đi thực tế tại một số nước. Theo đó, khi họ thực hiện một công trình nào gây khó chịu, ảnh hưởng đến người dân thì đều có những lời xin lỗi chân thành như vậy. Bởi “Khi thi công một công trình thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì vậy cần phải tạo sự thân thiện để người dân thông cảm và chia sẻ. Có vậy mới giảm được sự phản cảm từ các công trình mang lại” - ông Trung chia sẻ thêm.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng cho hay việc gắn băng rôn kêu gọi sự chia sẻ của người dân đã được thực hiện ở các công trình đóng cầu Bông, Kiệu, Lê Văn Sỹ... khi tiến hành xây dựng cầu mới. Và tới đây TP sẽ thực hiện phổ biến hơn, trước mắt là thực hiện ở công trình thi công phố đi bộ trên trục đường Nguyễn Huệ và xây dựng các nhà ga tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó tại các công trình này sẽ có ghi những câu mang ý nghĩa như thế. “Sở GTVT đang lựa chọn những câu ngắn gọn, đủ ý, không mang tính mệnh lệnh với mong muốn người dân thông cảm, chia sẻ trong thời gian thi công các công trình gây ảnh hưởng đến việc đi lại của họ” - ông Cường nói.

Theo Lê Phi – Minh Phong
Pháp luật TPHCM