Góc nhìn chuyên gia:
Bàn về “đạo văn” và vấn đề sở hữu trí tuệ
(Dân trí) - Thời sự mấy hôm nay có vấn đề một Giáo sư, Phó Hiệu trưởng một trường Đại học ở Hà Nội bị nghi đạo văn. Qua bài viết này, tôi muốn đưa ra vài phân tích về quyền sở hữu trí tuệ và đạo đức của người làm khoa học.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vu-hieu-pho-bi-to-sao-chep-giao-trinh-nguoi-to-cao-lam-sai-lech-thong-tin-950950.htm'><b> >> Vụ Hiệu phó bị “tố” sao chép giáo trình: Người tố cáo làm “sai lệch” thông tin</b></a>
Đạo đức của một người làm khoa học thật ra rất là giản dị: câu nói “cái nào của César thì trả cho César” thể hiện tập quán nhất thống. Đó là một cách làm việc vừa nói lên sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, vừa là tự trọng. Tức là hoàn toàn không được dùng tài liệu, kết quả hay công trình của người khác rồi ký tên mình. Giáo trình cũng thuộc quyền sở hữu của người viết. Có cập nhật thì cũng phải ghi tên tác giả nguyên thủy và ghi thêm tên người cập nhật.
Không thể nói rằng những cái hay, cái tốt từ tài liệu cũ thì phải lấy để viết. Cũng không thể quan niệm rằng chép giống nhau là đặc trưng của sách giáo khoa.
Có những giáo viên mới ra trường, chưa đủ thì giờ và khả năng viết giáo trình thì không có gì cấm họ dùng giáo trình của người tiền nhiệm với hai điều kiện:
+ Được tác giả đồng ý.
+ Nêu rõ tên tác giả với học trò của mình.
Sự đồng ý của tác giả là một điều kiện cần thiết, không thể nào suy diễn rằng “người chết chắc cũng đồng tình” (?)
Quyền sở hữu trí tuệ cũng áp dụng cho những tài liệu chưa hay không xuất bản. Một luận văn ra trường thường không được xuất bản, một số luận án Tiến sĩ cũng thế. Các giáo trình cũng là những tác phẩm sáng tạo dù có in ấn xuất bản hay không. Và nếu có sáng tạo thì có quyền trí tuệ. Ta không có quyền sao chép hay mượn đem về rồi... cho tên mình vào.
Công ước Berne gồm hơn 40 điều khoản đi từ định nghĩa các tác phẩm được bảo vệ, các tiêu chỉ để áp dụng tác quyền, thời gian được bảo vệ, vấn đề tác quyền xuyên quốc gia ...
Văn bản này quan trọng vì được đại đa số các quốc gia tham gia, đã đưa ra những định nghĩa khung và một khuôn mẫu pháp lý cho vấn đề sở hữu trí tuệ. Công ước Berne ra đời từ hơn một thế kỷ và được tu chỉnh qua các hội nghị tiếp theo như đã ghi trên nên vẫn còn cập nhật.
Một số điều khoản đặc biệt được dự trù cho các nước đang mở mang (6 điều, phụ lục). Ngoài ra, mỗi hệ thống pháp luật của từng quốc gia có quyền định nghĩa, bổ túc và ấn định chi tiết các thể thức áp dụng văn bản sao cho thích hợp với đặc thù của xã hội mà vẫn tôn trọng các ý hướng đạo của Công ước (điều1, khoản 2 chẳng hạn).
Tác phẩm nào được bảo vệ:
Thông thường, có ba điều kiện để thành một tác phẩm được bảo vệ:
+ Có sáng tạo.
+ Sự sáng tạo này đã thành phẩm.
+ Sản phẩm độc đáo, chưa hiện hữu trước đó.
Trong sở hữu trí tuệ ta có thể kể ra các tác phẩm văn chương, hội họa âm nhạc, các bài báo khoa học, các chương trình tin học, các sáng tạo kỹ thuật, máy móc...
Công ước Berne đi xa hơn nữa và 8 khoản trong điều 2 ghi rõ những dạng khác nhau của các tác phẩm được bảo vệ. Trong đó ngoài những gì vừa nêu ở trên còn có cả các bài thuyết trình, bản vẽ của kiến trúc sư, bản đồ của nhà địa lý ... Nghĩa là tất cả những gì hội đủ ba điều kiện (sáng tạo, thành phẩm và chưa có trước đó) nêu trên.
Theo nguyên tắc thì không cần thủ tục gì hết để thực thi quyền này. Thế nhưng trong thế giới kinh tế thị trường, những sản phẩm công nghệ cần được trình tòa (brevet hay patent) để khẳng định quyền sở hữu trí tuệ. Trong khoa học thì ngày đăng báo là bằng chứng cho biết tác giả đầu tiên của khám phá.
Để áp dụng quyền sở hữu trí tuệ trong công nghệ, thông thường ta phân biệt thông tin hay nguyên tác và sản phẩm. Thông tin thì không có sở hữu trí tuệ. Còn sản phẩm thì được bảo vệ. Thí dụ như trong công nghệ, khái niệm bao cao su là một thông tin (đó là phương thức bảo vệ trong quan hệ giới tính). Các mẫu mã và mác của các bao cao su thì có thể trình tòa và được bảo vệ.
Nội dung quyền sở hữu trí tuệ
+ Quyền vật chất
+ Phát hành, in ấn, trình bày trước công chúng dưới mọi hình thức, bán buôn, chuyển nhượng, dịch sang ngôn ngữ khác, sản xuất ra hàng loạt ...
+ Quyền khai thác dưới mọi hình thức có thể.
+ Quyền tinh thần
+ Tư cách cha đẻ, tác giả của tác phẩm.
+ Quyền được thừa nhận hay tôn vinh của xã hội,
+ Quyền được bảo vệ sự tròn vẹn của tác phẩm và cấm người khác cắt xén hay làm méo mó, sai lệch tác phẩm.
Thông thường quyền sở hữu trí tuệ được bảo đảm suốt cuộc đời của tác giả và từ 50 tới 70 năm sau khi tác giả qua đời.
Tại sao cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?
+ Cho những tác phẩm văn chương, mỹ thuật, nghệ thuật là để khuyến khích sự sáng tác và sáng tạo.
+ Đối với các nhà khoa học, bảo vệ sở hữu trí tuệ là cách vinh danh những người tận tụy với khoa học và tìm tòi khám phá.
+ Cho những sáng chế công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cũng theo theo chiều hướng trên.
+ Cho những thương hiệu, là để bảo vệ thông tin cho người tiêu dùng (phân biệt hàng thật - hàng giả) và bảo đảm một sự cạnh tranh trong sạch – Phải biết rằng các thương hiệu cũng như trong công nghiệp, công tác nghiên cứu phát triển tốn nhiều kinh phí. Bảo vệ sản phẩm đầu ra là khuyến khích các thương nghiệp tìm tòi và nghiên cứu, mục đích cuối cùng giúp công nghiệp phát triển.
Những ngoại lệ
1. Phần mềm tự do từ thập niên 80, khởi xướng là một số chuyên gia có ý thức hệ chống quyền lực thương mại của các ông trùm máy tính và cổ vũ cho sự phát triển của các chương trình tin học không phải mua.
2. Từ mươi năm nay các Đại học Bỉ đều đưa lên trang mạng những công trình khảo cứu các Tiến sĩ, nghiên cứu sinh trong ý thức hệ chia sẻ kiến thức (2)
Sở dĩ các khoa học gia chấp nhận công bố các khám phá của mình vì họ tin chắc rằng không ai sẽ đi ...ăn cắp các kết quả đó.
Khuynh hướng này sẽ, về lâu về dài, một mặt góp phần phát triển khoa học nhanh hơn. Và mặt khác đưa trình độ khả năng tiếp cận khoa học của người dân lên cao hơn.
Lời kết:
Về những trích dẫn văn chương cho các sách giáo khoa. Con số hàng triệu đô la đã được đưa ra khi nói về tiền bản quyền phải trả cho các tác giả được trích dẫn trong các sách giáo khoa.
Trường hợp này đã được các nước tham gia Công ước Berne giải quyết một cách nhẹ nhàng bằng cách xin phép các tác giả được trích dẫn, không đền bù, để theo đuổi mục đích đào tạo một tầng lớp người đọc trẻ. Những người này sẽ có khả năng mua sách sau đó. Hơn thế, đem các trích dẫn vào sách giáo khoa thì cũng như là một hình thức quảng bá không công cho tác giả!
Việt Nam đã tham gia vào Công ước Berne, ta cũng có thể hành xử như thế, vừa tiết kiệm được ngân sách mà lại hợp lý hợp tình.
Nguyễn Huỳnh Mai
(từ Liège, Bỉ)
(1) nguyên văn Công ước Berne bằng tiếng Pháp có thể đọc được ở đây:
http://www.copyright.ht/hypertext/berne1.htm
(2) đây là ba liên kết với các nơi mà ba Đại học lớn nhất ở Bỉ cho đăng các công trình của các nhà khoa học nước mình:
http://www.bib.ulb.ac.be/fr/bibliotheque-electronique/index.html