Bạn đọc viết:
Biến tướng “văn hóa rượu bia” đã tới lúc... giật mình!
(Dân trí) - Tết đang đến gần. Những ngày cuối năm này tại nhiều cơ quan, đơn vị, sau mỗi hội nghị tổng kết lại nghe thấy những tiếng hô đồng thanh: “Một hai ba zô…” khiến không ít người phải thảng thốt, giật mình. Ôi hai tiếng rượu bia, bao giờ mới có văn hóa thật sự?
Đời sống xã hội càng đổi mới văn minh, ta càng được nghe từ “văn hóa” nhiều hơn. Âu đó là chuyện bình thường. Nhưng có điều lạ trong khi mọi thứ đều đang hướng đến văn hóa đó, thì có một hiện tượng đang diễn ra hàng ngày phổ biến trước mắt mà người ta có vẻ như muốn lờ đi, không muốn bàn đến nơi đến chốn. Đấy là việc uống rượu, bia.
Lạ nữa là mặc dù chẳng ai không biết và nếu so sánh giữa những cái lợi và cái hại của việc uống bia rượu, thì cái lợi lép vế khủng khiếp. Có thể kể hàng loạt cái hại của việc uống rượu rất cụ thể như: Tốn tiền, hại sức khỏe, mất thời gian, bệ rạc. Nếu quá chén còn có thể gây tai nạn giao thông, cà khịa với đồng nghiệp, bạo hành vợ con…
Những chuyện như thế này đã được cảnh báo quá nhiều trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Loài người cũng đã tốn rất nhiều giấy mực cũng như công sức để khẳng định với nhau là: chúng vô cùng có hại, khuyên nhau nên tránh xa rượu, bia, nhưng lại đều không đạt hiệu quả.
Xem ra chuyện bia rượu “nghiêm trọng và bí ẩn hơn” chúng ta tưởng???
Có người nói, hàng nghìn năm nay, con người ta vẫn uống rượu như thế, và rượu vì thế tới ngày nay vẫn “đồng hành” cùng nhân loại. Kẻ yêu, người ghét rượu đều phải thỏa hiệp với nhau, chấp nhận nhau để sống.
Tuy vậy có điều, nếu như trước kia các cụ ta năm thì mười họa mới có dịp được ngồi với nhau. Mỗi khi hiếm hoi ấy, vui lắm 5-6 cụ cũng chỉ nhâm nha hết 1 cút là nhiều. Vừa nhấm nháp, thưởng thức vị ngon của rượu, các cụ vừa bình thơ, kể chuyện nhân tình thế thái, nói với nhau những điều tốt lành (là chính).
Còn bây giờ khác lắm. Rượu bia được uống mọi lúc, mọi nơi. Buồn cũng rượu bia, vui cũng bia rượu và nhất là trong quan hệ công việc lại càng cần phải có rượu bia mới... được việc. Cả công chức, viên chức lẫn dân thường, cứ hễ gặp nhau là bia, là rượu uống “tới bến”.
Mà cũng chẳng phải bạn bè đâu xa, hàng ngày cùng cơ quan, đơn vị, nhưng vẫn chẳng thiếu lý do gì để uống. Mà cách uống ngày nay cũng khác, cứ “vào mâm” là bấy nhiêu công đoạn. Nào là li “nhập mâm”, “li đồng khởi”, “li sầu riêng”, “li nhóm”...đến “li phạt”, “li thưởng”... Rồi lại đến “một hai ba zô, hai ba zô, hai ba uống”…Tất cả, li nào cũng phải dốc ngược. Ai đó không uống (vì không uống được) là bị... khai trừ và cho rằng thiếu “tôn trọng”, “không nhiệt tình”…. Cứ như thế việc “tôn trọng” lẫn nhau giờ đây nhiều khi bị “biến thái” để được đo bằng tửu lượng.
Tan cuộc, mỗi người không còn biết mình đã bao nhiêu lần “đi cạn”. Có những “trận” họ ngồi với nhau nhiều tiếng đồng hồ. Thức ăn la liệt, đầy mâm nhưng không mấy ai động tới. Chỉ có rượu là cạn. Họ thản nhiên uống “tràn cung mây” dẫu biết rằng số tiền bán một gánh rau của người dân nơi thôn quê chỉ mua được 1 lon bia. Họ thản nhiên uống và uống mà như không biết rằng hàng trăm, hàng ngàn người nghèo đang cần sự giúp đỡ….
Chưa hết, thậm chí thật buồn cười, tôi còn bắt gặp nhiều người sau khi đi dự tiệc văn hoá ẩm thực lại “bò” về nhà bằng “tứ chi” .... Thử hỏi thế thì đây là loại văn hoá gì?
Dẫu vẫn biết bia rượu là thứ có lẽ đã không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng rõ ràng việc uống bia rượu rất cần phải bàn. Nhìn sang nước khác ví dụ như Mỹ - một nước được cho là rất tự do, nhưng pháp luật của họ quy định rất rõ ràng: Thanh niên dưới 21 tuổi không được phép uống rượu bia, nếu người lớn rủ rê họ sẽ bị cho là phạm pháp. Quán hàng không được bán rượu bia trước 12 giờ trưa và tuyệt đối cấm bán cho người dưới 21 tuổi.
Còn nước ta thì, ôi hai tiếng rượu bia, chuyện tưởng rất đỗi bình thường nhưng sao mà khó nói! Kết quả điều tra mới đây nhất tại Việt Nam của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho thấy một thực tế đáng ngại: Đó là cán bộ nhà nước và người có trình độ học vấn cao chiếm tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất. Trong khi đó, theo một nghiên cứu thì nghiện rượu xếp hàng thứ 5/10 nguy cơ đối với sức khỏe, chiếm 4% gánh nặng toàn cầu.
Tết đang đến gần. Những ngày cuối năm này không khí của nhiều cơ quan, đơn vị… vui lắm. Bởi sau mỗi hội nghị tổng kết, thay bằng thể hiện quyết tâm phấn đấu trong năm mới lại có thể nghe thấy những tràng tiếng hô đồng thanh: “Một hai ba zô, hai ba zô! Hai ba uống! 100%, 50/50…” khiến không ít người phải thảng thốt giật mình. Ôi hai tiếng rượu bia, bao giờ mới có văn hóa?
Minh Tư