Ý kiến chuyên gia

Báo chí và khả năng chính thống hóa các lệch chuẩn ?

Hoan nghênh Bộ TTTT đã kịp thời ra văn bản chỉ đạo các cơ quan truyền thông về việc đăng tải những thông tin về những vụ án mạng sao cho có tính nhân văn, không vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Lệch chuẩn dịch từ chữ déviance của tiếng Pháp. Thế nào là lệch chuẩn và tại sao báo chí lại có khả năng chính thống hóa các lệch chuẩn ?

Ở vi mô, liên quan đến một vài người,  thì những tệ nạn như hút sách, uống rượu, cướp, hiếp, bạo lực giữa người với người, dù là trong gia đình (bố ghẻ đánh con đến chấn thương sọ não) hay ở trường học (đâm chết bạn học ở dưới chân cầu thang trong trường), hay những thảm sát như chuyện ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái, Gia Lai gần đây…Trên vĩ mô thì tham nhũng, lạm dụng quyền lực, lợi ích nhóm và nhất là vi phạm nhân quyền, sự kỳ thị chũng tộc hay kỳ thị xã hội, ....là những thí dụ của lệch chuẩn.

Nhưng khái niệm chuẩn và lệch chuẩn thay đổi tùy thời, tùy xã hội, tùy sự “dung túng” của xã hội trước những hành vi hay thái độ khác với “lẽ thường” - chữ lẽ thường được để trong dấu ngoặc kép  vì thường hay bất thường, một lần nữa cũng tùy thuộc tần số xuất hiện, tùy thuộc lĩnh vực, tùy xã hội,  ..

Xã hội nào cũng tìm đủ mọi cách để kềm chế lệch chuẩn hầu bảo đảm sự yên bình cho cấu trúc, sinh hoạt và xa hơn nữa, sự sống còn của cộng đồng.

Dĩ nhiên, báo chí có khuynh hướng phản ảnh những sự kiện nổi bật, hiếm hay những sự kiện tiêu cực. Thành ngữ tiếng Pháp nói rằng “báo chí không bao giờ kể chuyện các chuyến xe lữa bình an mà chỉ nêu chuyện xe trật đường rail” - Chuyện lệch chuẩn nằm trong các đề tài mà báo chí hay đưa ra.

Nhưng về lâu về dài, báo chí, vô hình chung, làm «bình thường hóa» những cái tiêu cực vì tiêu cực thành đa phần, thành thường nhật, thành cơm bữa và nếu mỗi ngày đều thấy trên mặt báo thì một lúc nào đó cái bất thường có thể thành bình thường

Hoan nghênh Bộ TTTT đã kịp thời ra văn bản chỉ đạo các cơ quan truyền thông về việc đăng tải những thông tin về những vụ án mạng sao cho có tính nhân văn, không vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Vì những án mạng, chuyện bạo lực, ...  thêm vào vài nét  kịch tính,  còn có thể góp phần làm “đẹp” chuyện lệch chuẩn. Mưa dầm thấm lâu, lệch chuẩn khi mà được coi là chuyện bình thường, thì tác hại xã hội không nhỏ.

Nguyễn Huỳnh Mai